Ngày 27/10/2020, tại Đại hội tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa lần thứ XIX, ông Đỗ Trọng Hưng đã được đại hội bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Nhân dịp này, Doanh nhân Việt Nam thực hiện chuyên đề nhìn lại một năm trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa để cung cấp cho độc giả cả nước góc nhìn khách quan về những việc đã làm được và cả những kì vọng gửi gắm vào Ban chấp hành khóa mới do ông Đỗ Trọng Hưng đứng đầu.

Khi phóng viên liên hệ đề nghị phỏng vấn về quan điểm cá nhân liên quan đến những việc làm được và chưa làm được của ông Đỗ Trọng Hưng trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa ban đầu đã từ chối. Bởi vì theo ông, nhận xét cá nhân về một con người là rất khó, nhất là người đó lại giữ một trọng trách đặc biệt, người đứng đầu Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa.

Ông cho rằng, một người có thể hôm nay là người hùng nhưng ngày mai có thể trở thành tội đồ, bởi thế, những nhận xét về một con người có thể đúng với hoàn cảnh hôm nay nhưng không còn đúng trong hoàn cảnh ngày mai. Câu chuyện về bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai là một ví dụ sinh động. Hơn nữa, trả lời phỏng vấn về một vị Bí thư Tỉnh ủy, khen quá mà không có cơ sở sẽ bị dư luận xem là nịnh, trong khi nói thẳng nói thật quá lại bị xem là thiếu tế nhị. Tuy nhiên, với sự thuyết phục kiên trì của phóng viên, ông đã dành cho Doanh nhân Việt Nam một cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở.

Nói về những thuận lợi, khó khăn khi nắm trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa của ông Hưng, ông Cuông cho rằng, thuận lợi lớn nhất của ông Hưng là một cán bộ được đào tạo bài bản. Ông Hưng có bằng tiến sĩ triết học, đã kinh qua nhiều vị trị trí quản lý khác nhau trong tổ chức Đảng. Từ một cán bộ địa phương, ông Hưng đã trưởng thành từ cơ sở, sau đó trở thành thư ký, trợ lý cho lãnh đạo Tỉnh ủy. Bản thân ông đã chứng tỏ được phẩm chất, năng lực của mình khi giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Nông Cống, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh. Vì thế, ông có nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi cái hay, gạn bỏ những cái dở, cái chưa hợp lý, hợp tình của các vị lãnh đạo Tỉnh ủy tiền bối. Khi được bầu giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy, ông Hưng là một cán bộ lãnh đạo trẻ, có nhiều hoài bão và khát vọng nhưng đã tích lũy được đầy đủ kinh nghiệm, độ chín về nhân cách, sự trưởng thành, vượt qua nhiều thử thách để đảm nhiệm vị trí cao nhất trong Ban chấp hành Đảng bộ Thanh Hóa.

Mặc dù vậy, một bất lợi đối với ông Hưng khi giữ trọng trách này đó là theo truyền thống địa phương, những đời Bí thư Tỉnh ủy trước đây đều đã kinh qua vị trí Chủ tịch HĐND hoặc Chủ tịch UBND tỉnh. Riêng đối với ông Hưng, ông chỉ có kinh nghiệm công tác trong tổ chức Đảng. Tiền nhiệm của ông Hưng, các ông Lê Văn Tu, Nguyễn Văn Lợi, Mai Văn Ninh, Trịnh Văn Chiến đều giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh trước khi đảm nhiệm vị trí Bí thư Tỉnh ủy. Trong khi đó, các ông Trịnh Trọng Quyền, Phạm Văn Tích đều đã kinh qua vị trí Chủ tịch HĐND tỉnh. Tuy nhiên, ông Cuông cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay thì việc này không thực sự quan trọng, bởi vì Bí thư Tỉnh ủy có đội ngũ chuyên gia, có thể tự tìm hiểu, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn thông qua việc tìm tòi, tự nghiên cứu và tư vấn của những người có chuyên môn, kinh nghiệm.

Nói về ưu điểm của ông Hưng, ông Lê Văn Cuông cho rằng, ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhiều người đã có thiện cảm. Bởi vì ông Hưng có vẻ ngoài tương đối thư sinh, trí thức, lịch lãm, ưa nhìn. Bên cạnh đó, vì đã từng giữ vị trí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nên ông là người có khẩu khí, ăn nói gẫy gọn, truyền cảm. Đó chính là yếu tố bề ngoài nhưng rất quan trọng trong việc tạo nên sự thu hút, vẻ uy nghi của một vị lãnh đạo cấp cao. Bởi vì cổ nhân từng nói, “làm quan có dạng, làm dáng có hình” chính là ở sự thu hút này.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất ở ông Hưng theo cách nhìn của ông Lê Văn Cuông chính là ở khả năng nêu gương. Bản thân ông luôn gương mẫu, thực hiện nghiêm các quy định Đảng viên không được làm, đau đáu, trăn trở với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Để làm được điều này không phải cứ “hô khẩu hiệu”, ra “nghị quyết” là xong. Nó đòi hỏi nhiều khả năng và phẩm chất chính trị đặc biệt. Việc đầu tiên là xây dựng một thể chế, hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng. Ông Hưng phân công đầy đủ trách nhiệm của các cá nhân trong thường vụ, xây dựng sự đoàn kết cao trong tổ chức Đảng. Việc này khiến cho chuyện “nhầm ghế”, lấn sân, chồng chéo trong công tác bị loại bỏ. Trong đó Bí thư Tỉnh ủy là người chịu trách nhiệm cao nhất, là người có tiếng nói quyết định cuối cùng. Cũng vì thế mà việc dân chủ, công khai, minh bạch được giải quyết rốt ráo.

Một ưu điểm của ông Hưng là ông bám rất sát vào Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ và Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Nhiều vị lãnh đạo trước đây ở địa phương, đại hội xong, “ấm chỗ” là cất Nghị quyết vào trong cặp, ít khi ngó ngàng tới. Riêng với cá nhân ông Hưng đã triển khai, thực hiện quyết liệt. Không chỉ quán triệt trong các hội nghị xong để cấp dưới triển khai còn bản thân mình đi chơi tennis, đánh golf, đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài kết hợp mua sắm, du lịch mà ông trực tiếp thực hiện, đôn đốc, xắn tay vào từng việc cụ thể. Đó là một phẩm chất chính trị không phải vị Bí thư Tỉnh ủy nào cũng có thể thực hiện được.

Đánh giá về tác phong của ông Hưng, ông Lê Văn Cuông cho rằng ông là người có đức khiêm nhường, giản dị, chân thành, biết lắng nghe. Đặc biệt ông Hưng rất quan tâm, cầu thị với các bậc “tiền bối”, lão thành. Nhiều người nhận xét việc ông quá khiêm nhường, đôi khi xưng “em’’, xưng “cháu” với các cán bộ tiền bối trước đây, chức vụ cũng “lèng phèng”, thấp hơn mình sẽ mất đi sự uy nghiêm của một vị Bí thư Tỉnh ủy. Tuy nhiên, ông Cuông cho rằng, đây là quan hệ cá nhân và không ảnh hưởng gì đến uy quyền của một vị Bí thư Tỉnh ủy.

Nói về những mong muốn, nguyện vọng cá nhân với Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm, ông Cuông cho rằng có 3 điều mà cá nhân ông tâm đắc, chờ đợi những quyết sách của ông Hưng.

Thứ nhất, với tư cách người đứng đầu Tỉnh ủy, ông Hưng phải giải bài toán: Làm sao để không một người dân Thanh Hóa nào bị bỏ lại phía sau. Để làm được việc này thì bên cạnh việc đầu tư vào các khu kinh tế, các khu công nghiệp trọng điểm, lãnh đạo tỉnh phải luôn quan tâm, đầu tư các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nếu như kinh tế phát triển lại tạo ra chênh lệch giàu nghèo lớn, tạo ra sự tương phản sâu sắc hơn giữa các khu vực đô thị và nông thôn thì sự phát triển ấy chưa toàn diện. Bởi suy cho cùng, phát triển kinh tế không phải là tạo ra những bản báo cáo hoành tráng, những con số tăng trưởng, thu ngân sách mà đích đến cuối cùng là nâng cao đời sống nhân dân.

Thứ hai là phải dẹp bỏ tâm lý “giàu thì ghét, nghèo thì khinh, quá thông minh thì không sử dụng”. Vì thế, phải tạo cơ chế cho hiền tài được sử dụng, tạo ra tâm lý lạc quan, kích thức người dân đầu tư vào khu vực sản xuất, kinh tế gia đình, hộ cá thể.

Thứ ba, phải làm sao đưa được quy định nêu gương đối với cán bộ chủ chốt vào nhiệm vụ chính trị của cán bộ lãnh đạo các cấp ủy. Bởi vì chỉ có nêu gương mới tạo ra được sự công khai, dân chủ, minh bạch, mới tạo được sự đoàn kết trong cấp ủy và sự đồng thuận trong đông đảo quần chúng nhân dân.

Nói về bối cảnh xã hội trong thời điểm ông Đỗ Trọng Hưng giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Đông Á cho rằng đó là giai đoạn đặc biệt khó khăn, nhất là đối với cộng cồng doanh nghiệp. Thời điểm ông Hưng nhận nhiệm vụ mới cũng là thời điểm trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung vừa xảy ra, trong đó Thanh Hóa cũng chịu những tổn thất nặng nề. Trong khi hậu quả của lũ lụt còn chưa kịp khắc phục thì đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ra những hậu quả khủng khiếp, nhiều hoạt động của xã hội, nhất là việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đóng băng, đình trệ.

Ngay từ khi mới nhận nhiệm vụ đứng đầu Đảng bộ tỉnh thì ông Đỗ Trọng Hưng đã gặp khó khăn bủa vây. Tuy nhiên, trong khó khăn cũng chính là cơ hội để tân Bí thư Tỉnh ủy thể hiện được bản lĩnh và phẩm chất chính trị đặc biệt của mình. Giữa khó khăn tưởng chừng không có lối thoát thì những quyết sách kịp thời của Chính phủ, của lãnh đạo tỉnh mà ông Hưng ở vai trò người đứng đầu đã mang đến những “tia sáng cuối đường hầm” cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ngay sau thời điểm nhậm chức, ông Hưng đã “xắn tay áo” đề ra những quyết sách, chương trình hành động cụ thể, thiết thực để khôi phục kinh tế, kích cầu, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ông Đoan cho rằng thế hệ lãnh đạo mới của tỉnh Thanh Hóa mà đứng đầu là ông Đỗ Trọng Hưng, ông Đỗ Minh Tuấn (Chủ tịch UBND tỉnh) là đội ngũ trẻ, đồng đều, có bản lĩnh và khát vọng, được đào tạo bài bản, trưởng thành từ cơ sở đã mang đến bầu không khí mới tươi sáng, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, niềm tin nơi doanh nghiệp. Đặc biệt, đồng chí Đỗ Trọng Hưng không chỉ được đào tạo bài bản trên giảng đường, có bằng Tiến sĩ Triết học, được thử thách qua nhiều vị trí công tác mà bản thân ông đã tham gia khóa đào tạo Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược do Trung ương Đảng tổ chức. Từ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn phong phú ấy đã tôi luyện lên bản lĩnh chính trị vững vàng, giúp ông Hưng đưa ra được những quyết sách đúng đắn, phù hợp hợp thực tiễn kinh tế, xã hội tỉnh nhà.Ấn tượng lớn nhất mà ông Đỗ Trọng Hưng tạo được là tạo ra sự đoàn kết lớn trong Ban thường vụ Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, cái hay của ông Hưng là “nói đi đôi với làm’, tất cả các Nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, HĐND không chỉ nằm trên giấy, mà được triển khai thành hành động cụ thể, mang lại những kết quả tích cực bước đầu.

Nói về những thành công của ông Đỗ Trọng Hưng trong một năm qua trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông Cao Tiến Đoan nhấn mạnh đến 3 yếu tố.

Thứ nhất là trên cương vị mới ông Hưng đã tổ chức đặc biệt thành công nhiệm vụ triển khai bầu cử quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, với tỉ lệ bầu cử cao nhất trong lịch sử. Đây là một thành công về mặt chính trị đặc biệt quan trọng bởi hội đồng nhân dân tổ chức suôn sẻ chính là thắng lợi thuộc về nhân dân.

Thứ hai, là trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch COVID-19 của tỉnh, ông Hưng đã tạo dựng được niềm tin lớn đối với nhân dân. Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông, nhiều đầu mối giao thương, nhiều bà con làm ăn xa xứ nhưng đã khống chế rất tốt sự lây lan của dịch bệnh. Hai lần dịch bùng phát trong cộng đồng là 2 lần đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp xuống hiện trường, điều tra, truy vết thần tốc. Những ổ dịch âm ỉ, bùng phát ở Nông Cống, Bệnh viện Hợp Lực hay mới đây là ở Bỉm Sơn tưởng như có thể “toang” bất cứ lúc nào nhưng Thanh Hóa đã khống chế, dập tắt triệt để một cách thần kì mà không phải địa phương nào cũng có thể làm được. Từ thành công đó, cuộc sống người dân được mở cửa trở lại, các doanh nghiệp có tiền đề vững chắc để thực hiện mục tiêu kép một cách an toàn. Thứ ba là ông Hưng đã thổi một luồng gió mới vào những trì trệ, nhất là trong khâu cải cách hành chính của các cơ quan ban ngành tỉnh Thanh Hóa. Cách làm của ông là triển khai từng bước, nhịp nhàng, không nóng vội, rất tình cảm, mềm mại nhưng lại mang đến hiệu quả cao. Đó là những quyết sách đặc biệt chỉ có ở những con người có phẩm chất chính trị đặc biệt. Bên cạnh đó việc Chính phủ, Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa chính là một “món quà” mà sau này, nếu ông Hưng có được tổ chức phân công nhiệm vụ khác cao hơn, thì thành công ấy luôn được nhân dân và đội ngũ doanh nghiệp tỉnh Thanh ghi nhận.

Khi nói về những ưu điểm nổi trội về phẩm chất lãnh đạo của cá nhân ông Hưng, ông Đoan nhấn mạnh ông Đỗ Trọng Hưng là người có đạo đức trong sáng, có tâm, và có đôi bàn tay sạch. Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, cả ông Hưng lẫn ông Đỗ Minh Tuấn được nhân dân ghi nhận có ’đôi bàn tay sạch’. Chính vì “bàn tay sạch” khiến các quyết định của ông không bị chi phối bởi bất kì yếu tố lợi ích nhóm nào. Ông Đoan nhận định “cái tâm là hồn cốt của đạo đức, nó giữ cho cá nhân đồng chí Đỗ Trọng Hưng luôn ra những quyết định sáng suốt, đặt lợi ích chung lên trên hết”. Chính vì cái tâm và bàn tay sạch, ông Hưng đã tập hợp được sự đoàn kết của Ban thường vụ Tỉnh ủy, có trên có dưới tạo nên một sức mạnh vô hình. Vì thế, tất cả các công việc Tỉnh ủy, UBND triển khai đều thông suốt, mạch lạc. “Bắt đầu nhiệm kì mới đầy sóng gió nhưng chỉ sau một năm trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông Đỗ Trọng Hưng đã làm được những điều mang tính đột phá, khai mở”, ông Đoan nhấn mạnh.

Nói thêm về phẩm chất cá nhân của ông Đỗ Trọng Hưng, ông Đoan nhận xét Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa là người nhân văn, thấu hiểu, biết lắng nghe tích cực. Chính vì “biết nghe”, nên ông Hưng gạn lọc được cái hay, cái mới để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Trao đổi với phóng viên về những kì vọng của cá nhân nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung về vị Bí thư Tỉnh ủy, ông Đoan nêu 3 vấn đề nổi bật.

Thứ nhất, ông mong rằng trong thời gian tới ông Hưng sẽ có những quyết sách chiến lược để kích cầu, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp trong tỉnh.

Thứ hai là ông Hưng trên cương vị người đứng đầu tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp, doanh nhân lớn có gốc gác là người Thanh Hóa về đầu tư, đóng góp, xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh, phát triển.

Thứ ba, lãnh đạo tỉnh tiếp tục đổi mới, cải cách thủ tục hành chính triệt để tạo sự thông thoáng để các doanh nghiệp, chủ đầu tư thuận lợi trong việc triển khai dự án, tránh tình trạng ‘trên nóng dưới lạnh’’, ‘’trên dải thảm, dưới dải đinh”…

Kết thúc buổi trao đổi, ông Đoan cho biết phát ngôn của ông Hưng mà ông tâm đắc nhất là câu nói “Đoàn kết để làm động lực, cùng nhau phát triển”. Ở đây, sự đoàn kết này trong câu nói của ông Hưng không chỉ tạo ra động lực mà còn cùng nhau hưởng thành quả của sự đổi mới. Cũng chính bởi niềm tin và tâm thế đó, chỉ trong 9 tháng đầu năm, mặc dù còn gặp vô vàn khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đã quyên góp hơn 105 tỉ ủng hộ quỹ Vì người nghèo và Quỹ Phòng chống COVID-19 của tỉnh nhà. Điều mà trước đây chưa có tiền lệ.

Tại buổi trò chuyện với phóng viên Doanh nhân Việt Nam, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hóa, cho rằng ông Đỗ Trọng Hưng là người sát việc, có tài đoàn kết và có sự thu hút. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông đã dành cho phóng viên Doanh nhân Việt nam một buổi trao đổi thẳng thắn, cởi mở.

Nhìn chung Ban thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khóa này có nhiều điểm nổi trội đặc biệt, có sự nhiệt huyết, thích ứng tốt.

Riêng đối với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng thì trong suốt 1 năm đảm nhiệm vị trí, lại đúng thời điểm đợt dịch bùng phát mạnh, nên chủ yếu tập trung vào chỉ đạo phòng chống COVID. Đây là nhiệm vụ cần thể hiện nhiều trí tuệ, nhiều sáng tạo mà không chỉ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá rất cao và cả nước nhìn nhận tích cực từ kết quả thực tế trong thời gian qua.

Ấn tượng đầu tiên, mà người dân hay doanh nghiệp đối với đồng chí Bí thư Thanh Hóa đó là bất kỳ khi nào xuất hiện một ca F0, thì bí thư là người trực tiếp chỉ đạo. Tôi ở trong ban chỉ đạo phòng chống COVID nên những cuộc chia sẻ với nhau, thấy được rằng mỗi khi xuất hiện F0 trong cộng đồng, để truy vết được F1, F2 như một cuộc đánh án. Trong khi đó, Trưởng ban chỉ đạo là đồng chí bí thư phải đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau, thậm chí hỏi xong rồi, nhưng về nhà suy nghĩ, lập luận lại, rồi yêu cầu các cơ chức năng phải làm rõ vấn đề.

Như trường hợp F0 lái xe ở Quảng Xương, đồng chí bí thư phải đặt ra các dữ liệu, dữ kiện vì thấy bất hợp lý, có thể các ngành khác khai báo là xong, không làm sâu sát đến cùng, nhưng đồng chí bí thư làm đến nơi, sau đó mới tìm ra việc F0 này khai báo không trung thực. Điều đó thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm cao độ để bảo vệ thành quả phát triển kinh tế của tỉnh và thể hiện năng lực lãnh đạo trong tư duy về đổi mới, có ngăn chặn được dịch thì mới phát triển được kinh tế xã hội nếu không thì “đóng băng” không bao giờ phát triển được.

Trong công việc tôi luôn thấy đồng chí ấy sát sao, tận tụy, điều đó thấy rất rõ như trong giao tiếp cởi mở, thân thiện, giải quyết các vấn đề rất nhẹ nhàng, chỉnh chu, uyển chuyển nên công việc thuận lợi, được lòng dân.

Thêm một ấn tượng nữa mà người dân và doanh nghiệp thấy được ở đồng chí bí thư và các đồng chí trong thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa là đã nêu cao được tinh thần đoàn kết, đoàn kết được đặt lên hàng đầu. Như Bác Hồ đã nói đoàn kết là sức mạnh, quan trọng có vận dụng được hay không thôi và thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa bây giờ đang làm được điều đó, phát huy tốt sẽ làm nên lịch sử cho Thanh Hóa, đó mới là tầm vóc, thể hiện sức mạnh.

Vấn đề quan trọng nữa là đối với Nghị quyết 58 phải tích lũy cả một quá trình, thế nhưng để thông qua được 8 cơ chế đặc thù, phải cần sự vận hành rất mạnh của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và đứng đầu là đồng chí bí thư. Quốc hội đã thông qua rồi, đó là một kết quả đáng ghi nhận, còn lại ở phía trước làm sao để thực hiện tốt. Khi họp tôi vẫn nói, Nghị quyết Đảng bộ thì tỉnh nào cũng có, mục tiêu rất rõ, nhưng đối với Thanh Hóa có Nghị quyết 58 khác hẳn so với các tỉnh, dù Thanh Hóa vẫn là một tỉnh nghèo nhưng đặt trong thế “chân kiềng” của tứ giác kinh tế khi phải so sánh với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh thì Thanh Hóa sẽ phải vất vả hơn. Nếu như muốn đạt được thành quả đó, cần có sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục giải quyết tốt những tồn tại, hạn chế, tiếp cận được vấn đề mới đúng với kỳ vọng của Nghị quyết 58, chứ vẫn bài cũ, sách cũ đều đều như thế không có gì đột phá, thì mục tiêu sẽ không hoàn thành. Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng đội ngũ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa bây giờ, đặc biệt là đồng chí bí thư.

Doanh nghiệp mong muốn về tư duy đổi mới, đột phá trong cải cách hành chính, cải cách thể chế, lề lối làm việc, để các doanh nghiệp đầu tư cảm thấy dễ dàng trong tiếp cận nguồn lực đầu tư, hoặc người dân đi giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, quyền lợi người dân để họ cảm thấy thuận lợi hơn. Chúng tôi đề nghị với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa phải có những giải pháp cụ thể. Mới đây, ngày 4/10, tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo kết luận giao cho VCCI hàng năm đánh giá năng lực cạnh tranh của các huyện, thị, sở ngành. 16 năm nay qua VCCI đánh giá năng lực cấp tỉnh rồi, nhưng đến năm nay tỉnh đã giao cho VCCI thực hiện thêm việc đó, trong buổi họp thường vụ, tôi có tham gia để bảo vệ đề án, bản thân tôi cảm nhận được sự đổi mới rất mạnh mẽ, sự khát khao về đổi mới cải cách hành chính của tỉnh, tôi rất mừng và sẽ cố gắng làm tốt trọng trách được giao.

VCCI sẽ thực hiện phát phiếu khảo sát, rồi chấm điểm các sở, ngành, huyện thị, sau đó công bố điểm, để tỉnh lấy căn cứ đánh giá năng lực người đứng đầu và xem xét lại vấn việc đề bạt, bổ nhiệm khen thưởng, khi tôi đảm nhiệm vị trí này đã làm đề án và sau 2 năm đã được tỉnh chấp thuận, đấy là sự đổi mới của lãnh đạo, chứ nếu lãnh đạo không đổi mới sẽ không để cho doanh nghiệp đánh giá các sở, ngành, huyện thị, vẫn sẽ dùng các mệnh lệnh hành chính, hay những bài cũ trước đây, nhưng đây rõ ràng làm bài mới.

Nói về Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, ông Phạm Văn Tích, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm CLB Hàm Rồng bày tỏ niềm tin và sự tin tưởng lớn. Trao đổi với phóng viên Doanh nhân Việt Nam, ông đã gửi gắm cho người “hậu bối” nhiều tâm huyết.

Một năm qua, sau Đại hội Đảng bộ của tỉnh, đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong đó có đồng chí Hưng được học hành, đào tạo bài bản và có khát vọng đưa tỉnh Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ, tôi rất ấn tượng với sự phát triển kinh tế xã hội của Thanh Hóa những năm gần đây, những chính sách thu hút đầu tư hợp lý đã giúp Thanh Hóa được nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn như VinGroup, FLC,... hay mới đây, thời điểm đồng chí Hưng đảm nhiệm có thêm SunGroup, T&T. Trước đó, các thời kỳ lãnh đạo có lọc hóa dầu Nghi Sơn, xi măng Nghi Sơn. Hai doanh nghiệp sữa lớn nhất cả nước hiện đều có mặt tại Thanh Hóa, ngoài ra các công ty của nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.... cũng lựa chọn đầu tư vào Thanh Hóa, đó là những tín hiệu rất đáng mừng. Điều đó thúc đẩy kinh tế tỉnh ta phát triển mạnh mẽ hơn.

Một thành công lớn nữa, Bộ Chính trị giao cho Ban Kinh tế Trung ương vào đây nghiên cứu và sau đó có Nghị quyết riêng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời Quốc Hội đang thảo luận cơ chế đặc thù cho các vùng, trong đó có Thanh Hóa, đó là thành quả của lãnh đạo các khóa trước đó, nhưng phải nói vai trò đóng góp của các lãnh đạo hiện nay, trong đó có đồng chí Đỗ Trọng Hưng là rất lớn.

Cả đồng chí Hưng và đồng chí Đỗ Minh Tuấn (Chủ tịch UBND tỉnh) đều có ý chí và khát vọng của lớp trẻ. Đồng chí Hưng đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, tập thể trong cấp ủy và trực tiếp là thường vụ, các cơ quan trong đó có ủy ban nhân dân, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị, như vậy công việc sau này sẽ thuận lợi. Thời gian 1 năm đảm nhiệm của đồng chí Hưng chưa phải là dài, còn rất nhiều việc phải làm, nhưng việc lớn nhất là phải giữ được đoàn kết trong Đảng, nhân dân và thực hiện chung một khát vọng đưa tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025 trở thành một tỉnh phát triển.

Mong rằng các đồng chí lãnh đạo khóa này ngoài tập trung phát triển, thu hút đầu tư các khu vực trọng điểm cũng cần quan tâm đến vùng sâu, vùng xa đang còn nhiều khó khăn. Đặc biệt trong thời điểm dịch dã khó khăn như hiện nay.

Tình hình dịch bệnh COVID – 19 năm 2020, 2021, tôi đánh giá cao công tác chỉ đạo phòng chống dịch của lãnh đạo tỉnh, mà đồng chí Hưng được giao trọng trách làm trưởng ban. Việc kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây lan trong cộng đồng thực hiện tốt, hiệu quả, ngoài ra đảm bảo các hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp, sắp xếp đón người dân phía nam trở về quê hương để họ được ổn định. Chứ không kiểm soát tốt, khống chế nguồn lây lan thì sẽ rất phức tạp vì Thanh Hóa không thể như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nguồn lực mình còn yếu.

Với cá nhân, tôi đánh giá đồng chí Hưng là một người tiêu biểu, xứng đáng đứng đầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Vị trí đứng đầu đó, tiêu biểu trên các mặt như quy tụ được sự đoàn kết trong cấp ủy, phát huy được chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, ví dụ như: Mặt trận tổ quốc làm gì, các sở ban ngành cần làm gì,...và bước đầu đã đạt hiệu quả tốt. Nguyện vọng của cá nhân tôi và các lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khóa trước mong muốn đồng chí Đỗ Trọng Hưng làm thế nào để có chiến lược xây dựng, phát triển doanh nghiệp của Thanh Hóa mạnh lên. Doanh nghiệp của mình thì nhiều nhưng chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Đồng thời phải đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư, nhắm đến các nhà đầu tư lớn, sản xuất các sản phẩm cao cấp.

Về đời sống, mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm lĩnh vực y tế, y tế được đầu tư trang thiết bị tốt hơn để phục vụ nhân dân trong tỉnh. Vấn đề nước sinh hoạt như thành phố Thanh Hóa, nếu có được nguồn nước từ Cửa Đạt cấp về sẽ tốt hơn. Tiếp đến là vấn đề môi trường mà cụ thể là rác thải, trong đó rác thải công nghiệp, rác thải y tế rất phức tạp, nếu không quan tâm đầu tư cái này chúng ta có thể “mất” Sầm Sơn đối với du khách nước ngoài, Sầm Sơn không xử lý tốt nguồn nước thải, khách quốc tế người ta sẽ không đến. 

Ông Phạm Văn Tích, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm CLB Hàm Rồng trả lời phỏng vấn phóng viên Doanh nhân Việt Nam

Tôi muốn nhắn gửi anh Hưng một câu thôi, hãy nắm bắt thời cơ, vận hội ngàn năm có một mà Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội đã mở ra để đoàn kết, triển khai thắng lợi, đưa tỉnh ta lên một vị thế, tầm cao mới.

 

Ông Đỗ Trọng Hưng sinh ngày 5 tháng 12 năm 1971 quê quán ở Xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá. Ông là cử nhân chính trị, tiến sĩ Triết học. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 27/6/1992.

Quá trình công tác của ông Đỗ Trọng Hưng:

Tháng 11/1992 đến 12/1993, ông là chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Xương, Thanh Hóa.

Tháng 1/1994 đến 8/1994, ông làm thư ký tổng hợp, Văn phòng Huyện ủy Quảng Xương.

Tháng 8/1994 đến 9/1999, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Quảng Xương.

Tháng 9/1999 đến 12/2001, Chuyên viên Văn phòng tổng hợp, Văn phòng Tỉnh ủy, Thư ký Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Tháng 1/2002 đến 12/2005, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Thư ký Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá.

Tháng 12/2005 đến 8/2006, Tỉnh ủy viên, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.

Tháng 8/2006 đến 4/2009, ông Hưng làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư Đảng uỷ Văn phòng Tỉnh uỷ, ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 5/2009 đến 8/2010, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nông Cống.

Tháng 8/2010 đến 10/2010, ông làm Phó trưởng Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Tháng 11/2010 đến 5/2015, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Tháng 5/2015 đến 7/2016, ông giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Tháng 7/2016 đến 10/2020, ông Đỗ Trọng Hưng làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội khóa XIV, thành viên ủy ban tài chính ngân sách của quốc hội khóa XIV, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá khoá XVII.

Chiều ngày 27 tháng 10 năm 2020, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX đã tín nhiệm bầu ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 với số phiếu tuyệt đối 65/65, đạt 100%.

Chiều ngày 06 tháng 12 năm 2020, tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII đã bầu ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016-2021 với số phiếu 100%.

Ngày 30 tháng 01 năm 2021, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Sáng ngày 28 tháng 6 năm 2021, tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã bầu ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, tái cử chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

 

 

Thực hiện: Nguyễn Thuấn – Song Khánh

Thiết kế: Hải An