Mối liên hệ giữa tập đoàn Geleximco và SCREC

11:08 | 17/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCPĐT Xây dựng và Kinh doanh Nhà Sài Gòn (SCREC) là chủ đầu tư dự án Khu dân cư tại phường Phú Mỹ, quận 7, Tp. HCM. Tháng 10/2015, dự án đã được UBND Tp. HCM phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500.

CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Nhà Sài Gòn (SCREC) tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng Trang trí Nội thất số 5, được thành lập vào năm 1983, trực thuộc Công ty Sửa chữa Nhà thuộc Sở Quản lý Nhà đất và Công trình Công cộng Tp. HCM.

Năm 1992, Xí nghiệp Xây dựng Trang trí Nội thất số 5 đổi tên thành Công ty Xây dựng Nhà và Trang trí Nội thất Nam Phong. Hai năm sau, UBND Tp. HCM quyết định xác nhập công ty này và Công ty Xây dựng Nhà và Trang trí Nội thất (tiền thân là Công ty Sửa chữa Nhà thành lập năm 1977) thành Công ty Xây dựng và Kinh doanh Nhà Sài Gòn.

SCREC là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2005.

Hiện công ty này có vốn điều lệ 30 tỉ đồng, do Tổng Công ty Địa Ốc Sài Gòn - TNHH MTV (RESCO) nắm giữ 51,7% vốn điều lệ.

SCREC hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư bất động sản và nhận thầu các công trình dân dụng, công nghiệp.

Công ty này từng thầu thi công nhiều dự án lớn như: Nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất; Siêu thị Co.op Biên Hoà - Đồng Nai;Trung tâm thương mại Intimex, Buôn Ma Thuột; Nhà máy cà phê hoàn tan Trung Nguyên - Bình Dương… Đặc biệt, SCREC còn nhận thầu nước ngoài ở Campuchia với dự án xây dựng khách sạn 5 sao Sokha.

SCREC cũng là chủ đầu tư của một dự án tại Tp. HCM, như: Chung cư J1 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh (năm 2003); Chung cư Bến Phú Lâm, quận 6 (năm 2004); Cao ốc Screc, quận 3 (quy mô 3 block 22 tầng, năm 2008); Chung cư cao tầng C46 An Phú - An Khánh, quận 2.

Mối liên hệ giữa tập đoàn Geleximco và SCREC - ảnh 1

Bên cạnh đó, công ty còn hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư trong và ngoài nước qua các dự án như: Sai Gon Sky Garden, quận 1 (năm 1996); Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, quận 12 (quy mô 30 ha).

Trong giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu và lợi nhuận của SCREC liên tục tăng trưởng âm. Khả quan nhất là năm 2016, doanh thu thuần của SCREC đạt 483,8 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 43,4 tỉ đồng, tương ứng với biên lãi ròng gần 9%.

Tới năm 2019, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của SCREC đã giảm mạnh xuống còn 138,5 tỉ đồng và 2,13 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,5%.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của SCREC đạt 753,7 tỉ đồng, giảm 3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là hàng tồn kho (571,8 tỉ đồng); các khoản phải thu ngắn hạn (152,9 tỉ đồng). Số dư tiền và các khoản tương đương tiền chỉ là 2,1 tỉ đồng.

Về phía nguồn vốn, cuối năm 2019, nợ phải trả của SCREC đạt 644,8 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ vay và nợ thuê tài chính là 276 tỉ đồng, chiếm 36,6% tổng nguồn vốn.

Theo một quyết định điều chỉnh quy hoạch 1/5000 của UBND TP.HCM năm 2015, dự án Khu dân cư tại phường Phú Mỹ, Quận 7 có tổng diện tích 35,4 ha do Công ty Cổ phần Đầu tư – Xây dựng và Kinh doanh nhà Sài Gòn làm chủ đầu tư.

Trong đó hơn 42% diện tích (khoảng 15ha) là đất nhà ở bao gồm liền kề, biệt thự và chung cư cao tối đa 30 tầng. Ngoài ra khoảng 4,6% đất dành cho mục đích thương mại, dịch vụ và văn phòng. Một nửa diện tích còn lại của dự án được quy hoạch đất công cộng, đường giao thông, cơ sở hạ tầng…

Quy hoạch đất ở của dự án gồm 2 khu đất rộng 3ha được sử dụng xây chung cư nhà ở xã hội, 3 khu khác rộng 2,5ha xây dựng chung cư thương mại. Các khu thấp tầng sẽ gồm 548 lô đất liền kề và 138 lô khác (hoán đổi tái định cư) và 115 lô biệt thự.

Trong một báo cáo cuối năm ngoái, chủ đầu tư cho biết đã hoàn tất đền bù 90% diện tích dự án. Đồng thời dự án đã được thông qua kết quả thẩm định thiết kế cơ sở công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đáng chú ý ngoài 51% cổ phần do Nhà nước nắm giữ, số cổ phần còn lại của SCREC tập trung trong tay một số công ty liên quan đến Geleximco của doanh nhân Vũ Văn Tiền. Cụ thể, Công ty Geleximco Miền Nam từng nắm giữ 641.730 cổ phần và Công ty Geleximco Nam Sài Gòn từng nắm giữ 392.350 cổ phần của SCREC.

Số cổ phần này đều được hai công ty trên thế chấp tại ngân hàng An Bình, nơi ông Tiền đang là Phó Chủ tịch HĐQT.

Đặc biệt dự án Khu dân cư Phú Mỹ cũng được SCREC thế chấp toàn bộ quyền lợi kinh doanh khai thác vào ngân hàng An Bình từ nhiều năm trước để đảm bảo cho các khoản vay tại.

Năm ngoái, một số khoản vay của công ty tại An Bình đã bị quá hạn nhưng chưa thể thanh toán, dẫn đến các khoản vay tiếp theo để đầu tư cho dự án này bị ngưng lại. Đến cuối năm 2020, báo cáo tài chính của SCREC cho thấy công ty còn nợ khoảng 275 tỷ đồng.

Công ty kiểm toán cũng lưu ý, SCREC chưa ghi nhận hơn 6 tỷ đồng chi phí lãi vay đối với các khoản vay của ngân hàng An Bình. Nếu ghi nhận đầy đủ, kết quả kinh doanh của công ty có thể chuyển từ lãi sang lỗ.

Năm 2020, SCREC lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 80 tỉ đồng, tiếp tục giảm hơn 42% so với thực hiện năm 2019. Doanh thu các năm 2021 và 2022 dự kiến đạt lần lượt 120 tỉ đồng và 150 tỉ đồng.

Đáng chú ý, tới năm 2024, SCREC dự kiến tổng doanh thu sẽ cán mốc nghìn tỉ, đạt 1.297,6 tỉ đồng. Đồng thời, công ty dự kiến báo lãi trước thuế hơn 155 tỉ đồng và chia cổ tức với tỷ lệ 50% - 100%.

Báo cáo tài chính công ty mẹ của Tập đoàn Geleximco cho thấy năm ngoái, doanh thu tiếp tục suy giảm chỉ còn 7.930 tỷ đồng so với mức hơn 9.000 tỷ đồng năm 2019 và hơn 10.000 tỷ đồng năm 2018.

Nguyên nhân suy giảm doanh thu được cho là Geleximco không còn tiếp tục ghi nhận doanh thu từ các dự án bất động sản nhiều như giai đoạn 2018- 2019, khi mở bán hàng loạt các dự án khu căn hộ ở Hà Nội như Khu đô thị Thành phố Giao lưu Geleximco, An Bình City, Geleximco Lê Trọng Tấn...

Doanh thu suy giảm trong khi chí phí tài chính tăng gấp 3 lần khiến lợi nhuận sau thuế của Geleximco trong năm 2020 giảm mạnh xuống chỉ còn 299 tỷ đồng, so với mức hơn 916 tỷ đồng năm 2019.

Chi phí tài chính, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay tăng mạnh trong năm ngoái lên 524 tỷ đồng (so với 126 tỷ đồng năm 2019) do Tập đoàn đã đẩy mạnh vay nợ tại công ty mẹ. Cụ thể đến cuối năm ngoái tổng nợ vay ngắn và dài hạn hơn 9.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi với cuối năm 2019.

Phần lớn số nợ tăng thêm được Geleximco huy động bằng hình thức trái phiếu. Năm ngoái, Tập đoàn đã thực hiện nhiều đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn vay, đợt gần nhất được công bố đầu tháng 12/2020 với quy mô gần 1.500 tỷ đồng.

Không chỉ Tập đoàn mẹ, các công ty liên quan đến các dự án của Geleximco cũng tăng cường vay vốn bằng trái phiếu. Cụ thể, năm ngoái công ty Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco) đã huy động gần 1.000 tỷ đồng. Đây là chủ đầu tư Dự án Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng, một dự án lấn biển có quy mô 480 ha, với tổng giá trị đầu tư 25.000 tỷ đồng tại  tại Đồ Sơn, Hải Phòng.

Trên website của mình, Tập đoàn Geleximco từng giới thiệu, đây là dự án trọng điểm được Tập đoàn Geleximco tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự để triển khai với tốc độ nhanh nhất, đảm bảo tiến độ công trình, thiết thực đóng góp vào sự phát triển du lịch của thành phố Hải Phòng.

Dự án bao gồm các hạng mục như: Sân golf 27 hố, Trung tâm hội nghị, hội thảo, Nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ du lịch, Khách sạn 5 sao, Resort, Khu phố thương mại, Biển nhân tạo, Bể bơi nước ngọt, bể bơi nước mặn, Công viên nước, Khu vui chơi giải trí...

Năm ngoái dự án đã khai trương công trình bãi tắm nhân tạo dài hơn 1km, rộng 20ha và động thổ tổ hợp Dragon Hill Resort 5 sao nằm trong quần thể Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng. Hiện nay các khu shophouse cũng đang được đẩy mạnh thi công, hoàn thiện để đưa vào hoạt động.

Ngoài siêu dự án tại Hải Phòng, trong mảng bất động sản, Geleximco đang phát triển các Khu đô thị Thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng và Khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn có quy mô 135 ha và Khu đô thị Gelexia Riverside tại Hà Nội

Ngoài ra, Geleximco đang phát triển các dự án khu đô thị sinh thái tại Hòa Bình, Quảng Ninh hay Lao Cai. Mới đây tập đoàn đưa vào vận hành sân golf Geleximco Hilltop Valley Golf Club, được xem là một trong những sân có địa hình đẹp nhất Việt Nam.

Ra đời năm 1993, Geleximco là một tập đoàn kinh tế đa ngành lớn tại Việt Nam hoạt động trong 5 lĩnh vực chính: sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng; bất động sản; thương mại – dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Geleximco ghi dấu với các dự án đầu tư lớn đã và đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao như nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long hay Nhà máy sản xuất giấy và bột giấy An Hòa.

Trong lĩnh vực tài chính, Geleximco sáng lập ngân hàng An Bình và các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán An Bình hay Công ty đầu tư tài chính An Bình. AB Bank hiện có tổng tài sản ngần 100 nghìn tỷ đồng và có các đổ đông lớn là IFC và Maybank (Malaysia).

Geleximco còn là một trong những cổ đông sáng lập Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Honda Việt Nam (VAP) với tổng vốn đầu tư trị giá 90 triệu USD, đồng thời đang là cổ đông lớn của CMC Corporation với tỷ lệ sở hữu 10%.

Gần đây Geleximco gây chú ý với dự án Trung tâm Logistics và Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ tại Bà Rịa Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 2 giai đoạn lên đến 2,2 tỷ USD. Đồng thời tập đoàn cũng bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với cả hai lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi tại Quảng Ninh.

Nhã Phương (TH)