Ngành công nghiệp Đức trong vòng xoáy cạnh tranh – Bài cuối: Cần thay đổi tư duy

Phương Hoa 17:30 | 30/03/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp Đức đã có nhiều cuộc tư vấn phân tích lý do vì sao nước này mất đi vị thế thống lĩnh và hướng đi tiếp theo cần thực hiện.

Ngành công nghiệp ô tô Đức đang tăng trưởng chậm dần. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW của Đức, ông Brad Setser, đồng tác giả báo cáo của Trung tâm Cải cách châu Âu (CER) có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), cho rằng hoạt động xuất khẩu hàng cao cấp của Trung Quốc “không thể phát triển trong chốc lát”. Ông nói: “Làm thế nào ngành công nghiệp Đức có thể tồn tại sau cú sốc Trung Quốc lần thứ hai? Tại sao các chính phủ trước đây của Đức không nhìn thấy điều này và hành động nhiều hơn để điều chỉnh chính sách?”.

Hiện đang đứng trước ngã ba đường lịch sử, các nhà kinh tế cảnh báo rằng Đức phải điều chỉnh chính sách thương mại, công nghiệp và tài chính của mình cho phù hợp với thực tế kinh tế mới hoặc có nguy cơ mất vị thế là quốc gia dẫn đầu về sản xuất toàn cầu.

Ông Görg nhận định: “Về mặt kinh tế, việc cố gắng giành lại vị thế thống lĩnh trong các lĩnh vực này không phải là giải pháp mang lại giá trị tốt nhất. Điều quan trọng là phải tập trung vào những lĩnh vực mà Đức vẫn mạnh - dược phẩm, công nghệ sinh học và tạo ra tri thức”.

Thuế quan có thể buộc Trung Quốc phải chuyển hướng sang tăng trưởng trong nước

Báo cáo của CER kêu gọi chính phủ sắp tới của Đức - có khả năng là liên minh giữa Liên đảng bảo thủ Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) - hối thúc Trung Quốc tăng tiêu dùng trong nước thay vì chủ yếu dựa vào nhập khẩu để tăng trưởng.

Các tác giả của báo cáo cũng nhấn mạnh đến nhu cầu khai thác những biện pháp phòng vệ thương mại của Liên minh châu Âu (EU), để tăng thuế đối với những mặt hàng xuất khẩu được trợ cấp mạnh của Trung Quốc, bao gồm cả xe điện và tua bin gió.

Ông Setser, cũng là thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) có trụ sở tại New York (Mỹ), nhấn mạnh: “Những gì Đức cần là các thị trường thay thế cho xuất khẩu ô tô và máy móc cao cấp của mình. Và thị trường lớn nhất đối với Đức cho đến nay là thị trường châu Âu”.

Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp Đức đã có nhiều cuộc tư vấn phân tích lý do vì sao nước này mất đi vị thế thống lĩnh và hướng đi tiếp theo cần thực hiện.

Đức cần thay đổi tư duy

Ông Serden Ozcan, Chủ tịch bộ phận đổi mới và chuyển đổi doanh nghiệp tại WHU — Trường Quản lý Otto Beisheim có trụ sở tại Düsseldorf, cho rằng các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp cần phải có “sự thay đổi lớn về tư duy văn hóa” để ứng phó với tốc độ thay đổi nhanh chóng.

Ông Ozcan chỉ trích những gì ông coi là “nỗi sợ cạnh tranh quyết liệt” của Đức và sự ám ảnh về “bảo vệ thất bại quá mức”, khi Berlin đôi khi hỗ trợ quá mức cho các công ty không còn khả năng cạnh tranh. Ông Ozcan nói: “Ở Trung Quốc thì ngược lại. Họ hoạt động hiệu quả hơn nhiều, cho phép hàng chục công ty tham gia vào một ngành công nghiệp mới nổi, mặc dù nhiều công ty trong số đó thất bại. Những công ty sống sót sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ”.

Hiện giới quan sát đang kỳ vọng rằng kế hoạch chi tiêu khổng lồ cho quốc phòng và cơ sở hạ tầng của Đức, trị giá gần 1.000 tỷ euro (1.083 tỷ USD) trong 12 năm tới, sẽ giúp cải thiện nền kinh tế trì trệ đồng thời nới lỏng quy định “phanh nợ” - tổng số tiền mà Chính phủ Đức có thể vay.

Tuy nhiên, một số người đang lo ngại rằng, với phần lớn số tiền được dành để nâng cấp năng lực quốc phòng và cơ sở hạ tầng của Đức, có thể Berlin sẽ bỏ lỡ cơ hội hỗ trợ các ngành công nghiệp đang phát triển.

Ông Holger Görg, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Thương mại và Đầu tư Quốc tế tại Viện Kinh tế Thế giới Đức (IfW-Kiel), nói: “Một phần lớn (chi tiêu do chính phủ mới đề xuất) là dành cho chi tiêu quân sự. Nếu họ thực hiện đúng cách, các khoản đầu tư lớn vào hệ thống khí tài mới cũng có thể giúp thúc đẩy các công nghệ phi quân sự”.

Ngành công nghiệp Đức vẫn còn nhiều điểm mạnh

Chuyên gia Görg nhận định: “Đức rất giỏi trong việc tạo ra kiến thức — thông qua nghiên cứu và phát triển (R&D), bằng sáng chế... — và sau đó bán kiến thức. Đây là lĩnh vực mà Đức vẫn dẫn đầu và nên tiếp tục phát triển”.

Trong khi đó, ông Ozcan cho rằng thế hệ giám đốc điều hành (CEO) mới hiểu rõ hơn các vấn đề mà ngành công nghiệp Đức đang phải đối mặt so với thế hệ cũ và sẽ có khả năng thích ứng nhanh hơn. Ông lấy ví dụ về ông Christian Klein, CEO 44 tuổi của công ty phần mềm doanh nghiệp khổng lồ SAP, người đã giúp tăng giá trị thị trường của công ty lên gần 70% bằng cách trở thành người tiên phong áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

“Một nhà sản xuất ô tô không còn cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô khác nữa. Họ đang cạnh tranh với Tencent, một công ty trò chơi điện tử", ông Ozcan giải thích, ám chỉ đến bước đột phá của công ty Trung Quốc vào công nghệ điều khiển xe điện. Ông cho biết: "Trong tương lai, các công ty AI sẽ là bên tạo ra phương pháp chữa trị ung thư, thay vì những công ty dược phẩm khổng lồ".