Kỷ nguyên công nghệ số và chìa khóa thành công cho doanh nhân nữ
Diễn đàn do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) tổ chức, dưới sự hỗ trợ của Facebook nhằm giúp các doanh nhân nữ tại Việt Nam phát triển công việc kinh doanh của mình.
#SheMeansBusiness và câu chuyện truyền cảm hứng
Trước sự tham gia của gần 300 nữ doanh nhân trên mọi miền đất nước, bà Beth Ann Lim, Trưởng ban Quan hệ cộng đồng, APAC, Facebook cho biết, các doanh nghiệp nhỏ là xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Mục tiêu của Facebook là giúp các nữ doanh nhân nắm lấy cơ hội kinh doanh để hỗ trợ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Sau sự ra mắt của chương trình #SheMeansBusiness (“Phụ nữ là doanh nhân”) tại Việt Nam năm 2017, cùng với sự nỗ lực mới đây nhất của Facebook với VWEC, gần 3.000 phụ nữ đã có được kỹ năng kinh doanh và tiếp thị kỹ thuật số thông qua 41 buổi tập huấn được tổ chức trên 25 tỉnh/thành phố ở Việt Nam.
Facebook duy trì cam kết giúp đỡ VWEC triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nhân để Việt Nam có ngày càng nhiều phụ nữ doanh nhân thành đạt, đồng thời, hướng tới việc truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ ở Việt Nam bắt đầu khởi nghiệp mạnh.
Một câu chuyện truyền cảm hứng khác về nữ doanh nhân Việt trong kỷ nguyên số được kể từ doanh nhân Nguyễn Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tư vấn đầu tư và Phát triển N.N - một doanh nhân nặng lòng với văn hóa Á Đông luôn đi về giữa Pháp và Việt Nam và hiện đang thực hiện nhiều dự án liên quan đến lương thực thực phẩm sạch.
Cách mạng 4.0: Đừng nghĩ quá to tát, gò ép nhưng không được một mình và đi lùi
Trong kỷ nguyên công nghệ số, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, nếu tính cả kinh doanh theo hộ gia đình thì người phụ nữ tham gia rất đông đảo và đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh những thách thức, cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nhân nữ, nhất là khi Chính phủ điện tử đang được thúc đẩy xây dựng.
“Tôi không thấy lo cho chị em làm kinh doanh trong thời công nghệ số vì họ luôn vượt lên ko ngừng. Nhiều người làm kinh doanh không hề có kỹ năng nhưng họ đã luôn học hỏi vươn tới. Tiếp cận với công nghệ nam giới nhanh hơn và phụ nữ phải cố gắng gấp đôi để vượt lên”, bà Lan chia sẻ.
Không nên gò ép lĩnh vực hay hình thức kinh doanh trong Kỷ nguyên số cũng là ý kiến mà ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đưa ra tại Diễn đàn. Nếu gò ép đâu là hình thức truyền thống, đâu là công nghệ sẽ tạo động lực ngược cho đổi mới sáng tạo. Môi trường kinh doanh hiện nay cần phải nhìn theo chuỗi giá trị. Nếu tư duy riêng theo từng bộ, ngành sẽ rất khó tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nhân nữ nói riêng và cho cộng đồng doanh nhân nói chung.
“Tôi mong đợi VWEC và các hiệp hội sẽ có vai trò hiến kế tốt hơn để doanh nghiệp do nữ làm chủ có được môi trường pháp lý thông thoáng”, ông Đồng nói.
Cùng chung nhận định trên, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thực thế cũng đã mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cho phụ nữ, đơn cử như tài xế “taxi công nghệ” hay kinh doanh thông qua các trang mạng xã hội như Facebook… Việt Nam cần một hệ sinh thái cho doanh nhân nữ phát triển năng lực sáng tạo, trong đó, còn rất nhiều việc phải làm để rà soát, tiến đến giảm tối đa điều kiện kinh doanh. Phụ nữ hãy tự tin nắm cơ hội lớn và mạnh mẽ chấp nhận rủi ro cũng lớn để khẳng định mình trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.