Năm 2020, dư địa lớn nhất của tăng trưởng vẫn là cải cách thể chế (bài tết)
(DNVN) - Đó là nhận định được TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2019 mới đây.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, trong những qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý lớn cho đến thúc đẩy thực thi các giải pháp cụ thể.
“Những nỗ lực này cũng có đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và Việt Nam đang ghi dấu như "ngôi sao trong cải cách". Đà cải cách đang thúc đẩy, chúng ta có niềm tin mới để tiếp tục bước vào năm 2020”, ông Lộc nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, trong năm 2019 Chính phủ đã trình Quốc hội để thảo luận và chuẩn bị thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, hai đạo luật lớn được kỳ vọng tạo ra động lực mới trong phát triển doanh nghiệp. Ngay từ ngày đầu tiên của năm 2019, Chính phủ ban hành nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh và Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã rốt ráo thúc đẩy thực hiện. Qua nhiều kết quả điều tra doanh nghiệp mà VCCI tiến hành trong năm 2019, môi trường kinh doanh của Việt Nam được các doanh nghiệp đánh giá là đang chuyển biến tích cực hơn.
“Nhưng không thể không quan ngại đến xu hướng bất ổn. Theo đó, ở trong nước có một số dấu hiệu về kinh tế vĩ mô đáng lưu ý tới như tăng trưởng quý IV thấp nhất trong 3 năm, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao, gần 60% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, 3 năm liền chỉ tiêu sản xuất không đạt được mục tiêu đề ra…”, Chủ tịch VCCI lo ngại.
Ở lĩnh vực thuế, tỉ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử lên đến 98,4%. Tuy nhiên, hoạt động thanh kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% doanh nghiệp cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp; 30% doanh nghiệp cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế.
Còn trong lĩnh vực giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan, các doanh nghiệp vẫn phải đi lại để nộp hồ sơ nhiều lần (trung bình 3 lần cho mỗi thủ tục). Các thủ tục về xây dựng và phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được thực hiện liên thông. Tỉ lệ doanh nghiệp phải xin xác nhận phòng cháy chữa cháy lên đến 63% và có đến 30% doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn khi làm thủ tục.
Đặc biệt, câu chuyện tiếp cận vốn vẫn là vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp. Có tới 86% doanh nghiệp cho rằng, điều gây cản trở lớn nhất đối với doanh nghiệp là điều kiện vay vốn phải có tài sản thế chấp; có tới 39% doanh nghiệp cho biết tình trạng bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn.
Do đó, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh để đáp ứng được yêu cầu mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 hơn năm 2019 thì dư địa quan trọng nhất vẫn là cải cách thể chế.
“Hai từ khóa của năm nay sẽ là gỡ bỏ rào cản và kết nối phát triển. Cụ thể, chúng ta sẽ phải tiếp tục gỡ bỏ các rào cản về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh… Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nỗ lực kết nối cần triển khai đồng bộ với nỗ lực dỡ bỏ rào cản. Đây sẽ là động lực để cải cách thể chế”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhắc tới vai trò của doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế, Chủ tịch VCCI cho biết: Đối với doanh nghiệp FDI thì năng lực, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm tuân thủ pháp luật cũng là những vấn đề cần phải lưu tâm. Chúng ta phải tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời, Chủ tịch VCCI cũng hi vọng trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm tới kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, Chủ tịch VCCI kiến nghị Chính phủ xem xét sửa những chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đầu từ kinh doanh mà VCCI đã chỉ ra theo hướng dùng 1 luật sửa nhiều luật, dùng 1 nghị định sửa nhiều nghị định. Những rào cản này, nếu tháo bỏ sẽ tạo nên là đột phá trong năm nay.
Cùng với đó, Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm chưa thực chất. Bởi theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chỉ 30% số điều kiện kinh doanh được cắt giảm thực chất. Như vậy chúng ta còn nợ 20% nữa. Do đó, ông Lộc đề nghị Chính phủ tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh và hướng đến chuẩn mực hàng đầu của thế giới.
Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Chính phủ điện tử, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công.