Ngành da giày và nỗi lo chi phí, nguồn cung

16:05 | 09/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu da giày ghi nhận những con số khả quan. Song những bất ổn về nguồn cung nguyên liệu, chi phí logistic tăng cao, lạm phát toàn cầu… những tháng cuối năm đang trở thành thách thức lớn cản đà tăng trưởng của ngành.

Sự hồi phục tích cực sau Covid-19

Trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp da giày Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngành da giày vẫn là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam.

Thống kê của Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam (LEFASO) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 13,81 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu giày dép đạt 11,79 tỷ USD (tăng 13,3%) và valy, túi, cặp đạt 2,02 tỷ USD (tăng 20,0%) so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 10,99 tỷ USD, chiếm 79,56% toàn ngành da giày- túi xách Việt Nam.

Mức xuất khẩu tăng mạnh nhất vẫn tại Bắc Mỹ (24,5 %), Châu Âu (15,7%) và Nam Mỹ (10,8%). Kim ngạch xuất khẩu giảm ở Châu Á (-6,0%) và tiếp tục giảm nhẹ ở Châu Đại Dương (-1,9%). Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, đạt trên 6,030 tỷ USD (23,8%), Bỉ quay lại là thị trường đứng thứ 2 đạt 866,6 triệu USD (21,6 %), Trung Quốc tụt xuống là thị trường đứng thứ 3 đạt 863,2 triệu USD (-20%).

 Ngành công nghiệp da giày Việt Nam đang ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ 

Các thị trường có hiệp định tự do thương mại với Việt Nam như EVFTA, CPTPP và UKVFTA tiếp tục phản ánh sự phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19, với con số xuất khẩu tăng trưởng mạnh lần lượt 18,2 %, 10,5% và 10,9 %.

Bước sang tháng 7/2022, ngành da giày tiếp tục ghi nhận dấu hiệu tích cực khi sản xuất da giày tăng nhẹ so với tháng 6/2022, mức tăng 3,2%. Nhiều nhận định cho rằng ngành da giày có nhiều triển vọng bứt phá trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam được hưởng lợi rất lớn từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Còn nhiều thách thức phía trước…

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước của Bộ Công Thương mới đây, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký LEFASO đánh giá, 6 tháng đầu năm dù đạt kết quả xuất khẩu khá tốt tuy nhiên, đó chủ yếu là các đơn hàng đã ký từ cuối năm 2021. Còn lại những đơn hàng đang đàm phán cho cuối năm nay và đầu năm sau gặp rất nhiều khó khăn khi khách hàng sẽ có sự điều chỉnh về giá do lạm phát.

Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên phụ liệu bị thiếu, gián đoạn do nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cũng như một số nước xung quanh hạn chế. Nguồn nguyên vật liệu và chi phí logistic tăng cao khiến giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp bị đẩy theo. Ngoài ra là tình trạng thiếu nguồn lao động cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất kinh doanh của ngành.

Bà Xuân cho biết, mặt hàng da giày dù ở mức trung bình của thế giới cả về chất lượng và giá cả nhưng để cạnh tranh được trên thị trường, thời gian sắp tới, ngành cần nâng cao năng lực sản xuất các mặt hàng có giá trị cao hơn. Muốn vậy, nguồn nguyên liệu có giá trị cao cần nhập khẩu từ các nước. Bà cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội nhập khẩu nguồn cung thiếu hụt từ các thị trường có FTA với nước ta. Đơn cử, EU là thị trường có nguồn nguyên phụ liệu có giá trị cao phục vụ nhu cầu sản xuất giày dép ở mức độ cao hơn.

Năm 2022, ngành da giày đặt kỳ vọng cán mốc xuất khẩu 20 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2021 và giữ vững vị trí thứ 5 trong các nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch cao của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp trong ngành rất cần đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, vì hiện nay, một lượng nguyên liệu lớn cho ngành vẫn phải nhập khẩu, một số khâu công việc phải thuê lao động kỹ thuật cao của nước ngoài.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Về chính sách hỗ trợ ngành da giày, Bộ Công Thương đã có chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Bộ Công Thương cam kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đồng thời, tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất, xanh hóa ngành công nghiệp da giày, bảo đảm nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ben cạnh đó, theo đại diện Bộ Công Thương, da giày là ngành thời trang, thay đổi liên tục, do đó cần phát triển công nghiệp hỗ trợ sao cho hợp lý. Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ chính sách, còn việc hiện thực hóa hiệu quả các chính sách này rất cần sự chủ động của doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, nắm bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới.