Lý do khiến đàm phán Mỹ-Trung đúng ngày thuế quan Mỹ có hiệu lực
Trong một nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc tranh chấp thương mại leo thang giữa hai nước, các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu cuộc đàm phán cuộc đàm phán kéo dài hai ngày 22-23/8 tại thủ đô Washington.
Tuy trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết không kỳ vọng nhiều vào các cuộc thảo luận cấp chuyên viên này, đồng thời nhận định giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian nhưng xét trong sự ràng buộc tất yếu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cuộc đàm phán là một giải pháp cần thiết cho cả Mỹ và Trung Quốc không chỉ trong thời điểm hiện tại.
Khả năng Trung Quốc trở thành nhân tố mới thúc đẩy toàn cầu hóa
Trước thềm cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung lần này, tồn tại nhiều ý kiến khác nhau từ các chuyên gia quốc tế về tác động của việc Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá đồng NDT để bù đắp lại số tiền tiền thuế quan phải trả cho Mỹ và để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của đồng NDT thông qua giao dịch hoán đổi tiền tệ.
Đáng chú ý là nhận định của ông Song Seng Wun, kinh tế gia thuộc ngân hàng tư nhân CIMB, Singapore: “Về cơ bản, tất cả những gì mà chúng ta lo sợ xảy ra bây giờ và trong quá khứ dường như đang hội tụ về một mối”. Có nghĩa, động thái điều chỉnh tỷ giá đồng NDT của Trung Quốc đã và đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung, trong đó, không thể loại trừ Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ không chỉ đưa ra cáo buộc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng NDT mà còn phải kêu gọi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có biện pháp đối phó.
Với sự hỗ trợ của các thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) khác là Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi, không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể lật đổ vị trí thống trị toàn cầu của đồng USD và thay bằng đồng NDT. Và điều này sẽ biến Trung Quốc trở thành nhân tố mới thúc đẩy toàn cầu hóa.
Đối với Nigeria, hoán đổi tiền tệ giống như phao cứu sinh, bởi dự trữ USD của nước này giảm nghiêm trọng trong khi đồng nội tệ naira mất giá sâu so với đồng USD từ năm 2015 khi giá dầu sụt giảm.
Đặc biệt, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng cho biết nước này đang có kế hoạch lần đầu tiên phát hành các trái phiếu có mệnh giá bằng đồng NDT của Trung Quốc.
Với tham vọng thúc đẩy đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, mục tiêu chính của Bắc Kinh dường như mang tầm chiến lược hơn là liên quan đến thương mại.
Trung Quốc đang thúc đẩy vị thế của đồng nội tệ thông qua việc gây áp lực đối với nhiều nước nhằm tài trợ bằng đồng NDT cho các dự án phát triển dọc theo Con đường tơ lụa hiện đại của nước này vốn được biết đến với tên gọi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) kết nối Trung Quốc với Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được thành lập dựa trên sáng kiến của Trung Quốc và có sự tham gia của 86 nước cũng tăng cường sử dụng đồng NDT.
BRICS, gồm nhiều nền kinh tế lớn, đã gián tiếp trở thành trợ lực đối với tham vọng của Trung Quốc. Ngân hàng Phát triển mới của BRICS (NDB) sẽ sớm phát hành trái phiếu đợt thứ hai bằng đồng NDT và trái phiếu khác bằng đồng nội tệ của các thành viên BRICS.
Thông qua các trái phiếu này, NDB có thể cho vay đối với những dự án phát triển của các thành viên BRICS bằng chính đồng nội tệ của từng nước và bỏ qua đồng USD.
Mở đường cho nhiều vòng đàm phán Mỹ-Trung sắp tới
Dự kiến, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào giữa tháng 11 tới.
Do vậy, cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra không chỉ là nỗ lực của cả hai bên nhằm ngăn chặn những bất đồng thương mại ngày càng sâu sắc phá hủy mối quan hệ giữa hai nước và tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu mà còn với mong muốn có thể mở đường cho nhiều vòng đàm phán khác.
Bên cạnh đó, giới phân tích quốc tế cũng cho rằng bản thân Trung Quốc không thể để cuộc xung đột thương mại kéo dài và căng thẳng vì điều này có nguy cơ phá hỏng kế hoạch của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc tái thiết lại nền kinh tế và biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu.