Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018

15:59 | 31/12/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Năm 2018, cùng với kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành một đông lực quan trọng phát triển nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, như tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TW của Trung ương. Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam xin điểm lại 10 điểm nhấn nổi bật của khu vực kinh tế tư nhân trong năm qua.

1. Thể chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân được đẩy mạnh

Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 1
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Doanh nghiệp cuối kỳ 2018.

Sau năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ đã ghi các dấu ấn đặc biệt trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đưa niềm tin kinh doanh của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài lên cao. Năm 2018 là năm Chính phủ ghi dấu ấn với một loạt văn bản chỉ đạo điều hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, như Nghị quyết số 01/NQ-CP với nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; Nghị quyết 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh... Nhờ thế, đây là năm ghi nhận kỷ lục về cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành sau gần 20 năm thực hiện. Đơn cử, Bộ Công Thương cắt giảm tổng số 561 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, Bộ Tài  chính cắt giảm tổng số 164 điều kiện...

2. Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ 2

Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ 2.

Ngày 22/11, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ 2018-2023 gồm 75 ủy viên. PGS. TS. Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, tiếp tục được Đại hội bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ 2018-2023.

Theo báo cáo tổng kết của ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, sau 5 năm đi vào hoạt động, Hội đã thành lập được 10 tổ chức pháp nhân trực thuộc, đã chủ động, tích cực vận động các doanh nhân có tâm, có tầm, thực hành quản trị doanh nghiệp tốt, tuân thủ pháp luật, những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh tự nguyện gia nhập Hội.

Đến nay Hội đã có hàng nghìn hội viên là các doanh nhân tư nhân thuộc những ngành kinh tế quan trọng, có quy mô lớn, vừa và nhỏ, hoạt động tại địa phương trên cả nước cũng như đang đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài.

3. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018-2021

Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 2
 Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa VI gồm 113 ủy viên

Ngày 28/8, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018-2021 diễn ra tại Hà Nội, thu hút 700 đại biểu đại diện cho trên 10.000 hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cả nước.

Nhiệm kỳ vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức, phát triển hội viên, giữ vững vai trò một trong những hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp có quy mô lớn nhất cả nước.

Hội đã thành lập mới 10 câu lạc bộ (CLB) theo ngành nghề, sở thích như: CLB Nông nghiệp công nghệ cao, CLB Đầu tư khởi nghiệp...; thành lập 9 cụm doanh nhân trẻ góp phần phát huy sức mạnh liên kết của doanh nhân trẻ theo khu vực.

Hơn 10.000 hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên, các doanh nghiệp hội viên tổ chức hơn 200 hoạt động xúc tiến thương mại, mang lại việc làm cho hơn 3 triệu người lao động, với tổng doanh thu hằng năm đạt hơn 25 tỷ USD.

Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa VI gồm 113 ủy viên; cử anh Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC Group giữ chức Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa VI, và cử 11 Phó Chủ tịch Hội khoá VI.

4. Doanh nghiệp tư nhân chiếm trọn Top 10 Sao Vàng đất Việt 2018

Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 3
 Lễ trao Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2018.

Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2018 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, và Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức có sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp. Top 10 doanh nghiệp Sao Vàng đất Việt năm nay đều thuộc về khối tư nhân với những tên tuổi “đình đám”: Vingroup, FPT, Hòa Phát, TTC, Traphaco, Thiên Long, Xây dựng Hòa Bình, Gỗ An Cường, Thủy sản Minh Phú, CENLAND.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, 200 Doanh nghiệp được trao Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2018 đã tạo ra doanh thu gần 1 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách trên 72 nghìn tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 417.000 lao động. Đây là những số liệu ấn tượng nói lên vị thế và sự ảnh hưởng lớn của các doanh nghiệp đoạt giải đối với nền kinh tế Việt Nam và cũng là niềm tự hào của Giải thưởng Sao Vàng đất Việt.

5. Vingroup tiếp tục khẳng định tầm quốc tế của doanh nghiệp và doanh nhân Việt

 

Tập đoàn Vingroup ngày càng chứng tỏ bản lĩnh, năng lực quản trị ngang tầm quốc tế của mình khi luôn có bước đi, cánh làm rất chuẩn mực, bài bản để thành công với tư cách một doanh nghiệp tư nhân đầu tư kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, hình thành chuỗi giá trị Vin và hệ sinh thái Vin.

Sự kiện nổi bật mà Vingroup để lại dấu ấn đậm nét và tiếng vang lớn trong năm 2018 chính là việc cho ra mắt mẫu xe Sedan và SUV tại Paris Motor Show, chỉ sau hơn 1 năm thành lập VinFast. Điều này thể hiện tư duy lớn, đi thẳng vào hiện đại, chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ... thông qua hợp tác với những thương hiệu quốc tế như BMW, Pininfarina, Bosch, Magna…

Rất nhanh sau đó, VinFast giới thiệu xe máy điện Klara cùng xe xăng cỡ nhỏ Fadil. VinFast công bố bán xe với chính sách 3 KHÔNG (Không chi phí khấu hao, không chi phí tài chính và không tính lãi), theo đó giá bán ra thấp hơn 40% so với giá thành sản xuất.

Cũng trong năm 2018, VinSmart – công ty sản xuất điện thoại di động – sau 6 tháng thành lập đã cho ra đời chiếc điện thoại thông minh Vsmart hợp tác cùng BQ, Qualcomm.

6. Tập đoàn Công nghệ CMC là một trong hai Doanh nghiệp công nghệ thông tin-viễn thông tư nhân uy tín nhất

Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 4
 

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC (trái) ký thỏa thuận chiến lược với đối tác Đan Mạch dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Ngày 25/07, tại Hội nghị thường niên Vietnam CEO Summit 2018, Tập đoàn Công nghệ CMC đã nhận giải thưởng Top 5 Doanh nghiệp công nghệ thông tin-viễn thông uy tín năm 2018 cùng với Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VNPT và VNG. Nếu không xét đến 2 tập đoàn nhà nước Viettel và VNPT thì trong khối doanh nghiệp tư nhân, Tập đoàn Công nghệ CMC lọt vào Top 2 Doanh nghiệp Công nghệ thông tin-viễn thông uy tín năm 2018. CMC cũng là Tập đoàn Công nghệ số 2 Việt Nam về mức vốn hóa, doanh thu và số lượng nhân lực.

Trong năm 2018, các công ty đơn vị thành viên của Tập đoàn cũng nhận được nhiều danh hiệu cao quý: Công ty CP An ninh an toàn thông tin CMC (CMC Infosec) nhận được cả 3 giải: Sản phẩm ATTT chất lượng cao, Dịch vụ ATTT tiêu biểu và Sản phẩm ATTT mới xuất sắc 2018 do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) công bố; CMC Telecom là một trong ba công ty đầu tiên trên thế giới đạt được chứng chỉ MEF 3.0 tại Hội nghị thường niên của Metro Ethernet Forum (MEF), khẳng định khả năng của CMC Telecom trong việc cung cấp các dịch vụ kết nối Ethernet với chất lượng cao nhất thị trường, dựa trên các tiêu chuẩn được công nhận toàn cầu. Đồng thời, ông Lê Minh Hiếu – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật CMC Telecom đạt chứng chỉ CDCE (Certified Data Center Expert), chứng chỉ cao cấp nhất về thiết kế và xây dựng Data Center, trở thành người Việt Nam thứ 03 sở hữu chứng chỉ CDCE.

Tập đoàn cũng trở thành đối tác hợp tác chiến lược của ngày càng nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia hàng đầu quốc tế như: Samsung SDS (Hàn Quốc); Approxima (Đan Mạch); Microsoft; Honda Vietnam, AEON IBS, NTT - Communications, AT&T…

Nhân Lễ kỷ niệm 25 năm của Tập đoàn, hồi đầu tháng 5, Tập đoàn Công nghệ CMC cũng đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba lần thứ 2.

7. Cụm công trình Sân bay Vân Đồn - Cao tốc Hạ Long-Vân Đồn – Cảng quốc tế Hạ Long ghi dấu ấn đậm nét về sự trưởng thành vượt bậc của kinh tế tư nhân Việt Nam

Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 5
 Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Sáng 30/12, lễ khai trương 3 công trình quan trọng của tỉnh Quảng Ninh: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và thông tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, trị giá khoảng 1 tỷ USD đã được tổ chức.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam do Tập đoàn Sun Group đầu tư theo hình thức BOT – có tổng số tiền đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 3/2016 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, trên tổng diện tích 325 ha. Theo công suất thiết kế, nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đánh giá là phi trường phức hợp hiện đại bậc nhất ở Việt Nam hiện nay với thiết kế đạt 2,5 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hoá/năm. Sân bay có 2 khu vực quốc tế và nội địa riêng biệt. Dự kiến ngay trong năm đầu tiên mở cửa, sân bay này sẽ đón khoảng 500.000 lượt khách.

Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 6
 Cao tốc Vân Đồn-Hạ Long
Cũng trong ngày 30/12, tuyến cao tốc Hạ Long-Vân Đồn chính thức thông xe kỹ thuật, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hạ Long đến Vân Đồn chỉ còn chưa đến 1 giờ đồng hồ. Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài gần 60 km với tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, được thiết kế chiều rộng nền đường 24,5m, với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ 100km/h. Cùng với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đã thông xe đầu tháng 9/2018, công trình trọng điểm này sẽ tạo mạch giao thông thông suốt từ Hà Nội đến Vân Đồn, tăng cường kết nối tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 7
 Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long được khởi công xây dựng từ tháng 11/2017, có tổng vốn gần 1.100 tỷ đồng, do Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long đầu tư. Đây là công trình giao thông bến cảng cấp đặc biệt và là cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam, được thiết kế đón tàu có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT, với tổng số người lên đến 8.460 (bao gồm cả hành khách và thủy thủ đoàn), phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc. Các hạng mục chính của công trình gồm: cầu cảng, cầu dẫn, bến du thuyền, nhà ga hành khách, nhà công vụ của các cơ quan chức năng. Trong đó bến cảng khách dài 406 m gồm 6 trụ neo; sảnh đón khách dài 130m, rộng 30m, bến du với tổng số người lên đến 8.460 (bao gồm cả hành khách và thủy thủ đoàn), thuyền được thiết kế hiện đại, đẳng cấp… Nhà ga Cảng hành khách rộng 4.500 m2 gồm 3 tầng với tổng diện tích 13.500 m2, được thiết kế bởi Bill Bensley - top 5 kiến trúc sư hàng đầu thế giới.

8. Dấu ấn phát triển và thành công của các nữ doanh nhân

Có thể nói 2018 là năm mang nhiều dấu ấn phát triển và thành công của các doanh nhân nữ, điển hình như:

Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 8
 Nữ doanh nhân Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk được Forbes Việt Nam vinh danh với giải thưởng "Thành tựu trọn đời"
Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc công ty sữa số 1 Việt Nam Vinamilk được Forbes Việt Nam vinh danh với giải thưởng "Thành tựu trọn đời" trong khuôn khổ Women's Summit 2018 diễn ra ngày 18/10 tại TP. Hồ Chí Minh. Bà Mai Kiều Liên còn là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có mặt liên tiếp từ năm 2012-2015 trong danh sách 50 Nữ Doanh nhân Quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn và được trao tặng giải thưởng Nikkei Asia Prize của Nikkei Inc. Bà Mai Kiều Liên đã lãnh đạo Vinamilk trong hơn 40 năm qua, đưa công ty trở thành trường hợp thành công điển hình nhất của khối doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Vinamilk - Công ty sữa số một của Việt Nam xét theo doanh thu và lợi nhuận, được niêm yết vào năm 2006, cổ phiếu luôn nằm trong nhóm cổ phiếu “ngôi sao” của sàn chứng khoán với giá trị vốn hóa hiện ở mức hơn 10 tỷ USD. Năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp Vinamilk giữ ngôi vị quán quân thị trường chứng khoán về lợi nhuận. 
Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 9
 Lễ khởi công Nhà máy chế biến sữa TH tại Khu công nghiệp thuộc vùng kinh tế đặc biệt Kaluga, huyện Borovsk, tỉnh Kaluga
Trước đó, ngày 7/9/2018, tại Khu công nghiệp thuộc vùng kinh tế đặc biệt Kaluga, huyện Borovsk, tỉnh Kaluga, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Thủ tướng Nga Alecxei Gordeev, một doanh nghiệp sữa nổi tiếng khác của Việt Nam là Tập đoàn TH đã tổ chức Lễ Khởi công Nhà máy chế biến sữa TH, với công suất chế biến 1.500 tấn/ngày, trở thành nhà máy chế biến sữa có công suất lớn nhất nước Nga. Đây là công trình nằm trong chuỗi sản xuất khép kín các sản phẩm sữa và đồ uống tốt cho sức khỏe thuộc Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD được xem là Dự án đầu tư quan trọng nhất, tầm cỡ Liên bang Nga của Tập đoàn TH tại Liên bang Nga.
Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 10
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, “Người phụ nữ thầm lặng của golf Việt”

Tháng 6/2018, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga người đứng đầu Tập đoàn BRG, được bầu làm Chủ tịch Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Không chỉ được biết đến là người nắm giữ nhiều tài sản lớn như SeABank, Công ty Intimex Việt Nam, Khách sạn Thắng Lợi…, doanh nhân Nguyễn Thị Nga còn được mệnh danh là “Người phụ nữ thầm lặng của golf Việt”, người viết tiếp câu chuyện huyền thoại và thực hiện thành công khát khao cháy bỏng: Việt Nam cũng có những sân golf đẳng cấp không hề thua kém các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hiện tại, Tập đoàn BRG do bà làm Chủ tịch sở hữu những sân golf hàng đầu như Kings Island với Lakeside, Mountainview và Kings Course, sân đi bộ tốt nhất Việt Nam Ruby Tree (Hải Phòng), sân twin green độc đáo Legend Hill (Sóc Sơn, Hà Nội) do Công ty Nicklaus Design của huyền thoại golf số một thế giới Jack Nicklaus thiết kế, BRG Da Nang Golf Resort với thiết kế của huyền thoại golf số 2 thế giới Greg Norman, và sân mang phong cách bờ kè đầu tiên tại châu Á cũng do Nicklaus Design thiết kế. Tại Đại hội Hội Danh nhân Tư nhân Việt Nam lần 2 vừa qua, “nữ tướng”” này được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội DNTNVN.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet Air.

Ngày 13/10, Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank, được Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc và Tập đoàn Truyền thông Maekyung vinh danh là doanh nhân Đông Nam Á tiêu biểu năm 2018 vì những đóng góp quan trọng trong việc kết nối kinh tế, thương mại giữa Hàn Quốc và khu vực ASEAN. Đồng thời, đầu tháng 12, bà Thảo cũng lọt top 50 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do Forbes xếp hạng. Theo kết quả của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đứng thứ 44 trong bảng xếp hạng năm nay, tăng 11 bậc so với năm ngoái.

Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 11
 Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương cùng 2 đồng tác giả người Anh và Mỹ với tác phẩm "Competing with Giants" được Forbes xuất bản

Sau thành công của cuốn sách đầu tay “Chuyện nhà Dr. Thanh”, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), nữ doanh nhân Trần Uyên Phương Phó Tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát chính thức giới thiệu cuốn “Competing with Giants” (Vượt lên người khổng lồ), do ForbesBooks xuất bản, tại Hà Nội. Đây là tác phẩm cô viết cùng nhà báo Anh Jackie Horn và chuyên gia kinh tế Mỹ John Kador và là quyển sách đầu tiên do người Việt viết được ForbesBooks xuất bản.  Đây không chỉ là câu chuyện thực tế về hành trình đưa Tân Hiệp Phát, từ một doanh nghiệp địa phương nhỏ bé trở nên lớn mạnh, khát khao vươn ra thế giới mà còn là nghiên cứu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, từ khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như giới chuyên gia, truyền thông quốc tế sẽ ngày càng cảm nhận rõ hơn về một CEO Tân Hiệp Phát trong tương lai, với “khát vọng châu Á”: “Không bao giờ là dễ dàng để cạnh tranh với những người khổng lồ, nhưng hãy tự tin đối mặt với họ”.

Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 12

Doanh nhân Nguyễn Thu Hương và bà Isabelle  ký kết cho chương trình bình chọn WLIN Asean Beauty Queen

Mới đây nhất, ngày 13/12, Lễ vinh danh Top 100 Phong cách Doanh nhân với chủ đề “Người tiên phong” đã diễn ra tại  TPHCM. Đây là sự kiện thường niên dành cho các doanh nhân trong và ngoài nước được tổ chức bởi Mạng lưới Nam Phong cách Doanh nhân Quốc tế (BSIN) và Nữ Lãnh đạo Quốc tế (WLIN), dưới sự chỉ đạo bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và do Công ty Cổ phần Truyền thông và Đầu tư Nam Hương (Nam Hương Corp) với sự đồng hành của Học viện đào tạo hình tượng chuyên nghiệp Pro Image thực hiện. Người sáng lập WLIN và BSIN chính là Tổng Giám đốc Nam Hương Corp, nữ doanh nhân-Á hậu Quý bà thế giới Nguyễn Thu Hương. Trước đó, nhằm hiện thực hóa khát vọng “đưa Việt Nam vươn ra thế giới và đưa thế giới hội tụ về Việt Nam”, cuối tháng 4/2018, doanh nhân Thu Hương đã có một buổi giới thiệu 2 Mạng lưới WLIN và BSIN với cộng đồng doanh nhân ở Singapore và Malaysia. Trong toàn bộ quá trình hình thành và phát triển, BSIN & WLIN đã kết hợp giữa hoạt động kinh doanh, hoạt động life style, giải trí và những hoạt động cộng đồng để mọi người có thể hiểu và nhìn nhận nhau ở nhiều góc độ.

9. Việt Nam có thêm hai tỷ phú USD trong danh sách của Forbes

Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 13
 Bốn tỷ phú USD của Việt Nam được Forbes ghi danh
Cho đến tháng 12/2018, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, tiếp tục ghi tên mình trong danh sách 220 người giàu nhất thế giới, giữ vững danh hiệu doanh nhân Việt Nam có xếp hạng cao nhất trong lịch sử của Forbes với 6,7 tỷ USD tài sản cá nhân được thống kê. Bên cạnh những dấu ấn về thành công trong kinh doanh, ông Phạm Nhật Vượng còn ghi điểm khi là doanh nghiệp đầu  tiên chia sẻ gánh nặng phí bản quyền truyền hình để cùng VTV đưa World Cup về Việt Nam vào tháng 6/2018 với số tiền tài trợ 5 triệu USD mà không nhận bất cứ quyền lợi tài trợ nào từ đó.
Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 14
 

Trong năm 2018, danh sách tỷ phú USD do tạp chí Forbes công bố đã xuất hiện thêm tên tuổi hai doanh nhân Việt Nam. Cụ thể, tại thời điểm công bố danh sách (tháng 3), Forbes ghi danh ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Ô tô Trường Hải và ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát Group). Với tài sản 1,8 tỷ USD, ông Trần Bá Dương được Forbes xếp ở vị trí 1.339, trong khi đó ông Trần Đình Long xếp vị trí 1.756 nhờ khối tải sản 1,3 tỷ USD.

Với sự xuất hiện của ông Trần Bá Dương và ông Trần Đình Long, Việt Nam góp mặt 4 tỷ phú trong danh sách của Forbes. Hai tỷ phú USD đã được Forbes công nhận trước đó là ông Phạm Nhật Vượng với tài sản 4,3 tỷ USD xếp vị trí 449 tại thời điểm công bố danh sách của Forbes và bà Nguyễn Thị Phương Thảo với 3,1 tỷ USD đứng ở vị trí 766.

10. Bamboo Airways, hãng hàng không tư nhân thứ ba của Việt Nam được cấp phép bay trong năm 2018

Kinh tế tư nhân và những điểm nhấn nổi bật năm 2018 - ảnh 15
 Bamboo Airways được cấp phép bay trong năm 2018.

Ngày 12/11, Bộ GTVT đã cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho "Hãng hàng không Tre Việt" tức Bamboo Airways, thuộc tập đoàn FLC. Theo đó, Bamboo Airways sẽ được thực hiện vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu gửi và được khai thác các chuyến bay quốc tế, nội địa. Loại hình vận chuyển là thường lệ, không thường lệ.

Sau khi đi vào hoạt động, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác 100 đường bay kết nối tất cả các thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế. Các tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là các tuyến Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đồng Hới, TPHCM - Quy Nhơn, Hà Nội - TPHCM, TPHCM - Vân Đồn…