Kinh tế tư nhân: Kỳ vọng bứt phá và phát triển - Bài cuối: Những tiếng nói kỳ vọng

Thanh Hương - Diệp Anh 13:01 | 01/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù có đóng góp lớn cho nền kinh tế, song kinh tế tư nhân vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại. Việc Bộ Chính trị sẽ ban hành nghị quyết khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển của kinh tế tư nhân với những cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh được kỳ vọng sẽ "tháo chốt" để kinh tế tư nhân cất cánh, trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã nói lên tiếng nói chia sẻ, kiến nghị và kỳ vọng.

 

Ông Lại Hoàng Dương - Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng: Nhiều chính sách vẫn đang “ở một nơi khá xa”!

Là một công ty tư nhân đã 20 năm có mặt trên thị trường, chúng tôi cũng đã trải qua khá nhiều thay đổi của hệ thống văn bản chính sách cũng như các luật của Nhà nước về kinh tế tư nhân. Thời điểm này, thực sự doanh nghiệp rất phấn khởi khi Đảng, Nhà nước dành cho kinh tế tư nhân sự quan tâm, khuyến khích đặc biệt. Chính phủ đã liên tục có chính sách để hỗ trợ cho tư nhân, tuy nhiên nhiều chính sách dường như vẫn đang nằm ở một nơi khá xa, trong khi doanh nghiệp tư nhân rất cần những chính sách sát với doanh nghiệp, cụ thể là những chính sách về thuế, về vốn…

Để doanh nghiệp tư nhân có thể thay đổi, bứt tốc, chúng tôi rất cần sự ổn định về thể chế và những quy định rõ ràng, ổn định cho doanh nghiệp. Hiện tại, có nhiều chính sách mà doanh nghiệp tư nhân cũng đang khó khăn trong việc là hiểu và làm thế nào để đúng. Do đó, Nhà nước cần ổn định trong chính sách và hỗ trợ thêm các chương trình đào tạo, huấn luyện, cũng như trau dồi kỹ năng cho người đứng đầu các doanh nghiệp tư nhân, bởi trong quá trình làm việc, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp tập trung vào kinh doanh, sản xuất, chưa đầu tư nhiều cho việc tìm hiểu các chính sách, trong khi nhiều chính sách và luật liên tục thay đổi.

Lấy ví dụ, Luật Doanh nghiệp ra đời rất lâu và cũng đã điều chỉnh liên tục. Tuy nhiên, công cụ điều chỉnh và một số nghị định hướng dẫn luật triển khai rất chậm hoặc còn nhiều chồng chéo, nên chúng tôi mong muốn có thể thu gọn hoặc cải tiến để làm sao Luật được ứng dụng tốt hơn. Hay như chuyển đổi số đã giúp cho doanh nghiệp giảm bớt rất nhiều thủ tục trong quá trình giao dịch với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để hiểu và làm đúng quy trình trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp cũng còn nhiều bỡ ngỡ. Thách thức với doanh nghiệp là cần phải cập nhật nên chúng tôi cũng mong muốn sẽ có những chương trình tập huấn kịp thời, phổ cập với các doanh nghiệp tư nhân…

Bà Đinh Thị Hà, Giám đốc Công ty Thẩm định giá VNG Việt Nam: Tiếp cận vốn còn rất nhiều vướng mắc

Nhu cầu xã hội thay đổi, hành lang pháp lý thay đổi, các doanh nghiệp luôn luôn phải thay đổi để làm sao thích ứng với những thay đổi của pháp luật, công nghệ cũng như các chính sách vĩ mô tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Tôi cho rằng, khó khăn nhất với các doanh nghiệp tư nhân hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn.

Ví dụ như đầu tư cho công nghệ là một khao khát của các doanh nghiệp hiện nay nhưng công nghệ cũng là lĩnh vực “ngốn” lượng vốn rất lớn. Với mong muốn đầu tư hơn về công nghệ, doanh nghiệp cần vay rất nhiều vốn và cần những ưu đãi về chính sách cụ thể hơn từ Chính phủ. Mặc dù có chủ trương, có chính sách, nhưng trên thực tế để tiếp cận với những nguồn vốn ưu đãi thì còn rất nhiều vướng mắc. Ngoài ra, còn rất nhiều khó khăn khác liên quan đến nhân sự thay đổi trong ngành nghề này hay những chính sách pháp luật của Nhà nước thay đổi khi các luật liên quan thay đổi, trong khi một lĩnh vực đầu tư chịu sự chi phối của rất nhiều bộ luật khác nhau…

Ông Nguyễn Doãn Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ABT Homes: Chuyển đổi số đòi hỏi nguồn lực rất lớn về tài chính

Hành trình làm doanh nghiệp trong 10 năm đầu tiên chúng tôi phát triển theo mô hình truyền thống, còn 5 năm trở lại đây, chúng tôi phát triển theo mô hình tiếp cận khách hàng trên môi trường số. Do đó, sử dụng công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo, như một phần giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng chuyển đổi số đòi hỏi nguồn lực rất lớn về mặt tài chính, song việc tiếp cận các nguồn vốn cũng như các tổ chức tín dụng rất khó khăn.

Là một doanh nghiệp nhỏ, tài sản tích lũy không đủ lớn so với dự án mà chúng tôi đang triển khai nên ngoài việc huy động nguồn lực hiện có của doanh nghiệp, chúng tôi cũng có rất nhiều phiên làm việc với các nhà đầu tư để có thể gọi vốn từ cộng sự và những doanh nghiệp trong mối quan hệ của hai bên. Chúng tôi mong muốn Đảng và Chính phủ sẽ tạo ra những hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ, có thể là trực tiếp, gián tiếp, hoặc tạo ra những quỹ đầu tư để giúp các doanh nghiệp nhỏ về mặt tài chính.

Bà Lã Thị Lan, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc: Tiếp tục tháo gỡ các rào cản pháp lý

Bà Lã Thị Lan, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc nêu kiến nghị tại hội thảo "Tháo gỡ chính sách để phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam", chiều 21/3. Ảnh: Xuân Anh/TTXVN

Tại Tp. Hồ Chí Minh, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp hơn 51% GDP, tạo sinh kế cho hàng triệu gia đình và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế của thành phố. Hiện nay, thành phố đang trên đà mở rộng, đối mặt với nhiều thách thức về hạ tầng, giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Doanh nghiệp đang tích cực chung tay với thành phố, từ việc tạo công ăn việc làm, hỗ trợ giáo dục, bảo vệ môi trường đến thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững, góp phần xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, hiện đại và công bằng hơn.

Tuy nhiên, để thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trước hết, Nhà nước và Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các rào cản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, đất đai, cũng như đảm bảo một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng. Một cơ chế linh hoạt, thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân phát huy tối đa tiềm năng và gia tăng đóng góp cho nền kinh tế.

Thứ hai, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Khi thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), cần đặt ra các điều kiện ràng buộc với các doanh nghiệp FDI về liên kết với doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ, giúp doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Thứ ba, để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, chúng tôi mong muốn Nhà nước tạo cơ chế khuyến khích mạnh mẽ hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Chính phủ cần có chính sách ưu đãi thuế, tín dụng và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cần mạnh dạn đặt hàng doanh nghiệp tư nhân trong các dự án hạ tầng, sản xuất công nghiệp và năng lượng xanh.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tâp đoàn Phú Thái: Cần sự hợp lực không chỉ của riêng cộng đồng doanh nghiệp

Những biến động của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay đến rất nhanh, đòi hỏi sự đột phá, tăng tốc và quan trọng nhất là sự hợp lực không chỉ của riêng cộng đồng doanh nghiệp, mà cần sự hợp lực của Chính phủ, các cơ quan chức năng các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân…

Chúng ta phải xác định đây là một cuộc chơi mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của “team work” - của sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, toàn thể doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn bước ngoặt này. Giai đoạn này như giai đoạn đầu tiên của bước ngoặt từ cách làm truyền thống sang một môi trường mới, khác biệt hoàn toàn. Những doanh nghiệp trụ vững được phải có trình độ rất quốc tế, rất toàn diện và phải có sự hợp tác với nhau như: Hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp trong nước, hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài và quan trọng nữa là sự chung tay của toàn xã hội khi người dân cũng có tinh thần ủng hộ sản phẩm Việt Nam, thương hiệu Việt Nam.

Cùng với tinh thần hợp lực và những trang bị về cơ chế, chính sách, nguồn lực, vốn, công nghệ, thị trường…, doanh nghiệp tư nhân cũng cần xây dựng cho mình những giá trị mềm để có thể tiến xa trong môi trường kinh doanh hiện nay.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả: Hài hòa lợi ích, trách nhiệm giữa Nhà nước và nhà đầu tư

Việc duy trì mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động, cũng như giữa Nhà nước và nhà đầu tư có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tập đoàn Đèo Cả luôn định hướng phát triển là doanh nghiệp dân tộc và để đất nước vươn mình phát triển hùng cường cũng cần có nhiều doanh nghiệp dân tộc cùng chung tay. Để làm được điều đó, Tập đoàn Đèo Cả cho rằng cần có cơ chế bảo vệ và "nuôi dưỡng" doanh nghiệp để trước tiên doanh nghiệp phải tồn tại và phát triển vững chắc mới có thể đóng góp lớn hơn cho đất nước, dẫn dắt doanh nghiệp khác cùng phát triển và vươn tầm quốc tế.

Tập đoàn Đèo Cả đề xuất Đảng, Nhà nước và Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc, đồng thời hoàn thiện cơ chế để phát triển tổ chức Đảng trong khu vực kinh tế tư nhân. Từ đó để kinh tế tư nhân không chỉ phát triển về quy mô mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển dài hạn của đất nước.

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Công ty Phương Thành Tranconsin: Đẩy mạnh liên danh cùng làm để phát triển 

Doanh nghiệp luôn nêu cao tinh thần làm được việc gì thì cố gắng làm, liên danh với nhau, chia nhau để cùng làm, làm sao để làm được và có hiệu quả. Đơn cử với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, phần công nghệ cơ khí phía trên tương đối khó với doanh nghiệp trong nước và để học hỏi rất mất thời gian. Còn đối với với phần hạ tầng phía dưới đường ray, với doanh nghiệp có kinh nghiệm, đã đảm nhiệm các dự án đường bộ cao tốc có tính chất tương tự là tự tin có thể đảm nhận được. 

Khi doanh nghiêp tư nhân cam kết làm được, tâm huyết để làm, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bằng cơ chế chỉ định thầu, nhất là đối với các doanh nghiệp trong nước đang thi công các công trình hạ tầng lớn, trọng điểm quốc gia thời gian qua. Về phía doanh nghiệp cũng sẽ chủ động đào tạo cán bộ, công nhân viên, đầu tư mua thêm thiết bị công nghệ máy móc, thậm chí thuê chuyên gia trong và ngoài nước đã thi công dự án tương tự để vừa làm vừa học tập, tiến tới làm chủ công nghệ trong tương lai.