Làm sao để du lịch Việt giữ vững phong độ, tiếp tục thăng hạng?
Tiếp tục phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra trên toàn cầu, làm sao để ngành du lịch Việt giữ vững phong độ, tiếp tục thăng hạng và thu hút du khách quốc tế là một câu hỏi khó.
2020: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới nhưng chịu tổn thất nặng nề
Năm 2014, tạp chí của Mỹ Elite Daily xếp Việt Nam là một trong 10 quốc gia du lịch giá rẻ nhất thế giới với mức chi tiêu chưa đến 20 USD/ ngày. Thời điểm đấy, Việt Nam dường như chỉ được biết đến trong giới du lịch bụi, nhờ lợi thế giá rẻ và những điểm đến còn rất hoang sơ.
Chỉ 5 năm sau, Việt Nam đã lọt vào Top điểm đến hấp dẫn nhất thế giới 2019, đồng thời cũng là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Điều đáng chú ý hơn cả là, chỉ trong vòng 3-4 năm trở lại đây, Việt Nam không vắng bóng trong bất kỳ “cuộc đua” giải thưởng quốc tế nào về du lịch nghỉ dưỡng. Thậm chí, chất lượng và số lượng giải thưởng năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ các giải bình chọn của các tổ chức uy tín như Trip Advisor, CN Traveller cho đến những giải thưởng danh giá như World Luxury Hotel Awards hay World Travel Awards- được mệnh danh là giải “Oscar” của du lịch Việt Nam, Việt Nam luôn là cái tên xuất hiện nhiều lần, bao phủ hầu hết các hạng mục.
Mới đây nhất, tại World Travel Awards 2020 thế giới, Việt Nam đã xuất sắc đạt giải thưởng Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2020cùng hàng chục giải thưởng danh giá khác. Tại giải WTA châu Á 2020, riêng các công trình du lịch nghỉ dưỡng do Tập đoàn Sun Group đầu tư và vận hành tại Việt Nam đã được vinh danh hàng chục giải thưởng, đồng thời tập đoàn này cũng ẵm tới 11 giải tại WTA thế giới 2020.
Cầu Vàng của Sun World Ba Na Hills
Nhờ đó, dù ngành du lịch ảm đạm suốt năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19 , cái tên Việt Nam vẫn được nhắc đến như một điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới. Theo kết quả khảo sát điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất cho nửa cuối năm 2020 do nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda vừa thực hiện, Việt Nam đứng thứ 4 trong Top 10 điểm đến mơ ước của năm 2021, cùng với Đài Loan, Thái Lan và Nhật Bản.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thăng hoa đột phá của du lịch Việt Nam, tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất, đó chính là sự xuất hiện của những công trình du lịch đẳng cấp vượt trội do các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vingroup… xây dựng và vận hành trải khắp Việt Nam, đưa tên tuổi Việt Nam vươn tầm châu lục. Giờ đây, Việt Nam không chỉ có khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng), mà còn có Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới 2020 dành cho Sun World Fansipan Legend (Lào Cai), Điểm du lịch biểu tượng hàng đầu châu Á 2020 dành cho Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng); Sân bay khu vực hàng đầu thế giới 2020 dành cho Sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh)…
Không thể phủ nhận rằng, những công trình du lịch đẳng cấp vượt thời gian cùng với những giải thưởng danh giá bậc nhất thế giới đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng giúp thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, đồng thời từng bước đưa Việt Nam thoát khỏi “danh xưng” điểm đến giá rẻ.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn 2015 – 2019 đã tăng trưởng ngoạn mục, từ 7,9 lên 18 triệu, tăng 2,3 lần, tổng thu tăng 2,1 lần, từ 355 ngàn tỷ đồng lên 755 ngàn tỷ đồng. Chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
“Trong 3 lần xếp hạng (2 năm/ lần), du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 75/141 nền kinh tế vào năm 2015 lên vị trí 63/140 vào năm 2019. “Việt Nam dần thoát khỏi hình ảnh “điểm đến giá rẻ” của thế giới, dần trở thành điểm đến của khách “nhà giàu”, chịu chi và chi nhiều cho những dịch vụ đẳng cấp, khác lạ là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vingroup…”, ông Phùng Xuân Khánh, CEO Tiên Phong Travel đánh giá tại Hội nghị du lịch toàn quốc vừa diễn ra tại Quảng Nam.
Bước vào năm 2020, du lịch Việt Nam có được đà và nền tảng tăng trưởng ngoạn mục 5 năm liên tục. Tháng 1/2020, lần đầu Việt Nam đón được hai triệu khách quốc tế trong một tháng. Thế nhưng, từ tháng 2-2020, dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới đã ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch.
Ngành du lịch Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đó. Kể từ tháng 3/2020, Việt Nam ngừng hoạt động đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch trong nước. Nhưng thị trường du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Trong nước, dù dịch COVID-19 nhanh chóng được khống chế tốt, Việt Nam trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên toàn thế giới nhưng ngành du lịch không tránh khỏi những tổn thất nặng nề.
Theo dự báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%; khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD)...
Dịch COVID-19 buộc ngành du lịch phải chuyển hướng vào tập trung phát triển du lịch nội địa. Du lịch phải cùng lúc thực hiện "nhiệm vụ kép": vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Và du lịch trong nước là giải pháp duy nhất giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì hoạt động.
Ngành du lịch đã hai lần phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa vào tháng 5-2020 (với chủ đề "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam") và tháng 9-2020 (với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn"). Chương trình kích cầu du lịch nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Bằng tất cả những nỗ lực, đến hết tháng 11-2020, tổng số khách du lịch trong nước đạt 49 triệu lượt. Du lịch trong nước đã góp phần duy trì được hoạt động ở mức cầm chừng của ngành trong thời chống dịch …
Mức độ tàn phá ngoài sức tưởng tượng của dịch COVID-19 khiến ngành du lịch Việt Nam phải đánh giá lại, tư duy lại cách làm du lịch trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp. Du lịch Việt Nam chuyển hướng tập trung khai thác thị trường khách trong nước ở trạng thái "bình thường mới", với yêu cầu tiên quyết là phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho các sản phẩm du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách. Nhưng ngành du lịch cũng phải tính xa hơn để đón đầu khách quốc tế, với những sản phẩm mới, phù hợp ngay khi đủ điều kiện mở lại hoạt động đón khách quốc tế.
Nhìn nhận lại điểm yếu và hạn chế
Trong năm 2020, qua nhiều diễn đàn, hội nghị về du lịch, những điểm yếu và hạn chế của du lịch Việt Nam bộc lộ rõ qua đại dịch đã được chính ngành du lịch nhìn nhận lại, đánh giá một cách sâu sắc để có những giải pháp nhằm vực dậy hoạt động sau dịch.
Ðầu tiên, ngành du lịch xác định cần nhanh chóng cơ cấu lại thị trường khách. Thời gian qua, du lịch Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Ðông - Bắc Á (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) với khoảng 66,8% tổng lượng khách quốc tế, trong khi một số thị trường khách có mức chi tiêu cao (như châu Âu, châu Mỹ...) vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Ðiều đó đòi hỏi ngành du lịch phải điều chỉnh để có các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách quốc tế, nhất là các thị trường khách "nhà giàu".
Ðồng thời, bảo đảm phát triển cân đối cơ cấu khách du lịch quốc tế đến từ nhiều thị trường. Tiếp đến là nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh.
Ngành du lịch xác định cần nhanh chóng cơ cấu lại thị trường
Theo thống kê, thời gian lưu trú của du khách quốc tế đến Việt Nam bình quân chỉ đạt 8,1 ngày, với mức chi tiêu bình quân là 1.074 USD cho một chuyến đi (thấp hơn đáng kể so với mức tương ứng của Thái-lan là chín ngày và 1.565 USD). Ðây là vấn đề đòi hỏi ngành du lịch phải có giải pháp về sản phẩm và hướng đi để ưu tiên thu hút dòng khách có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, bảo đảm sự phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam, đồng thời cần chú trọng hơn đến thị trường khách trong nước.
Theo các chuyên gia và cơ quan quản lý, việc cơ cấu lại thị trường, để du lịch trong nước trở thành thị trường quan trọng, đóng góp từ 55% đến 75% tổng thu của ngành du lịch trong hai đến ba năm tới, là điều rất cần thiết. Lâu nay do chưa quan tâm đúng mức thị trường khách du lịch trong nước, nên dù khách trong nước chiếm hơn 82,5% tổng lượng khách, nhưng doanh thu du lịch từ khách trong nước chỉ chiếm chưa đến 45% tổng doanh thu du lịch. Lý do là sản phẩm du lịch phục vụ khách trong nước chưa đa dạng, còn mang tính mùa vụ, thiếu sản phẩm hấp dẫn để thu hút và kích thích chi tiêu của đối tượng khách này. Việc khai thác thị trường du lịch trong nước với tiềm năng 100 triệu dân, trong đó số người có thu nhập khá ngày càng tăng nhanh, mang đến nguồn thu ổn định, bền vững là hướng tập trung hiện nay của ngành.
Lựa chọn các nhà đầu tư đủ tầm: Sẵn sàng biến hóa, kiến tạo
Tuy nhiên, làm sao để ngành du lịch Việt Nam có thể giữ vững phong độ, tiếp tục thăng hạng và thu hút du khách quốc tế khi đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra trên toàn cầu là một câu hỏi khó.
Thông điệp mà Hội nghị du lịch toàn quốc 2020 vừa đưa ra là: Để làm được nhiệm vụ đầy thách thức này chắc chắn cần có sự “bắt tay cùng hành động” nghiêm túc, mạnh mẽ và đồng bộ từ nhiều bên, từ Chính phủ, các bộ ngành cho đến từng địa phương, doanh nghiệp đúng như lời kêu gọi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 mới đây.
Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, điều quan trọng là cần giữ an toàn như hiện tại, chưa vội mở các đường bay quốc tế đón khách nước ngoài, chú trọng phát triển du lịch nội địa, vì việc phát triển những cái sẵn có để phục vụ cho khách du lịch trong nước sẽ tốt hơn nhiều so với việc mở cửa với những rủi ro khó lường. Ngoài ra, cần khắc phục những điểm yếu còn tồn tại của du lịch Việt Nam như: giao thông, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Về lâu dài, theo ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam: “Chính phủ cần có nghiên cứu, quy hoạch với tầm nhìn chiến lược lâu dài để đảm bảo tính phát triển bền vững cho ngành du lịch. Mặt khác, cần lựa chọn các nhà đầu tư đủ tầm, nguồn lực để sẵn sàng biến hóa, kiến tạo, làm mới sản phẩm, dịch vụ ngay cả trong những thời điểm khủng hoảng như COVID-19 ”.
Minh Hoa