(DNVN) - Hà Giang hùng vĩ sắc màu trong nắng rạng sớm Hạ, Hà Giang bung nở rực rỡ những cánh đồng hoa tam giác mạch lúc cuối Thu. Nhưng có một Hà Giang rất lạ, trong những ngày Đông rét buốt mây mù và ngọn lửa ấm bùng lên trong bếp người Dao, người Lô Lô - ấm theo những con đường và những nụ cười dọc suốt cung đường hùng vĩ, ngoằn ngoèo như tới tận cung mây….
Chúng tôi xuất phát từ tinh mơ, khi cái lạnh giá tràn về Hà Nội kèm theo mưa ẩm khiến không ai muốn ra đường. Con đường đẹp, khá êm xuôi theo cao tốc Nội Bài-Lào Cai, qua các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, rồi đến TP. Hà Giang, dài khoảng 320 km như mới chỉ là chặng lấy đà. Khi biển chữ Cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên Địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam cheo leo trên vách núi hiện rõ, mới là lúc trải nghiệm bắt đầu.
Đi trong mù sương, chúng tôi chênh vênh trên vùng đá vôi chiếm tới 60% diện tích và độ cao trung bình trên 1.000 m so với mực nước biển. Con đường ngoằn ngoèo dẫn những du khách háo hức tới những điểm dừng ở 4 huyện miền núi của tỉnh cực bắc Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Những vách đá dựng đứng, những đỉnh núi nhọn hoắt, những rừng đá, hoang mạc đá lởm chởm, những con đường mòn cheo leo ẩn hiện trong mây mù, giá buốt, khiến ta choáng ngợp và thấy mình quá bé nhỏ trước Mẹ Thiên nhiên vĩ đại.
Ngắm nhìn đèo Mã Pì Lèng, 9 khoanh uốn khúc theo các sườn núi đá dựng đứng kề bên vực thẳm hun hút, mới thấy hết thế nào là “đệ nhất đèo” trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc (cùng với Khau Phạ ở Yên Bái, Pha Đin ở Điện Biên và Ô Quy Hồ ở Lào Cai). Đây là đoạn đường hiểm trở bậc nhất, cheo leo bên hẻm vực sông Nho Quế xanh biêng biếc như dải lụa xanh uốn lượn ở độ sâu tới 700-800 m - hẻm vực sâu nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
“Cung đường chân mây”, với tuyến đi bộ mạo hiểm dài hơn 4 km nối từ thôn Xéo Sả Lủng, xã Pải Lủng, ngay dưới chân Tượng đài Thanh niên Xung phong, qua “Vách Đá Trắng” trên đỉnh núi Cô Tiên đến thôn Mã Pì Lèng, du khách tiếp tục choáng ngợp trước trùng trùng điệp điệp các chóp nón đá vôi trông muôn hình vạn trạng, như rơi vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Chưa hết sửng sốt với “Con đường Hạnh phúc” ngoằn ngoèo ẩn hiện sau mỗi khúc cua, ta lại thấy trầm trồ thán phục và tự hào khi biết rằng con đường này chính là kết quả của sức mạnh và ý chí của hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm suốt 6 năm ròng rã.
Giờ đây đã có một tượng đài thanh niên xung phong cao 16 mét, điêu khắc từ chất liệu đá xanh, để ghi dấu một thời hào hùng chinh phục thiên nhiên đó.
Điều tuyệt vời nhất, trong những ngày sương mù dày đặc, dừng chân tại làng Lô Lô dưới chân Cột cờ Lũng Cú - biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc, nắng bỗng rạng từ lúc sớm mai. Cột cờ Lũng Cú sừng sững trên đỉnh núi Rồng, nổi bật trong không gian ngập tràn hoa đào như bỗng vụt bung nở đón năm mới 2019 dù ngay hôm trước, trên cả chặng đường chúng tôi tới đây, chưa hề thấy một cây đào nào có nụ.
Mỗi bước đi trên bậc thang dẫn lên đỉnh cột cờ là những cung bậc cảm xúc. Thiêng liêng nhất là khi may mắn được chạm tay vào lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh ngọn núi Rồng. Chúng tôi lại nhớ câu chuyện lịch sử, Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân về trấn ải vùng đất biên thùy, đã cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng này, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước Việt.
Đứng trên đỉnh cực Bắc Tổ quốc nhìn xuống, du khách có thể thỏa sức ngắm nhìn núi non trùng điệp, hùng vĩ; ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tựa như bức tranh thủy mặc khổng lồ. Hồ nước của làng Lô Lô, truyền thuyết kể lại, chính là mắt của rồng thiêng.
Chúng tôi đã đi qua “miền đất khát”, nơi sinh sống của 17 dân tộc ít người, đặc biệt là người Mông, người Dao và người Lô Lô vô cùng mến khách.
Giá rét xuống tới 0 độ cũng tan đi, khi ngọn lửa hồng bùng lên trên bếp nhà ngươi Lô Lô chào đón những nụ cười quây quần và khi mâm cơm nghi ngút khói được dọn ra, chủ nhà người Dao và du khách người Kinh chung vui chén “mẩy tưu” - rượu ngô ngâm sâm. Hơi ấm bếp than hồng cũng rực lên trong những chiếc lán đơn sơ ven đường, nơi chúng tôi dừng chân chiêm ngưỡng Địa hình mặt trăng Sà Phìn.
Dinh thự Vua Mèo nổi bật, bề thế giữa thung lũng heo hút Sà Phìn, huyện Đồng Văn, có tuổi đời tròn 100 năm, tính từ thời điểm bắt đầu xây dựng. Đây chính là dinh thự kiêm pháo đài của dòng họ Vương - dòng họ đã thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn, với nghề trồng và buôn thuốc phiện. Để có được “báu vật” giữa lòng công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn này, cụ Vương Chính Đức không những đã phải bỏ ra 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương (tương đương 150 tỷ đồng) để xây dựng, mà còn kỳ công sang Trung Quốc nhờ thầy phong thủy đi xem xét khu vực 4 huyện cụ đang cai quản để chọn cho được địa thế đất nổi lên cao như hình mai rùa, tượng trưng cho thần kim quy này.
Phố cổ Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc, vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm nép vào nhau dưới chân núi đá. Dấu ấn quy hoạch của người Pháp chiếm đóng nơi đây từ năm 1880, đặc biệt là chợ Đồng Văn được xây bằng đá trong những năm 1920, gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay. Quy hoạch thuộc người Pháp nhưng kiến trúc lại đậm dấu ấn bản địa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ treo cao.
Nơi đây chỉ đủ rộng để thanh thản dạo bộ mươi phút, rồi tĩnh lặng cùng Cà phê phố cổ hay quây quần quanh nồi lẩu thắng cố ngút khói, bên ngọn lửa bập bùng nhen lên bằng khúc gỗ huyết long trong quán nhỏ giữa chợ Đồng Văn.
Trở về với Thủ đô rực rỡ ánh đèn sau chuyến trải nghiệm, trong tâm tưởng của chúng tôi vẫn đọng mãi nụ cười mến khách, ánh mắt hồn hậu và tấm lòng chân chất của đồng bào người Dao, Mông, Lô Lô… nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc.