Người lao động `3 tại chỗ` tại TP.HCM được hỗ trợ bữa ăn bao nhiêu tiền?

10:22 | 31/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đễ hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động giảm bớt khó khăn khi thực hiện “3 tại chỗ”. Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, đơn vị sẽ thực hiện hỗ trợ bữa ăn (1 triệu đồng/người) cho đoàn viên, người lao động.

Thủ tục nhận tiền hỗ trợ

Ngày 28/8, Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, đơn vị sẽ thực hiện hỗ trợ bữa ăn (1 triệu đồng/người) cho đoàn viên, người lao động của các doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Theo đó, đối tượng hỗ trợ là đoàn viên, người lao động thực hiện phương án "3 tại chỗ" đáp ứng điều kiện như:

Làm việc trong doanh nghiệp có đóng phí công đoàn liên tục 12 tháng kể từ tháng 03/2021 trở về trước; Thực hiện phương án “3 tại chỗ” kể từ ngày 24/8/2021.

Trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện phương án trước đó thì thời gian thực hiện còn lại của phương án phải tiếp tục ít nhất 10 ngày kể từ ngày 24/8/2021.

Người lao động `3 tại chỗ` tại TP.HCM được hỗ trợ bữa ăn bao nhiêu tiền? - ảnh 1

- Trường hợp doanh nghiệp có công đoàn cơ sở, hồ sơ gồm:

Công văn của Công đoàn cơ sở đề nghị Công đoàn cấp trên chi hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện phương án "3 tại chỗ", kèm danh sách đoàn viên, người lao động (có xác nhận của Lãnh đạo doanh nghiệp).

Biên bản họp Ban chấp hành Công đoàn cơ sở thống nhất việc thực hiện và đề nghị Công đoàn cấp trên chi hỗ trợ bữa ăn.

Văn bản của cấp có thẩm quyền về việc giãn cách địa phương, khu vực theo Chỉ thị 16.

Quyết định/Kế hoạch Phương án (có danh sách công nhân lao động) về việc thực hiện "3 tại chỗ" kèm văn bản xác nhận doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện phương án "3 tại chỗ".

- Trường hợp doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, hồ sơ gồm:

Công văn của doanh nghiệp đề nghị Công đoàn cấp trên chi hỗ trợ bữa ăn kèm danh sách đoàn viên, người lao động thực hiện phương án (có xác nhận của Lãnh đạo doanh nghiệp).

Văn bản của cấp có thẩm quyền về việc giãn cách địa phương, khu vực theo Chỉ thị 16.

Quyết định/Kế hoạch Phương án (có danh sách công nhân lao động) về việc thực hiện "3 tại chỗ" kèm văn bản xác nhận doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện phương án "3 tại chỗ".

Liên doàn Lao động TP.HCM lưu ý, nguồn kinh phí trên được dùng hỗ trợ để doanh nghiệp tổ chức bữa ăn, không hỗ trợ tiền trực tiếp cho người lao động. Kinh phí được trích từ nguồn tài chính tích lũy của công đoàn cấp trên cấp cho công đoàn cơ sở (hoặc cấp cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn).

Công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên sẽ thống nhất với người sử dụng lao động về phương thức tổ chức, khẩu phần bữa ăn và chuyển kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp để tổ chức bữa ăn theo chính sách chung của doanh nghiệp; đồng thời giám sát việc tổ chức bữa ăn và công khai tới người lao động.

Trả lời Báo Tin tức, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, đây là hoạt động thiết thực của tổ chức Công đoàn nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp theo phương án “3 tại chỗ”.

"Bữa ăn đảm bảo chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng sẽ góp phần nâng cao thể trạng, sức khỏe để người lao động làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp, hạn chế xảy ra tai nạn lao động và phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội khi phải ăn, ở và làm việc tại chỗ", ông Trung khẳng định.

Doanh nghiệp thực "3 tại chỗ" ở TP.HCM lại kêu khó

Báo Người Lao động dẫn lời ông  Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho hay, đa số doanh nghiệp lẫn người lao động đã rất mệt mỏi nhưng cố gắng cầm cự, đeo bám để giữ cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

"Đặc biệt, từ ngày 23/8 đến nay, doanh nghiệp không được phép áp dụng phương án thay thế cho 3 tại chỗ, cũng không được thay đổi tăng hoặc giảm số lao động vừa cách ly, vừa sản xuất và thực hiện nghiêm quy định ai ở đâu ở yên đó" - ông Nguyễn Văn Bé nêu thực trạng.

Những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp "3 tại chỗ" bị đình trệ hoạt động kết nối với bên ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu do thành phố siết chặt quy định về các đối tượng được di chuyển. Nhiều doanh nghiệp phản ánh xe giao nhận hàng hóa, xe cung cấp suất ăn công nghiệp, xe đưa rước công nhân không qua được các chốt kiểm soát vì không có thẻ đi đường (dù quy định mới nhất là chỉ cần xe có mã QR do Sở Giao thông Vận tải cấp).

Đặc biệt, bà Lê Bích Loan, Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho biết từ tuần trước đến nay, ban quản lý liên tục nhận tin nhắn, cuộc gọi của các doanh nghiệp trong khu thắc mắc về giấy đi đường hoặc hỏi "chừng nào được cấp giấy". Rất nhiều doanh nghiệp đến nay chưa được cấp giấy đi đường và mã QR cho xe vận chuyển hàng hóa.

"Chúng tôi đã liên hệ với các đầu mối cấp giấy đi đường là Công an TP.HCM và Công an địa phương nhưng chỉ nhận được phản hồi là "chưa có". Trong khi đó, các loại giấy này chậm cấp 1 ngày thì nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên giao hàng của các doanh nghiệp không được đi lại làm việc 1 ngày, doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc không xuất hàng hóa thành phẩm theo tiến độ được" - bà Loan phản ánh và nói thêm đã có trường hợp doanh nghiệp không thể giao hàng theo đúng tiến độ vì lý do này, đối diện với nguy cơ phải đền hợp đồng.

Trước thực trạng trên, các ban quản lý Khu chế xuất – Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao và HBA đã liên tục có văn bản kiến nghị Tổ Công tác đặc biệt về phòng chống dịch, UBND TP sớm có giải pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn thử thách gắn liền với sự tồn tại của doanh nghiệp.

Mỹ Tịch

Xem thêm: Bài 14: Luật sư Trương Anh Tú đề xuất 5 giải pháp "giải cứu" doanh nghiệp trong “bão dịch”