Làm sao để tăng tỉ lệ thanh toán trực tuyến trong giao dịch thương mại điện tử?

12:34 | 25/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù sàn giao dịch thương mại điện tử có tốc độ tăng nhanh nhưng thanh toán không dùng tiền mặt hiện lại không tương xứng do người tiêu dùng chưa tin tưởng với giao dịch điện tử.

Sàn thương mại điện tử hoạt động mạnh mẽ

Mua sắm online (trực tuyến) được nhiều người tiêu dùng lựa chọn trong mùa dịch COVID-19 và dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan sau dịch bệnh. 

Trao đổi trên báo Kinh tế & Đô thị về nguyên nhân khiến hoạt động mua hàng trực tuyến tăng mạnh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số) Lê Đức Anh cho biết, một trong những nguyên nhân thúc đẩy thay đổi xu hướng tiêu dùng là bởi hiện người tiêu dùng, nhất là giới trẻ đã gắn chặt với các thiết bị di động, mạng xã hội và thích nghi với việc mua hàng trực tuyến (với hơn 50% dân số) vì độ tiện dụng.

Đánh giá về những xu hướng tiêu dùng trong tương lai, Giám đốc khu vực phía Bắc Nielsen Việt Nam Đặng Thúy Hà cho biết, Việt Nam đang trong xu hướng kinh tế toàn cầu với dự đoán trong năm 2020, internet sẽ chiếm gần 60% dân số và 33% người tiêu dùng Việt Nam sẽ thanh toán trực tuyến khi mua hàng online.

Nhận định về tương lai số của ngành bán lẻ Việt Nam, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, đây là thời đại bùng nổ về Internet và thương mại điện tử, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt doanh nghiệp vào cuộc đua sinh tử.

Cũng theo TS. Loan, nếu không kịp chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ không thể phát triển. Thêm vào đó, COVID-19 tạo thêm sức ép buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải chuyển đổi cách thức bán hàng.

Làm sao để tăng tỉ lệ thanh toán trực tuyến trong giao dịch thương mại điện tử? - ảnh 1

Ảnh minh hoạ.

Thị trường TMĐT Việt Nam liên tục tăng trưởng trong 5 năm qua với tốc độ tăng trung bình trên 25%/năm. Doanh thu TMĐT B2C tại Việt Nam năm 2019 vào khoảng 10,8 tỷ USD, đạt tỉ trọng 4,9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước.

Lượng người Việt tham gia mua sắm trực tuyến vẫn tăng trưởng qua từng năm. Năm 2019, có khoảng 44,8 triệu người tham gia mua trực tuyến, theo vị Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số).

Hiện, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận được đến 45.000 đơn xin gia nhập thị trường mua sắm online. Tức là về mặt nguyên tắc sẽ có đến 45.000 sàn thương mại điện tử ở Việt Nam, chỉ chờ cơ quan chức năng cấp phép.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố nhận xét: "Hiệu suất của Việt Nam về mặt thúc đẩy nền kinh tế số tương đương với các nước Đông Nam Á, ngoại trừ thanh toán". Có tới 82% dân số tại Việt Nam có thể truy cập Internet tốc độ cao, nhưng chỉ có 10% người dùng trả tiền trực tuyến để mua hàng trên Internet, mức này thấp hơn đáng kể so với Indonesia và Malaysia. Có nghĩa rằng, 90% người tiêu dùng thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng tiền mặt để mua trực tuyến.

Những con số trên cho thấy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, nhưng thanh toán trực tuyến lại không theo kịp sự phát triển đó.

Giải pháp tăng tỉ lệ thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử

Theo chuyên trang ICTnews, số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy năm 2019 vẫn có tới 86% người mua hàng sử dụng thanh toán COD.

"Tỉ lệ này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thương mại điện tử. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì khi thị trường hoặc nguồn vốn đầu tư thay đổi, doanh nghiệp và cả thị trường sẽ không mở rộng được", ông Lê Đức Anh nhấn mạnh.  

Cùng ý kiến, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại Tiki miền Bắc cũng cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua không đạt kỳ vọng. Nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa có niềm tin với các giao dịch trực tuyến.

"Thương mại điện tử hay thanh toán trực tuyến chỉ có thể phát triển khi tạo dựng được niềm tin cho khách hàng. Việc vẫn tiếp tục dùng tiền mặt sẽ mang đến rủi ro cho cả khách hàng và doanh nghiệp thương mại điện tử", ông Quyền cho biết.

Để tăng tỉ lệ thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử cần có nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng mấu chốt vẫn là khai thông hành lang pháp lý.

Trao đổi trên báo Đầu tư, bà Amanda Rasmussen, Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cho biết, việc thiết lập chính sách phù hợp cho phép sử dụng ví điện tử và các phương thức thanh toán điện tử khác có thể hỗ trợ làm giảm việc sử dụng tiền mặt, tạo điều kiện cho thương mại điện tử hiệu quả hơn, giảm các tình huống tham nhũng và gian lận.

"Việc đặt ra giới hạn tỉ lệ sở hữu vốn nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán nhanh và công nghệ tài chính sẽ hạn chế đáng kể khả năng của các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính của Việt Nam trong việc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến việc giới hạn khả năng thu hút nhân tài và làm cho các công ty khởi nghiệp kém cạnh tranh hơn so với các công ty ngang hàng trong khu vực", bà Amanda Rasmussen nhấn mạnh.

Còn theo ông Hoàng Quốc Quyền, để giải quyết vấn đề này, thị trường cần các cơ chế đồng bộ hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước để giúp người dân có thể tiếp cận tốt hơn với thanh toán trực tuyến và tạo dựng được niềm tin với các giao dịch điện tử. Các ngân hàng, cổng thanh toán và nhà mạng cần tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online, đồng thời, tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Đức Anh cũng chia sẻ tại Diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam - Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online", trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 20212025 Bộ Công Thương đang xây dựng "Nền tảng tín nhiệm" đối với thương mại điện tử.

Trong đó, nền tảng sẽ đánh giá các chủ thể kinh doanh, thậm chí là các cá nhân sau đó cấp giấy chứng nhận để công bố rộng rãi đến người tiêu dùng. Nền tảng này đề cập đến các hình thức thanh toán đảm bảo (tạm giữ dòng tiền trong quá trình giao dịch); giao hàng Prime; ứng dụng chứng từ điện tử; xử lý tranh chấp khiếu nại, chất lượng dịch vụ giao hàng hay thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.

Lệ Vỹ (T/h)