Minh bạch hóa thông tin sản phẩm nhờ công nghệ Blockchain

22:22 | 30/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Blockchain được nhắc đến nhiều qua Bitcoin. Nhưng đó chỉ là một ứng dụng nhỏ của công nghệ này. Khi áp dụng trong chuỗi cung ứng thì khách hàng có thể cập nhật ngay các thông tin liên quan đến sản phẩm.
Theo các chuyên gia, Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó.
Blockchain về cơ bản sẽ góp phần thay đổi ngành nông nghiệp toàn cầu và cải thiện đáng kể khả năng của các công ty và cá nhân trong việc theo dõi sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.          
Tuy nhiên, tại Việt Nam, ứng dụng Blockchain trong nông nghiệp là rất mới. Hiện, công nghệ cùng với đất đai, tuổi thọ chính sách và liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân vẫn là 4 nút thắt căn bản trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.          
Đánh giá về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lina Network, Vũ Trường Ca cho biết, Blockchain được nhắc đến nhiều qua Bitcoin. Nhưng đó chỉ là một ứng dụng nhỏ của công nghệ này. Khi áp dụng trong chuỗi cung ứng thì khách hàng có thể cập nhật ngay các thông tin liên quan đến sản phẩm. Chi phí truy xuất nguồn gốc cũng giảm rất mạnh, thậm chí có thể là 0 đồng. Bởi lẽ chi phí cho bộ giải pháp này không tăng theo số lượng đơn vị sử dụng.
Minh bạch hóa thông tin sản phẩm nhờ công nghệ Blockchain - ảnh 1
 
Ông Vũ Trường Ca - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lina Network
Giải pháp Lina Network được xây dựng trên nền tảng Ethereum Blockchain, tối ưu bằng thiết kế lai để bảo đảm việc theo dõi nguồn gốc sản phẩm theo thời gian thực. Với chuỗi cung ứng thông thường, sẽ có các điểm mù, ví dụ như người bán có gửi đủ đơn đặt hàng không nhưng blockchain cho phép thể hiện chi tiết một tài sản trong hệ thống đang ở đâu, trạng thái thế nào và ai đang nắm giữ tài sản đó. Ngoài ra, các tổ chức trong chuỗi cung ứng sản phẩm có thể dự đoán khi sản phẩm tới nơi có trạng thái thế nào. Do dữ liệu trong Blockchain hoàn toàn minh bạch với tất cả mọi người và được cập nhật gần như tức thời, nên có thể truy xuất nguồn gốc cùa sản phẩm gần như mọi lúc ở mọi thời điểm và ở bất cứ đâu.          
Hiện nay, Việt Nam có điều kiện tri thức khá cao về công nghệ thông tin, việc áp dụng công nghệ Blockchain vào nông nghiệp là không khó. Tuy nhiên, hạn chế chính trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam là khâu sản xuất, vấn đề đầu vào: sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, nhờ công nghệ này mọi chỉ số sẽ bị “phơi bày” nếu doanh nghiệp không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong suốt quá trình sản xuất.          
Do vậy, để sử dụng công nghệ blockchain mang lại kết quả tích cực, Chính phủ cần sớm tạo dựng một khung pháp lý hoàn thiện và thống nhất trong việc quản lý các hoạt động liên quan đến Blockchain.        
Được biết, công nghệ Blockchain đã được ứng dụng trong khoảng 26 lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giao thông, quản lý hành chính…