Mở cửa, thực thi CPTPP và bài học cho EVFTA
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho rằng trong 1 năm thực thi Hiệp định CPTPP, về góc độ thể chế có thể nói là quá ngắn nhưng cũng cho thấy những vấn đề về cải cách thể chế chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Những cam kết của cơ quan quản lý Nhà nước đến nay vẫn chỉ là kỳ vọng. Nhiều quy định, cam kết về thể chế được đưa vào thực tiễn quá muộn.
“Việc phải mất 6 tháng để ra nghị định và 6 tháng để nghị định hướng dẫn thực thi Hiệp định CPTPP có hiệu lực trong một lĩnh vực nào đó và hiện còn nhiều văn bản hướng dẫn khác liên quan đến CPTPP chưa hoàn thiện, điều này cho thấy còn rất nhiều điều phải làm để Hiệp định hiệu quả hơn khi thực thi”, bà Trang nói.
Bà Trang khuyến nghị khi đánh giá về vấn đề mở cửa khi tham gia CPTPP, không chỉ nhìn xa tới thị trường xuất khẩu để tận dụng lợi thế xuất khẩu mà phải nhìn gần về thị trường nội địa, thị trường nhập khẩu để mở cửa thị trường dịch vụ. Cùng với đó, cần có chính sách thu hút nhà đầu tư trong nước, không chỉ nước ngoài. Sức ép cạnh tranh cùng với thu hút đầu tư trong nước sẽ nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt phát triển để trụ vững.
Đánh giá thêm tác động ngược trong thực thi
Đánh giá về vấn đề thực thi CPTPP nói riêng và các FTA nói chung, TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng: Việt Nam cam kết nhiều nhưng thực thi chưa tốt. Đây là điểm mà nhiều nhà đầu tư cho là điểm yếu nhất.
“Có thể tham khảo bài học kinh nghiệm nhằm tránh vi phạm cam kết từ Đan Mạch-đất nước thực hiện tốt kinh tế số thông qua việc đào tạo công dân thành thục cổng thông tin điện tử của chính phủ cũng như sử dụng internet. Tại Việt Nam, doanh nghiệp hiện chưa muốn học theo đúng nghĩa. Nguy cơ và sức ép từ CPTPP buộc doanh nghiệp Việt phải thay đổi”, ông Doanh nói.
Đồng tình với ý kiến này, các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng cần thiết phải đánh giá lại tác động từ CPTPP, không chỉ xuôi (thuận lợi) mà cả ngược (tác động tiêu cực) để từ đó tìm ra giải pháp thích ứng. Cùng với đó, tuyên truyền sâu rộng tác động này tới cộng đồng doanh nghiệp-thông tin này đến với doanh nghiệp còn quan trọng hơn là đến với nhà quản lý. Thực thi CPTPP không thể chỉ dừng lại ở quyết tâm chính trị mà phải biến thành hành động cụ thể.
Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương khuyến nghị: Muốn tận dụng tối đa lợi ích từ CPTPP, các doanh nghiệp Việt cần xử lý các thách thức, cải thiện năng lực cạnh tranh, hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác.
Mặt khác, Chính phủ cần củng cố hơn nữa đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, đồng thời tạo dựng thêm không gian để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Bài học về sự chủ động thực hiện vì lợi ích dài hạn
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh EU vừa phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã đặt ra vấn đề về mối tương quan giữa CPTPP và EVFTA.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho rằng cần có cái nhìn cộng hưởng từ CPTPP và EVFTA.
“Chỉ với tinh thần chủ động thực hiện vì lợi ích dài hạn thì chúng ta mới đi được những bước đi cụ thể", ông Nguyễn Anh Dương đánh giá.
Sự chủ động ở đây được ông Dương nhìn dưới ba khía cạnh. Đó là nâng cao nhận thức một cách đẩy đủ cho doanh nghiệp. Tổ chức mạng lưới cung ứng thực hiện cơ hội từ các hiệp định này, trong đó, đặc biệt phải đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ. Cuối cùng là nhìn nhận về chính sách tổng thể của Việt Nam như thế nào.
“Nếu nhìn nhận việc thực hiện CPTPP, EVFTA và các FTA khác gắn với việc phát triển trên bình diện tổng thể của Việt Nam thì các chính sách đi kèm phải phù hợp cho các ngành sản xuất cụ thể. Cần xây dựng được biện pháp kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân có những bước lớn lên trong sự phát triển hài hòa với các doanh nghiệp FDI”, ông Dương nói.