Nhân lực trong thời đại số: Làm sao để nâng cao hiệu quả?

17:01 | 09/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Một thực trạng đang hiện hữu là chất lượng nguồn lao động của Việt Nam chưa cao so với nhiều nước phát triển trong khu vực. Việc đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng lần thứ 4 chưa triển khai được nhi

Hiện nay, cả nước có gần 400 khu công nghiệp (KCN), thu hút hàng chục nghìn lao động đến làm việc. Trong giai đoạn 2016-2019, KCN, khu kinh tế nộp ngân sách trên 400.000 tỷ đồng. Tại một số địa phương, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chiếm khoảng trên 60% tổng thu Ngân sách nhà nước. Những con số này thực sự ấn tượng, cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể.

Nhân lực trong thời đại số: Làm sao để nâng cao hiệu quả? - ảnh 1


Mặc dù vậy, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một thực trạng đang hiện hữu là chất lượng nguồn lao động của Việt Nam chưa cao so với nhiều nước phát triển trong khu vực. Việc đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng lần thứ 4 chưa triển khai được nhiều. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn bất cập về ngành nghề, trình độ đào tạo, quy mô nhỏ…

Ông Phòng cho rằng, sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động như phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí hay trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được lao động vào làm việc. Đây cũng là “nỗi niềm” chung của các nhà đầu tư trước khi quyết định rót vốn đầu tư vào các KCN, khu kinh tế.

“Các KCN, khu kinh tế của Việt Nam đang để lộ điểm yếu về quản lý nhân lực, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường khi có vấn đề phát sinh. Việc quản lý nguồn nhân lực có ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô, tinh thần và năng suất lao động nên đây là một chuỗi các hoạt động liên tiếp, ảnh hưởng qua lại với nhau. Đặc biệt có hiện tượng có thể thu hút lao động ở KCN này sang khu công nghiệp khác, làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của các KCN, doanh nghiệp”, ông Phòng nói.

Về phía doanh nghiệp, bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại An, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Đại An (Hải Dương) cho hay, hiện nhiều quy định liên quan việc xây dựng KCN đã được đổi mới, Luật hoá song vẫn còn bất cập khó khăn. Chẳng hạn về nhà ở cho công nhân, việc xây dựng bị chi phối bởi Luật nhà ở khi xây dựng nhà ở trong KCN nhưng nhà ở cho công nhân còn phải bao gồm các thiết chế về y tế, khu hoạt động văn hoá… vì thế, đơn vị rất khó để kêu gọi nhà đầu tư KCN xây dựng nhà ở, chưa kể quy trình xây dựng nhà ở cho công nhân cũng còn bất cập. 

Ngoài ra, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, cần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động, để người lao động phải làm việc với năng suất chất lượng hiệu quả, có kỹ năng nghề, góp phần phát triển doanh nghiệp. Tất cả những yếu tố này cần được cùng nhau bồi dưỡng, phát triển trong tình hình mới.

Đồng thời, theo ông Tiến, các bên sử dụng lao động cũng phải hợp tác gắn kết, đối thoại và thương lượng thiện chí với nhau, nhằm thỏa mãn nhu cầu lợi ích của nhau, cùng xác định điểm cân bằng hợp lý trong điều kiện bối cảnh cụ thể. Từng đơn vị doanh nghiệp địa phương cùng nhau phát triển bền vững, mang lại sự thịnh vượng chung cho người lao động, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Mai Phương