Ngân hàng “bắt tay” fintech: Đưa lợi ích đến với khách hàng

08:12 | 01/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Xu thế hợp tác giữa ngân hàng và các công ty fintech ngày càng trở nên rõ nét vì đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Ngân hàng “bắt tay” fintech: Đưa lợi ích đến với khách hàng - ảnh 1
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu tại Diễn đàn. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước) 
"Xu thế hợp tác giữa ngân hàng và các công ty fintech (công nghệ tài chính) ngày càng trở nên rõ nét vì đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Mối quan hệ hợp tác này giúp duy trì và phát triển hệ thống tài chính - ngân hàng hiện đại với những sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo, đáp ứng sự kỳ vọng ngày càng cao từ khách hàng," Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã chia sẻ tại “Diễn đàn công nghệ tài chính Việt Nam năm 2018” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 30/5 tại Hà Nội.
Lĩnh vực khá mới mẻ

Phát biểu tại diễn đàn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công nghệ tài chính đối với hệ thống tài chính - ngân hàng của Việt Nam trong “kỷ nguyên số”. Theo Thống đốc, sự hợp tác của fintech và ngân hàng có thể đóng góp vào mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính, xóa giảm đói nghèo, tăng cường công bằng xã hội và phát triển kinh tế bền vững.
Theo Thống đốc, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã và đang chủ động trong việc tiếp cận vấn đề và đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực fintech để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho các đơn vị này gia nhập thị trường. Cụ thể là từ năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và cho phép nhiều công ty không phải ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Đến nay, sau khi thiết lập khuôn khổ pháp lý tương đối rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước đã cấp Giấy phép hoạt động chính thức cho 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. 
Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của fintech và tương lai phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam, thực hiện Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo lĩnh vực Công nghệ tài chính của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3/2017 nhằm đưa ra những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp fintech ở Việt Nam phát triển. 
Cũng theo Thống đốc, trên thực tế, nhiều ngân hàng đã bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp fintech để cung ứng một hoặc một số dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách hàng.
"Xu thế hợp tác này ngày càng trở nên rõ nét trong vài năm gần đây vì đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Mối quan hệ hợp tác giữa ngân hàng và công ty fintech giúp duy trì và phát triển hệ thống tài chính - ngân hàng hiện đại với những sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo, đáp ứng sự kỳ vọng ngày càng cao từ khách hàng. Sự phát triển của fintech và việc hợp tác giữa fintech với ngân hàng được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng cho người sử dụng tại Việt Nam," Thống đốc nhấn mạnh.
Thống đốc cũng cho biết thêm, Ban chỉ đạo fintech của Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành Báo cáo đánh giá về Hệ sinh thái fintech ở Việt Nam, đồng thời đề ra các nội dung trọng tâm của fintech cần khẩn trương tập trung nghiên cứu, đó chính là 5 nội dung chủ đề của cuộc thi "Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính” (FCV) lần thứ nhất này.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo fintech của Ngân hàng Nhà nước cũng thiết lập các kênh đối thoại trực tiếp với các công ty fintech, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các công ty fintech để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. 
Ông Dominic Mellor, chuyên viên đầu tư cấp cao, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết: “Ngân hàng Phát triển châu Á luôn sẵn sàng hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước ở cả hai mục tiêu là khuyến khích phát triển fintech cũng như hoàn thiện hàng lang pháp lý. Việt Nam đang có những lợi thế đặc biệt, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin, để từ đó làm nền tảng phát triển fintech nhằm hướng tới mục tiêu phổ cập tài chính.”
Ngân hàng “bắt tay” fintech: Đưa lợi ích đến với khách hàng - ảnh 2
Khách hàng của VIB có thể xác thực giao dịch bằng FaceID. (Nguồn: VIB) 
Hai bên cùng có lợi
Với sự linh hoạt trong hoạt động và giải pháp công nghệ có tính đột phá, các doanh nghiệp fintech đã thổi một luồng gió mới vào hoạt động của hệ thống tài chính – ngân hàng khi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hướng tới việc nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng.
Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đã và đang phải định hình lại chiến lược kinh doanh của mình, tự đổi mới các dịch vụ truyền thống hướng tới khách hàng nhiều hơn. Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp fintech để cung ứng một hoặc một số dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách hàng. Xu thế hợp tác này ngày càng trở nên rõ nét trong vài năm gần đây và là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Điển hình là VietinBank đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Opportunity Networt (ON) để cung cấp nền tảng cho việc kết nối doanh nghiệp là khách hàng của VietinBank với trên 15.000 doanh nghiệp ở 113 quốc gia là thành viên của ON, tạo ra cơ hội mở rộng thị trường hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài.
Trong khi đó, MB đã phát triển ngân hàng số dựa trên dựa trên sự hợp tác với đối tác chiến lược Viettel, hay như mô hình hợp tác giữa Vietcombank và Công ty M_Service trong thanh toán chuyển tiền... VIB cũng đã kết hợp với công ty Fintech Weezi cho ra mắt sản phẩm MyVIB Keyboard, một ứng dụng chuyển tiền qua mạng xã hội. Techcombank đã cùng với Công ty fintech Fastacash giới thiệu tính năng F@st Mobile, phương thức chuyển tiền nhanh chóng qua Facebook và Google+.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối dịch vụ tài chính EY Việt Nam nhấn mạnh: Các ngân hàng lựa chọn những công ty fintech phù hợp với định hướng chiến lược của mình đã giúp cho các ngân hàng đạt được mục tiêu đề ra, cũng như tối đa hóa lợi ích cộng hưởng của mối quan hệ hợp tác ngân hàng - fintech.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, các ngân hàng hợp tác với các công ty fintech sẽ tiết kiệm được chi phí và tận dụng được nền tảng công nghệ mới hiện đại để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thay vì ngân hàng đầu tư một số tiền khá lớn vào hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin thì có thể hợp tác với các công ty finteck để triển khai các nền tảng đó cho hoạt động của mình.
Cũng theo ông Sơn, ngân hàng có lợi thế khối lượng khách hàng lớn, quản trị rủi ro cũng như quản trị doanh nghiệp tốt hơn so với các công ty fintech, trong khi đó các công ty fintech lại có lợi thế về công nghệ cũng như các giải pháp đổi mới sáng tạo nhưng cơ cấu tổ chức cũng như bộ máy tổ chức còn nhỏ. 
"Công ty fintech kết hợp được với ngân hàng thì sẽ rất có lợi cho fintech phát triển và mở rộng hơn tới số đông khách hàng. Còn khách hàng cũng được sử dụng những công nghệ tiên tiến, thuận tiện, hiệu quả và chi phí thấp," ông Sơn chia sẻ.
Như vậy, việc ngân hàng "bắt tay" với các công ty fintech là xu hướng tất yếu, với những tín hiệu đáng mừng cho thấy, các ngân hàng đã thể hiện sự chủ động trong tìm kiếm đối tác là các công ty fintech phù hợp.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, sự phát triển quá nhanh chóng của công nghệ tài chính cũng mang lại những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý. Khuôn khổ pháp lý và quản lý thường ra đời chậm hơn so với sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ có tính đổi mới, sáng tạo.
Ngoài ra, có thể kể đến những thách thức khác mà các cơ quan quản lý phải đối mặt như nguồn nhân lực, vấn đề an toàn bảo mật, an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, cơ chế hợp tác trong chia sẻ thông tin giữa các nước.../.

Theo TTXVN