Lo ngại về quyền riêng tư, Mỹ sẽ không áp dụng 'hộ chiếu vaccine' dưới mọi hình thức
Ngày 6/4, Nhà Trắng cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ không hỗ trợ một hệ thống yêu cầu người Mỹ phải mang theo chứng nhận tiêm chủng hay còn gọi là "hộ chiếu vaccine."
"Chính phủ không, và sẽ không, ủng hộ một hệ thống yêu cầu người Mỹ phải có chứng chỉ (tiêm chủng COVID-19). Mỹ sẽ không lập cơ sở dữ liệu tiêm chủng liên bang và không có luật yêu cầu người dân phải sở hữu bất kỳ loại chứng chỉ tiêm chủng nào", kênh Channel News Asia dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki
Bà Jen Psaki nhấn mạnh, nước Mỹ sẽ không có dữ liệu tiêm chủng liên bang và không có nhiệm vụ liên bang yêu cầu tất cả mọi người phải có chứng nhận tiêm chủng hay còn gọi là "hộ chiếu vaccine".
Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng cho hay: "Do những công cụ này đang được các khu vực tư nhân và phi tư nhân xem xét, nên sự quan tâm của chúng tôi rất đơn giản là từ Chính phủ liên bang".
Điều này có nghĩa các doanh nghiệp tư nhân tại Mỹ được phép tự do tiếp cận loại hình này. Hộ chiếu vaccine là phương án khả dĩ giúp các doanh nghiệp tìm cách mở lại các địa điểm tụ tập đông người như sân vận động hoặc nhà hát.
Chứng chỉ tiêm chủng COVID-19, hay còn gọi là hộ chiếu vaccine có thể coi như một hồ sơ y tế hay chứng nhận một người đã được chủng ngừa COVID-19.
Hộ chiếu vaccine được quảng cáo trên khắp thế giới như một công cụ tiềm năng giúp các quốc gia mở cửa trở lại an toàn và cho phép các cuộc tụ tập đông người cũng như hoạt động du lịch được tiếp tục.
Tuyên bố của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh trong nước có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc bắt buộc phải có hộ chiếu vaccine để đẩy nhanh tốc độ mở cửa trở lại nền kinh tế, đặc biệt là du lịch quốc tế. Tuy nhiên, ý tưởng này cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì lo ngại vi phạm quyền riêng tư và quyền dân sự.
Nói về vấn đề này, bà Psaki nói rằng chính phủ Mỹ sẽ ban hành bản hướng dẫn cụ thể cho các vấn đề mà người Mỹ đặc biệt quan tâm về “quyền riêng tư, an ninh hoặc phân biệt đối xử".
"So với chính quyền liên bang thì mối quan tâm của chúng tôi rất đơn giản, đó là quyền riêng tư và các quyền lợi khác của người Mỹ cần được bảo vệ, và không để các hệ thống như vậy được sử dụng để chống lại người dân một cách bất công", bà Psaki nói.
Trước đó, Cố vấn Y tế trưởng của Tổng thống Joe Biden, Tiến sĩ Anthony Fauci cũng cho biết Chính phủ sẽ không có trách nhiệm phải cấp hộ chiếu vaccine cho du khách và hoặc doanh nghiệp sau khi COVID-19 kết thúc.
Trước đó cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết họ đang thúc đẩy hơn 3,1 tỷ USD tài trợ liên bang đối với đạo luật cứu trợ COVID-19 để giúp các tiểu bang và thành phố lớn thực hiện việc tiêm chủng cho người dân.
CDC sẽ gửi các khoản tài trợ đã được phê duyệt theo Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ đến 64 tiểu bang, vùng lãnh thổ và thành phố lớn, trong đó bao gồm mức hỗ trợ từ 1,1 triệu USD cho vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ và Quần đảo Bắc Marianas cho đến 357 triệu USD đối với tiểu bang California.
Tổng thống Biden ra tuyên bố tất cả người Mỹ trên 16 tuổi sẽ đủ điều kiện nhận vaccine trước ngày 19/4, sớm hơn thời hạn dự kiến là ngày 1/5.
Trong một diễn biến khác, ngày 6/4, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris cho biết hiện tại, WHO không ủng hộ việc sử dụng hộ chiếu vaccine làm điều kiện để nhập cảnh hoặc xuất cảnh.
Hiện chưa có bằng chứng chắc chắn là người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 không làm lây lan virus cho người khác. Ngoài ra, yêu cầu về hộ chiếu vắc xin cũng đặt ra câu hỏi về việc phân biệt đối xử với những người không có điều kiện tiêm vắc xin vì lý do này hay lý do khác.
Xem thêm: Vì sao WHO không ủng hộ `hộ chiếu vaccine` ?
Hà Ly