Những con giun thời tiền sử hồi sinh sau 42.000 năm bị đóng băng

12:35 | 02/08/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Các nhà khoa học đã làm hồi sinh những con giun bị đóng băng trong tầng đất băng giá vĩnh cửu của Nga sau gần 42.000 năm.
Những con giun thời tiền sử hồi sinh sau 42.000 năm bị đóng băng - ảnh 1
Giun tiền sử được hồi sinh. (Nguồn: euronews.com) 
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Doklady Biological Sciences số ra trong tháng Năm vừa qua. 
Những con giun này lấy từ hai mẫu được tìm thấy ở Siberia. Một mẫu có niên đại khoảng 32.000 năm được tìm thấy trong một lõi băng nằm sâu 30m dưới bề mặt của lớp đất đóng băng vĩnh cửu, trong khi mẫu còn lại được lấy từ một lớp đất đóng băng vĩnh cửu sâu 3,5m có niên đại 41.700 năm. 
Các nhà khoa học từ bốn trường đại học của Nga cộng tác với Đại học Princeton của Mỹ phân tích hơn 300 mẫu từ các lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực và phát hiện hai mẫu có chứa một số con giun vẫn còn trong tình trạng tốt. 
Những con giun này sau khi được lấy ra khỏi lớp đất đóng băng vĩnh cửu được đặt vào một chiếc đĩa và dần tan băng rồi sau đó được giữ ở nhiệt độ 20 độ C. Chúng bắt đầu có dấu hiệu của sự sống như cử động và ăn sau vài tuần. 
Những con giun này - bị đóng băng vào thời điểm phần lớn Trái Đất bị băng bao phủ, đã trở thành những sinh vật còn sống già nhất được biết đến trên hành tinh. 
Các nhà khoa học cho rằng cơ chế thích nghi của giun cũng có thể có ý nghĩa về mặt khoa học và thực tế cho những lĩnh vực như sinh vật học vũ trụ, cụ thể là tìm kiếm cuộc sống ngoài Trái Đất, cũng như y học nhiệt độ thấp và sinh học nhiệt độ thấp - những lĩnh vực nghiên cứu tác động của nhiệt độ rất thấp đối với sự sống./. 
Theo TTXVN