Người giàu nhất Singapore đang sở hữu khối tài sản khủng cỡ nào?
Từ người mê game đến tỷ phú giàu nhất Singapore
Theo dữ liệu từ Bloomberg Billionaires Index, Forrest Li hay còn được gọi là Lý Tiểu Đông - người đồng sáng lập kiêm Chủ tịch và CEO của Sea Ltd., công ty nắm sàn thương mại điện tử Shopee vừa trở thành người giàu nhất Singapore với khối tài sản đang sở hữu trị giá khoảng 19,8 tỷ USD.
Theo ghi nhận từ đầu năm đến hết phiên giao dịch ngày thứ 6 tuần trước, cổ phiếu Sea niêm yết tại Mỹ đã tăng 61%. Từ khi lên sàn vào năm 2017 đến nay, cổ phiếu này đã tăng hơn 20 lần.
Lý Tiểu Đông, sinh năm 1977 tại Thiên Tân (Trung Quốc), trong gia đình có bố mẹ làm công chức. Giống như nhiều thanh niên thế hệ 7x, ông sớm cảm nhận được sự thay đổi nhanh chóng của Trung Quốc và tìm đến các lớp học tiếng Anh với mong muốn tiếp cận nền văn minh phương Tây.
Lý Tiểu Đông - người đồng sáng lập kiêm Chủ tịch và CEO của Sea Ltd
Trong thời gian là sinh viên đại học thượng hải, Lý Tiểu Đông thường chơi game đến sáng tại một quán café internet để thoả mãn niềm đam mê chơi game của mình.
Xuất thân trong gia đình không có nền tảng kinh doanh, bố mẹ đều là viên chức nhà nước, nhưng với kiến thức từ đại học Salford và kinh nghiệm đúc kết từ những buổi trò chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng, Lý Tiểu Đông đã ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp. Ông đã lấy tên tiếng anh là Forrest Li lấy cảm hứng từ 1 vai diễn đạt giải Oscar trong bộ phim kinh điển Mỹ Forrest Gump.
Công việc của Lý Tiểu Đông sau khi tốt nghiệp đại học là làm nhân viên tuyển dụng cho Motorola tại Thượng Hải với trách nhiệm chính là đánh giá đơn xin việc của ứng viên. Tuy nhiên, ông sớm nhận ra tương lai của mình không thể giới hạn trong bốn bức tường văn phòng. Thời gian rảnh rỗi, ông đăng ký các khoá học khởi nghiệp.
Cuối cùng, Lý Tiểu Đông quyết định sang Mỹ, theo học thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford. Tháng 6/2005, ông đến dự lễ tốt nghiệp của bạn gái, người sau này vợ ông. Tại đây, Lý Tiểu Đông đã nghe bài diễn văn bất hủ của Steve Jobs với câu nói nổi tiếng "Stay hungry, stay foolish" (Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ).
Ông nghe đi nghe lại bài phát biểu ấy ba lần mỗi ngày trong suốt một tháng và quyết định khởi nghiệp. "Bài phát biểu đó trở thành động lực giúp tôi có đủ dũng cảm để làm những việc bây giờ", Li nói với Bloomberg.
Sau khi tốt nghiệp, Lý Tiểu Đông cùng bạn gái trở về Singapore khởi nghiệp với dự án GG Game. Tuy nhiên dự án này đã nhanh chóng chết yểu, khiến ông cạn kiệt hết vốn liếng. Ông nhận ra đã đi nhầm hướng khi xây dựng công ty game offline, trong khi đây là thời của game online. Không nản nòng ông tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư dù liên tục bị các doanh nghiệp của Mỹ từ chối với lý do chỉ thích những công ty cách 30 phút lái xe.
Nhưng cuối cùng may mắn đã mỉm cười với Lý Tiểu Đông khi nhận được khoản đầu tư mạo hiểm hiếm hoi lúc đó là 1 triệu USD vào năm 2009 và cái tên Garena ra đời từ đó. Chọn hướng đi đúng, Garena sớm gạt hái được thành công ở mảng game online trong khu vực Đông Nam Á.
Khi đã thu hút được hàng chục triệu người dùng, Lý Tiểu Đông hiểu đã đến lúc bổ sung các sản phẩm công nghệ khác cho hệ sinh thái. Ông nhận thấy tại môi trường Đông Nam Á, một giải pháp công nghệ thành công ở nền kinh tế này có thể nhân rộng hay đem áp dụng tại nền kinh tế khác, tạo thành một thị trường rộng lớn xuyên biên giới. Sau đó được vốn đầu tư của Tencent, công ty của Lý Tiểu Đông đã mở rộng hoạt động sang thanh toán trực tuyến, bán lẻ.
Lấn sân sang thương mại điện tử với Shopee
Năm 2015, Lý Tiểu Đông thành lập Shopee - nền tảng mua sắm trên thiết bị di động với sự hậu thuẫn của Tencent. Chiến lược ban đầu của Shopee là tập trung vào thị trường Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Tại Việt Nam, Shopee chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, theo iPrice Group, sàn thương mại điện tử này tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website, đạt trung bình 33,6 triệu lượt mỗi tháng. Con số này một phần nào đó cũng tương đồng với tốc độ lỗ tăng đột biến của Shopee trong những năm gần đây, với nguồn tài chính dồi dào từ công ty mẹ - SEA (Garena đổi tên năm 2017).
Ngay năm đầu tiên ra mắt, Shopee đã lỗ 164 tỷ đồng. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lên 1.900 tỷ đồng.
Năm 2019, Shopee đã đạt 1,2 tỷ đơn đặt hàng, đem về doanh thu 17,6 tỷ USD. Mức lỗ EBITDA trên mỗi đơn hàng được điều chỉnh giảm xuống 0,86 USD so với mức 1,42 USD của năm trước. Tuy nhiên, Shopee vẫn công bố mức lỗ EBITDA là 1 tỷ USD vào năm 2019.
Shopee đã đạt 1,2 tỷ đơn đặt hàng trong năm 2019, đem về doanh thu 17,6 tỷ USD.
Hiện nay, thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á đang chứng kiến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa 2 ông lớn là Shopee và Lazada với hậu thuẫn đằng sau là ông lớn Alibaba. Nhưng theo báo cáo của iPrice và SimilarWeb, năm 2020, Shopee trở thành sàn thương mại có lượng truy cập website trung bình cao nhất khu vực. Còn thống kê của App Annie cũng cho thấy Shopee là ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều thứ hai trên toàn cầu.
Đông Nam Á là một khu vực chứ không phải một thị trường riêng lẻ. Mỗi quốc gia đều có những đặc điểm và thách thức thương mại điện tử khác nhau. Ngoài ra, nhân khẩu học của người tiêu dùng cũng không hề giống nhau nhau giữa các thị trường. Với suy nghĩ này, Shopee thực hiện phương pháp tiếp cận siêu “bản địa hóa” ở mỗi thị trường để mang lại trải nghiệm mua sắm trực tuyến phù hợp nhất cho các thương hiệu, người bán và người mua sắm.
Bằng cách hiểu từng thị trường và hành vi của người dùng, Shopee có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Ngoài việc có các văn phòng và đội ngũ địa phương tại mỗi thị trường mà công ty hoạt động, Shopee luôn được bản địa hóa trong các danh mục sản phẩm và chiến dịch tiếp thị của mình. Ví dụ, tại Indonesia, công ty đã tung ra Shopee Barokah để đáp ứng nhu cầu của người dùng Hồi giáo đối với nhiều sản phẩm và dịch vụ tuân thủ Shariah, đặc biệt là trong tháng ăn chay.
Shopee cũng thực hiện các sáng kiến bản địa hóa xung quanh các lễ hội như Tết Nguyên Đán. Công ty cung cấp bảy phiên bản ứng dụng khác nhau và có nhiều tùy chọn thanh toán để phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng quốc gia.
“Hiện tượng” Shopee tại Việt Nam
Bản đồ thương mại điện tử quý III/2020 do iPrice Group công bố cho thấy Shopee tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu của mình trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam với mức tăng trưởng kỷ lục.
Theo đó, lượng truy cập website trung bình mỗi tháng của Shopee đạt 62,7 triệu lượt, tăng 19% so với quý trước đó và 81% so với cùng kỳ 2019. Đây tiếp tục là một kỷ lục mới của Shopee, vượt qua mức cao nhất từ trước đến nay của sàn thương mại điện tử này vào quý trước đó và vượt qua đỉnh cao mà Lazada lập được hồi quý IV/2017.
CEO Shopee Việt Nam - Trần Tuấn Anh
Theo thống kê của iPrice Group, Shopee đã đứng đầu về lượng truy cập suốt 9 quý liên tiếp, kể từ khi vượt mặt Lazada hồi quý III/2018.
Trong khi đó, các đối thủ như Tiki và Lazada dù lượng truy cập đã có dấu hiệu phục hồi lần lượt ở mức 22,6 và 20,2 triệu lượt, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn thấp, chỉ dưới 10% so với quý trước, từ đó nới rộng khoảng cách giữa Shopee với các nền tảng này.
Thậm chí, nếu tính gộp lượng truy cập website bình quân mỗi tháng của cả 3 sàn thương mại điện tử là Tiki, Lazada và Sendo mới chỉ đạt 56,8 triệu lượt, chỉ tương đương hơn 90% lượt truy cập của Shopee.
Báo cáo tài chính trong những năm đầu hoạt động tại Việt Nam cho thấy, Shopee dành đến 90% kinh phí marketing cho các chiến dịch khuyến mãi, miễn phí vận chuyển, flash sale và phiếu giảm giá cho cả người mua và người bán nhằm thu hút lượng đáng kể khách hàng đến từ các nền tảng khác nhau.
Mô hình C2C tại thời điểm đó đã giúp Shopee xây nên một mạng lưới khổng lồ, kết nối người mua và người bán mà không có bất kỳ mối lo nào về hàng tồn kho. Trái lại, Shopee còn tạo được hiệu ứng "truyền miệng" khi sở hữu "chợ" sản phẩm đa dạng với dịch vụ hậu cần, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, thúc đẩy làn sóng mua hàng online tăng lên chóng mặt.
Từ nền móng này, Shopee đã đưa các nhà cung cấp đầu ngành lên sàn thương mại điện tử khi kết hợp mô hình B2C, cạnh tranh trực tiếp với Lazada - "gã khổng lồ" thương mại điện tử vào thời điểm đó.
Một trong những ưu điểm chính khác của Shopee là tiếp cận với lượng khách hàng cực lớn; cách đăng ký bán hàng trên Shopee dễ dàng, nhanh chóng; quy trình bán hàng trên Shopee đơn giản; bán hàng trên Shopee hoàn toàn không mất phí hay % hoa hồng; shopee hỗ trợ phí vận chuyển cho các đơn hàng, chính sách vận chuyển cho nhà bán hàng cực ưu đãi, liên kết với các hãng vận chuyển lớn, thời gian giao hàng tương đối nhanh 1 – 4 ngày làm việc cho đơn hàng nội thành; có các chương trình khuyến mãi, trợ giá hấp dẫn cho nhà bán hàng; chính sách đổi trả dễ dàng và bảo vệ người bán; tương tác giữa khách hàng với người bán nhờ tính năng chat trực tiếp hay bình luận.
Tuy nhiên, Shopee vẫn còn một số hạn chế mà sàn thương mại điện tử này đã dần cải thiện trong thời gian qua như hàng giả, hàng nhái nhiều, tình trạng bán phá giá phổ biến khiến các nhà bán hàng gặp khó khăn. Phí ship cao với các đơn hàng không đủ điều kiện hỗ trợ phí ship. Ngoài ra, số lượng người kinh doanh trên Shopee lớn nên mức độ cạnh tranh khá cao.
Hiện nay, CEO của Shopee Việt Nam là ông Trần Tuấn Anh. Ông Tuấn Anh đảm nhận vị trí CEO Shopee từ năm 2017, khi trang thương mại điện tử này vừa đặt chân vào thị trường Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của ông, Shopee đã trở thành một trong ba trang thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam. Trước đó, ông Trần Tuấn Anh nổi tiếng với thành tích học tập khi tốt nghiệp xuất sắc trường Kinh doanh Foster, Đại học Washington (Mỹ), và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh từ trường Kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania (Mỹ).
Mỹ Tịch
Xem thêm: Nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19