Loạt tín hiệu đang dẫn chứng khoán Mỹ rơi trở lại chuỗi ngày giảm điểm?

Diên Vỹ 15:37 | 21/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Một số chuyên gia đầu tư phố Wall đang bắt đầu quan ngại rằng thị trường có thể hướng tới một làn sóng giảm giá mới sau chuỗi ngày phục hồi mạnh mẽ.

Ông Gene Goldman, Giám đốc đầu tư của Cetera Financial Group là một trong những người cho rằng trạng thái thị trường bò tót hiện nay có thể sớm đảo chiều sang thị trường gấu, mặc dù bức tranh triển vọng của nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn là tươi sáng. “Có nhiều tin tức tốt về nền kinh tế, nhưng thị trường có thể cần một nhịp nghỉ”, ông Goldman nhận định trong một cuộc phỏng vấn với tờ MarketWatch.

Thực tế, trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước (19/8) trên phố Wall, cả ba chỉ số chính đều giảm điểm, trong đó S&P 500 và Nasdaq Composite mất chuỗi tăng 4 tuần liên tiếp khi nỗi lo lạm phát dai dẳng tiếp tục phủ bóng lên thị trường. Trong phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 292,3 điểm, đóng cửa ở mức 33.706,74 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 mất 55,26 điểm xuống 4.228,48 điểm trong khi Nasdaq Composite cũng mất 260,13 điểm xuống mức 12.705,22 điểm.

Ông Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư tại công ty tư vấn tài chính Truist Advisory Services nhận định sau đợt tăng ấn tượng gần đây, giờ có thể là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư cắt giảm lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Chưa kể định giá cổ phiếu có vẻ đang được nâng lên quá cao sau đợt phục hồi vừa qua. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn vẫn đang tiếp tục con đường siết chính sách tiền tệ trong một cuộc chiến chống lạm phát đầy đau khổ. Còn tại nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc - vốn có tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu, triển vọng tăng trưởng đang ngày một ảm đạm.

Mặc dù vẫn lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán trong dài hạn, ông Gene Goldman cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy mức giảm của cả ba chỉ số chính trong phiên 19/8 có thể tiếp tục kéo dài ít nhất trong tuần tới. 

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng

Theo ông Goldman, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng là một dấu hiệu cho thấy đà phục hồi trên thị trường chứng khoán có thể sắp đảo chiều. 

Lợi suất trái phiếu kho bạc cao hơn đồng nghĩa trái phiếu có thể trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn, qua đó hút dòng tiền từ cổ phiếu chuyển sang. 

Hồi đầu năm, sự biến động của hai kênh đầu tư cổ phiếu và trái phiếu thường đồng nhịp do kỳ vọng chính sách tiền tệ thắt chặt của FED tác động đến cả hai loại tài sản này. Nhưng kể từ đầu tháng 8, lợi suất trái phiếu kho bạc đã tăng cao hơn và tiếp tục duy trì đà tăng vào cuối tuần qua - thời điểm cả ba chỉ số chứng khoán mất đà tăng.

Kể từ đầu tháng 8 đến nay, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 0,35% lên 2,897%. 

Đồng USD mạnh thêm

Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng trong khi dữ liệu lạm phát tháng 7 cho thấy dấu hiệu giá cả dịu lại đã thúc đẩy sức mạnh đồng USD tăng lên, điều có nguy cơ trở thành một “cơn gió ngược” khác cho thị trường chứng khoán.

Chỉ số dollar Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh trong rổ tiền tệ đã tăng 0,58% trong phiên cuối tuần, vượt mức 108 điểm - mạnh nhất trong khoảng 1 tháng. 

Sở dĩ đồng USD mạnh thường thúc đẩy thị trường chứng khoán yếu hơn vì nó phản ánh vào kết quả kinh doanh. Nội tệ lên giá sẽ làm xói mòn lợi nhuận tại nước ngoài của các công ty đa quốc gia Mỹ do các đồng tiền tại các thị trường bản địa bị mất giá trước USD.

Tiền điện tử giảm giá

Ông Gene Goldman nhận định một dấu hiệu khác có thể báo trước sự tạm lắng của thị trường chứng khoán là diễn biến yếu kém gần đây trên thị trường tiền điện tử. Trong khi Bitcoin mất 9,5% vào phiên 19/8, đồng Ethereum cũng đi lùi 10%, theo dữ liệu từ CoinDesk. Trong nhiều trường hợp gần đây, diễn biến trên thị trường tiền điện tử thường có sự tương đồng với thị trường chứng khoán, nhất là các cổ phiếu công nghệ như Meta hay Netflix.

Định giá cổ phiếu đang quá cao

Nhận định này của ông Goldman về cơ bản là đồng thuận với người đồng nghiệp Keith Lerner từ công ty tư vấn tài chính Truist Advisory Services. Cụ thể, theo ông Goldmans, P/E của S&P 500 đã tăng trở lại 18,6 lần từ mức chỉ 15,5 lần hồi giữa tháng 6. Trong khi đó, kỳ vọng EPS bình quân của các doanh nghiệp nằm trong S&P 500 trong 12 tháng tiếp theo lại giảm từ 230 USD xuống 230 USD. Tức là giá cổ phiếu thời gian qua vẫn tăng bất chấp ước tính EPS giảm.

Một chiến lược gia cổ phiếu khác từ Citigroup, ông Scott Chronert cũng chia sẻ mối quan ngại này khi nhận định nguy cơ xói mòn EPS trong năm 2023 có thể tạo ra một cơn gió ngược về định giá cổ phiếu.