Nhu cầu suy giảm, dự báo hoạt động kinh doanh của Nhựa Bình Minh gặp khó trong năm nay

Thùy Dương 13:59 | 19/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo cập nhật về CTCP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán: BMP) mới đây, nhóm phân tích của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chung nhận định 2023 sẽ là 1 năm 'ùn tắc' về nhu cầu nhựa trong và ngoài nước, theo đó kết quả kinh doanh của 'ông lớn' BMP dự báo nhiều khả năng đi lùi. Điểm sáng phục hồi về doanh thu dự báo từ giai đoạn 2024 - 2025.

Triển vọng lợi nhuận đi lùi trong năm 2023

Theo đó, VCSC duy trì dự báo doanh thu nhưng nâng dự báo lãi ròng của BMP thêm 8% lên 622 tỷ đồng nhờ nâng giả định biên lợi nhuận gộp 2023. Tuy nhiên, mức dự báo này vẫn tương đương giảm 10% so với mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, VCSC kỳ vọng BMP sẽ ghi nhận lợi suất cổ tức tiền mặt hấp dẫn trong 12 tháng tới là 13,3%, được hỗ trợ bởi nguồn tiền mặt dồi dào và dòng tiền mạnh của công ty.

 
 

Cũng với góc nhìn thận trọng, trong báo cáo tháng 4, các nhà phân tích BVSC duy trì dự báo doanh thu gần như đi ngang cho BMP trong năm nay (doanh thu thuần dự báo đạt 5.683 tỷ đồng, giảm 2,1%). Cùng đó, dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 của BMP giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước xuống 660,3 tỷ đồng. Đây là mức khá sát với mục tiêu của doanh nghiệp là 651 tỷ đồng (tương đương giảm 6,5% cùng kỳ 2022). 

Cho 2024, BVSC kỳ vọng doanh thu thuần của BMP tăng 5,9% đạt 6.020 tỷ đồng, sản lượng tăng trưởng 7% và lợi nhuận ròng tăng 6,8% lên 705,5 tỷ đồng. Năm 2025, dự báo lợi nhuận ròng của BMP tăng 5,6% lên 745,2 tỷ đồng, doanh thu thuần dự báo 6.322 tỷ đồng, tăng 5%.

 
 

Về phía công ty, trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 dự kiến diễn ra ngày 28/4 tới đây, BMP đặt kế hoạch lãi ròng năm 2023 là 651 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 105% dự báo hiện tại của VCSC. Các chuyên gia cho rằng chênh lệch giữa kế hoạch của BMP và dự báo của VCSC và BVSC là do công ty có quan điểm lạc quan hơn về nhu cầu trong năm 2023, song song với kỳ vọng sẽ giành được nhiều thị phần hơn bất chấp bối cảnh ngành xây dựng trong nước gặp nhiều thách thức. 

Bên cạnh kế hoạch lợi nhuận, BMP cũng dự kiến đầu tư 55 tỷ đồng trong năm 2023. Về định hướng trong tương lai, ban lãnh đạo tiếp tục khẳng định năng lực và vị trí dẫn đầu của công ty tại thị trường Việt Nam, kiên định với định hướng ưu tiên phát triển thị phần và vận dụng linh hoạt chính sách để nâng cao kết quả kinh doanh và phát triển thị phần; Tăng cường khả năng cạnh tranh chung thông qua việc đa dạng sản phẩm, mở rộng đối tượng khách hàng, ứng dụng các mô hình, công cụ quản trị tiên tiến kết hợp với việc đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại…

Động lực tăng trưởng trong dài hạn

PVC (Polyvinyl Chloride) là nguyên liệu chính tạo nên các sản phẩm ống nhựa của BMP. Theo báo cáo mới đây từ Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPAS) (ngày 12/4), các nhà kinh doanh cho biết đợt tăng mạnh gần đây của giá dầu thô đã làm dịu đi những dự đoán về giá PVC châu Á giảm trong tháng 5. 

Cụ thể, dữ liệu từ Chỉ số Giá của ChemOrbis cho thấy giá PVC K67 giảm khoảng 13-17% tại Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Quốc kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Giá FOB Trung Quốc cho loại nguyên liệu này cũng giảm 13% trong cùng giai đoạn.

(FOB (viết tắt của Free on Board hay Freight on Board) là điều kiện giao hàng miễn trách nhiệm của người bán khi hàng đã lên boong tàu. CIF (viết tắt của Cost, Insurance, Freight – tiền hàng, bảo hiểm, cước phí) là điều kiện giao hàng tại cảng xếp dỡ hàng.)

Giá nhập khẩu PVC K67 trong tuần kết thúc vào ngày 1/4 được ước tính giảm 20 USD/tấn so với tuần trước đó, xuống 820-860 USD/tấn CIF Trung Quốc; 10-30 USD/tấn, xuống 790-820 USD/tấn CIF Đông Nam Á và 30-40 USD/tấn, xuống 770-800 USD/tấn CIF Trung Quốc, tiền mặt. Ảnh: VPAS.

Mặc dù tâm lý chung vẫn suy yếu do nguồn cung PVC dồi dào trong khu vực, song đợt tăng giá dầu thô gần đây đã phần nào củng cố triển vọng thị trường.

Theo BVSC, dù giá PVC điều chỉnh mạnh, BMP vẫn duy trì giá bán ở mức cố định khi giá bán thường do các doanh nghiệp lớn trong nước quyết định (như BMP và NTP; khác với thép khi giá bán chịu ảnh hưởng bởi cung cầu quốc tế). Một số đợt tăng chiết khấu ngắn hạn có thể được các doanh nghiệp sản xuất ống nhựa áp dụng linh hoạt để hạn chế tình trạng nhu cầu suy giảm.

Bên cạnh đó, nhóm phân tích cho biết, giá hạt nhựa PVC duy trì ổn định từ tháng 9/2022, giao dịch trong biên độ hẹp từ 800-900 USD/tấn (tương đương mức trước dịch). Đây là mức giá thấp hơn lần lượt 42,5% và 31,5% so với giá trung bình trong nửa đầu 2022 và cả năm 2022, báo hiệu triển vọng mở rộng biên lãi của BMP, đặc biệt trong nửa đầu năm 2023, khi giá nguyên liệu đầu vào đang giảm nhanh hơn giá bán.

Còn theo BVSC, trong dài hạn, BMP vẫn duy trì vị thế hưởng lợi từ sự hợp nhất đang diễn ra của ngành, nơi mà các “ông lớn” với lợi thế tài chính và vận hành đang chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp nhỏ, và giành được thêm nhiều thị phần hơn. Đây là động lực gia tăng sản lượng cho công ty, chưa kể tới các khoản đầu tư công lớn hơn từ Chính phủ. 

Theo VPAS, trên khắp châu Á, sức mua của ngành nhựa bị hạn chế do lượng tồn kho tăng và đà phục hồi nhu cầu hạ nguồn yếu hơn dự kiến.

Một nhà sản xuất ở phía bắc Trung quốc cho biết: "Những người tham gia thị trường đang chờ báo giá hợp đồng tháng 5 của một nhà sản xuất Đài Loan lớn, với dự báo về một đợt giảm giá khác. Trong khi đó, nhu cầu ở Ấn Độ đã suy yếu, với lượng nhập khẩu giảm mạnh trong 6 tuần qua. Người mua Ấn Độ cũng có nguồn tồn kho nhiều và không sẵn sàng mua thêm các lô hàng giao ngay ở thời điểm hiện tại, trước khi mùa mưa bắt đầu.”