Ngành dệt may chưa thể hồi phục ngay cuối năm nay?

Trang Mai 07:10 | 14/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù nền kinh tế thế giới vẫn còn suy thoái, tình hình xuất khẩu hàng xơ sợi, dệt may của Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng gần đây, thị trường đã có những tín hiệu sáng hơn, thể hiện xu hướng tích cực hơn, để doanh nghiệp xơ sợi, dệt may, da giày Việt Nam có thể kỳ vọng vào một viễn cảnh tốt hơn trong thời gian tới.

Nằm trong các nhóm ngành bị ảnh hưởng do diễn biến xấu của kinh tế thế giới, ngành xơ sợi, dệt may đã trải qua những tháng đầy khó khăn khi thị trường giảm sâu, đơn hàng nhỏ, giá giảm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may trong ngành, nhất là các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt hơn 9,35 tỷ USD trong quý III, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, đây lại là quý thứ 2 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may có sự tăng trưởng so với quý trước đó.

 Ảnh: BSC, Tổng cục Hải quan

DN dệt may và khó khăn trong 9 tháng 2023

Dù kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đang dần sáng hơn theo quý, thế nhưng các doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện với nhiều mối lo, nhất là việc đơn hàng sụt giảm mạnh và hàng loạt chi phí tăng cao. 

Theo thống kê của phóng viên, trong 9 tháng đầu năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều báo lãi tăng trưởng âm so với cùng kỳ, thậm chí thua lỗ. Nếu chỉ tính riêng quý III, đa phần doanh nghiệp dệt may ghi nhận lãi sụt giảm chủ yếu từ 20% đến 50%. 

Lợi nhuận sau thuế 16 doanh nghiệp ngành dệt may, tơ sợi trong 9 tháng 2023 (Tỷ đồng). Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã: TCM) báo lãi 9 tháng đầu 2023 sụt giảm đến 50% so với cùng kỳ 2022, còn lại 111 tỷ đồng. Năm 2023, TCM đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 245 tỷ đồng, giảm 13% cho dù vừa trải qua một năm kinh doanh đầy hưng phấn khi đạt đỉnh doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục. Như vậy, sau 9 tháng, TCM mới hoàn thành được 45% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tương tự, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng giảm tới 84% lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng, xuống còn 176 tỷ đồng.

Tại, áp lực tài chính đang là gánh nặng lớn với đơn vị này nên dù doanh thu 9 tháng tăng nhẹ 3,3% lên hơn 5.400 tỷ đồng, thế nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 26%, xuống 171 tỷ. Trong 9 tháng, doanh nghiệp này đã phải chi trả tới 185 tỷ đồng lãi vay, chiếm 79% chi phí tài chính. 

Có phần ảm đạm hơn, Gilimex ghi nhận lỗ ròng hơn 94 tỷ đồng trong 9 tháng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 351 tỷ, quý III cũng là quý đánh dấu quý thứ 3 lỗ liên tiếp của GIL. Đối với Garmex Sài Gòn, chuỗi thua lỗ kéo dài lên con số 5, ghi nhận lỗ 11 tỷ trong quý III vừa qua.

Hoạt động trong lĩnh vực tơ sợi, Sợi Thế Kỷ cũng cài "số lùi" về cả doanh thu và lợi nhuận. 9 tháng đầu 2023, doanh thu thuần đạt 1.073 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt gần 56 tỷ, lần lượt giảm tới 36% và 72% so với cùng kỳ 2022. Hay CTCP Phong Phú cũng cho thấy lợi nhuận giảm 29%, xuống còn 275 tỷ đồng trong 9 tháng. 

Dù vậy, vẫn có doanh nghiệp “ngược dòng” như May 10 (M10) hay Damsan (ADS) khi cùng báo lãi sau thuế 9 tháng tăng trưởng 3% so với 9 tháng 2022.

 

Giải trình về kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp dệt may cho biết, quý III năm nay đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng cùng đơn giá sụt giảm nên doanh thu xuất bán của đa số doanh nghiệp dệt may ảm đạm so với cùng kỳ. Điển hình, Garmex Sài Gòn, một trong những công ty lỗ nặng nhất do không ghi nhận bất kỳ khoản thu nào phát sinh từ đối tác là Gilimex (GIL) trong 9 tháng đầu năm.

Đây có thể là hệ quả kéo theo sau lùm xùm Gilimex khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng cho chính Gilimex mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác như Garmex Sài Gòn liên đới. Đối với GIL, sự vụ Amazon là câu chuyển điển hình của việc tập trung vào một khách hàng. Do đó, khi khách hàng này thay đổi chính sách, doanh nghiệp như GIL ngay lập tức rơi vào thế bị động, việc sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo phía Dệt may TNG, công ty cho biết doanh thu ghi nhận trong quý III là đơn hàng xác nhận và sản xuất từ tháng 6. Do ảnh hưởng của tình hình thế giới, một số khách hàng lớn cắt giảm lượng đơn hàng nhưng chi phí sản xuất kinh doanh không giảm khiến TNG báo lãi giảm sâu so với cùng kỳ. Chung cảnh ngộ, Sợi Thế Kỷ cho biết doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ là do các khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng.

Đặc biệt, với đặc thù ngành dệt may cần một lực lượng lao động khá đông đảo, việc đảm bảo thu nhập cho người lao động trong bối cảnh khó khăn cũng là áp lực lớn với doanh nghiệp. Nhiều nơi đã không thể tuyển thêm người mới, thậm chí cắt giảm nhân sự để phù hợp với bối cảnh kinh doanh. Như tại Garmex Sài Gòn, từng sở hữu lượng nhân sự lên tới hàng nghìn người thời đỉnh cao. Sau khi liên tục cắt giảm mạnh tay trong năm 2022, số lượng nhân viên của GMC tiếp tục rơi xuống thấp kỷ lục. Quy mô nhân sự của GMC sụt giảm gần như hoàn toàn sau nửa đầu năm 2023, thời điểm cuối quý III tiếp tục giảm còn vỏn vẹn 37 người, tương ứng giảm 1.945 nhân sự sau 9 tháng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải gánh chi phí lãi vay lớn trong bối cảnh lãi vay tăng khá cao những tháng đầu năm.

Những tia sáng từ năm 2024

Trong nhận định ngành dệt may vừa công bố, Chứng khoán Mirae Asset (MAS) cho rằng mặc dù ngành đang dần cải thiện nhưng môi trường kinh doanh năm 2024 vẫn đối mặt với những thách thức mà chủ yếu đến từ những bất ổn vĩ mô. 

Về triển vọng ngành thời gian tới, các thị trường chính đang ghi nhận tín hiệu tích cực khi tiếp tục tăng trưởng trong quý III so với quý II. Điển hình như GDP Mỹ tăng 4,9%; EU 0,1%; Trung Quốc 1,3%; Hàn Quốc 0,6%. Theo World Bank (WB) dự báo, tăng trưởng GDP thực năm 2023 của các thị trường trọng điểm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, dẫn đến sự phục hồi về thu nhập và nhu cầu. Hơn nữa, nỗi lo về một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhiều khả năng sẽ giảm, điều này hỗ trợ việc chi tiêu cho các sản phẩm dệt may. 

Thêm vào đó, hàng tồn kho và doanh số của các thương hiệu lớn như: Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma duy trì ở mức thấp, trong khi doanh số bán hàng có dấu hiệu tăng trong bối cảnh các kỳ nghỉ lễ sắp tới. Những tín hiệu tích cực về doanh số bán hàng có thể dẫn đến số lượng đơn đặt hàng tăng lên trong năm 2024

Hay theo SSI Research, hầu hết các công ty đều đã ghi mức nền kết quả kinh doanh thấp trong quý IV/2022, do đó, kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý IV/2023. Thống kê trong quá khứ, khi lượng hàng tồn kho quần áo ở Mỹ đạt đỉnh điểm vào tháng 1/2007, thị trường phải mất hai năm để hấp thụ với lượng hàng tồn kho sau đó mới phục hồi trở lại vào tháng 12/2009.

Tại một báo cáo của Chứng khoán VNDirect, nhóm phân tích kỳ vọng nhu cầu cho các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ quý I/2024 nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên tích cực hơn.

Đồng thời, việc nhu cầu tăng cao trong mùa lễ hội cuối năm sẽ giúp thúc đẩy việc bán hàng và hấp thụ bớt lượng hàng tồn kho đang ở mức cao, tạo dư địa cho các đơn hàng mới để phục vụ cho mùa xuân-hè 2024.

Đối với thị trường Trung Quốc, VNDirect kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ cho thấy các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn vào quý IV/2023- quý I/2024. Các nhà sản xuất sợi với tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc cao như ADS sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng này.