Những điều nên và không nên khi tạo dựng thương hiệu
Hình ảnh thương hiệu có thể cho người khác biết về việc kinh doanh của bạn, bao gồm cả việc định giá các giá trị, phong cách và sứ mệnh của công ty. Hình ảnh thương hiệu cũng có thể trở thành công cụ đắc lực nhất trong việc kết nối doanh nghiệp với khách hàng.
Theo lẽ đó, một thương hiệu có hình ảnh kém sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh. Để công ty có thể phát triển và kết nối đúng cách với khách hàng, bạn cần lưu ý những điều nên và không nên dưới đây:
Hãy trở nên thống nhất
Từng yếu tố tạo nên hình ảnh thương hiệu cần đem lại cảm giác thống nhất và có ý nghĩa.
Nadeena, nhiếp ảnh gia và nhà sáng tạo nội dung cho Art & Anthem, người hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tạo dựng hình ảnh thương hiệu, cho biết: "Sự nhất quán là một phần rất quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu”.
Việc thống nhất không chỉ giúp các khách hàng nhận ra bạn, mà còn cho phép họ kết nối tới thương hiệu của bạn và xây dựng một mối quan hệ. Khi các khách hàng quan tâm đến thương hiệu của bạn thì mối quan hệ này chính là chìa khóa để có được lòng tin của họ.
Trái lại, một hình ảnh thương hiệu không nhất quán có thể làm khách hàng có cảm giác rằng công ty của bạn không đáng tín cậy, không chính thống.
Nadeena nhận xét: “Điều tồi tệ hơn cả việc có một thương hiệu yếu kém, không tạo được ấn tượng gì, chính là có điều gì đó khiến các khách hàng tiềm năng của bạn nghĩ rằng bạn là một kẻ lừa đảo”.
Đừng chỉ dừng lại ở logo
Rất nhiều doanh nghiệp mới dành ra rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để yêu cầu có được một logo hoàn hảo. Trong khi điều đó lại không phải là là thứ quan trọng duy nhất tạo nên hình ảnh thương hiệu. Khi xem xét các yếu tố tạo nên hình ảnh thương hiệu, bạn nên cân nhắc thêm các yếu tố khác ngoài việc chỉ nghĩ về logo.
Nadeena phân tích: “Tôi nghĩ thậm chí các nhà thiết kế cũng gặp phải vấn đề này khi chỉ dừng lại ở việc thiết kế logo, bởi vì các doanh nhân có thể không hoàn toàn hiểu được thương hiệu là gì và làm sao chúng là nền tảng để xây dựng mọi thứ khác”.
Ngoài logo, bạn hãy cân nhắc đến hình ảnh của nhân viên, hình ảnh của sản phẩm, hình ảnh quảng cáo và cả các hình ảnh trên các phương tiện truyền thông xã hội đại diện cho thương hiệu của bạn. Tất cả các phần tử này cùng nhau tạo nên một hình ảnh ấn tượng và truyền đạt thương hiệu của công ty tới các khách hàng.
Hiểu thị trường mục tiêu của bạn
Hình ảnh thương hiệu tác động tới cả cảm giác và sự thấu hiểu của khách hàng đối với công ty. Nhưng bạn chưa thể biết khách hàng sẽ phản ứng lại với hình ảnh thương hiệu của bạn như thế nào cho tới khi bạn biết họ là những ai. Đó là lý do tại sao Nadeena nói với các khách hàng của cô rằng phần quan trọng nhất trong việc tạo dựng hình ảnh thương hiệu chính là việc hiểu được thị trường mục tiêu.
Nadeena phân tích: “Các khách hàng không còn đơn giản chỉ là chọn mua những thứ họ không cần. Có rất nhiều lựa chọn. Họ có thể tìm kiếm và thường sẽ chọn thương hiệu gần gũi với họ nhất, thương hiệu mà họ mong muốn trở thành”.
Một khi đã biết các khách hàng của bạn là những ai và họ muốn thấy gì ở chính bản thân họ, bạn có thể tạo dựng và dùng hình ảnh đó để thu hút những mong muốn của họ. Điều này sẽ giúp tăng cơ hội bạn được khách hàng lựa chọn.
Hãy suy nghĩ về cảm xúc
Bạn muốn thu hút đối tượng nào? Bạn muốn khách hàng nghĩ và cảm nhận thế nào nếu họ nhìn thấy hình ảnh thương hiệu của bạn?
Nadeena khuyên bạn nên tự hỏi những câu hỏi như vậy khi phát triển bất kỳ yếu tố nào cho thương hiệu, những câu hỏi như vậy đặc biệt quan trọng khi tạo dựng hình ảnh về công ty.
Những bức ảnh, các yếu tố thiết kế và cả các hình ảnh mô tả đều là những công cụ mạnh mẽ để tạo dựng hình ảnh thương hiệu, bởi vì chúng tạo ra kích thích mạnh tới các phản hồi mang tính cảm xúc. Hình ảnh, nhanh và đơn giản hơn từ ngữ, tác động trực tiếp khiến khách hàng hiểu thương hiệu của bạn có phù hợp với họ hay không.
“Với các hình ảnh, mọi người nhận ra ngay lập tức rằng đúng, đây là thứ tôi cần, hoặc không, không phải là điều tôi muốn”, Nadeena phân tích.
Hình ảnh thương hiệu của bạn nên được thiết kế để tạo ra một phản hồi mang tính cảm xúc rằng nó đem lại cho các khách hàng mục tiệu của bạn cảm giác tin tưởng và giúp xác định công ty bạn. Điều này sẽ tăng sự đồng ý của khách hàng trong việc mua sản phẩm từ công ty bạn.
Đừng đặt hình ảnh lên trước thương hiệu
Cần có thời gian để phát triển một hình ảnh thương hiệu giúp quảng bá cho doanh nghiệp của bạn. Và nếu bạn chịu cố gắng thử nghiệm và khám phá xem khách hàng sẽ phản hồi những gì, thì rồi bạn sẽ có được một công thức đáng giá.
Theo Nadeena, sai lầm lớn nhất mà mọi người mắc phải là cố để tạo dựng những yếu tố mang tính hình ảnh hơn là thấu hiểu về những gì họ cần để kết nối. Cô nói: “Nếu bạn làm điều này, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ thay đổi thương hiệu trong sáu tháng tới khi bạn đã hiểu rõ về những người bạn muốn phục vụ và về thứ mà thương hiệu của bạn muốn thể hiện”.
Thay vì bắt đầu với những bức ảnh hoặc những bản thiết kế mà bạn thích, hãy dành thời gian để thấu hiểu về thương hiệu của bạn và cả về các khách hàng. Điều này sẽ liên quan tới các yếu tố hình ảnh mà bạn chọn và định hướng các nỗ lực của bạn để tiếp cận được các khách hàng mong muốn.
Miễn là bạn hiểu được thương hiệu của mình, các cố gắng thay đổi hình ảnh hay các thiết kế khác cuối cùng sẽ tạo ra các kết nối với khách hàng.
Hãy coi hình ảnh thương hiệu là một phần trong chiến lược tiếp thị
Mặc dù rất nhiều công ty coi các yếu tố hình ảnh, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông, là công cụ hữu hiệu để quảng bá hình ảnh, họ cũng đều cần cân nhắc tới từng phần của chiến lược tiếp thị.
Nadeena cho biết, giống như bất kỳ hình thức tiếp thị nào, một hình ảnh thương hiệu tốt sẽ “kéo theo sự tin tưởng và gia tăng sự trung thành – một sự đầu tư dài hạn để tăng doanh số bán hàng".
Những yếu tố tiếp thị đúng đắn sẽ tác động đến nhận thức của khách hàng về thương hiệu của bạn và thuyết phục họ thực hiện mua hàng theo cách mà các bưu thiếp, các tạp chí hoặc các trang web đang làm.
Khi biết kết hợp hình ảnh thương hiệu với phần còn lại của chiến lược kinh doanh, bạn sẽ tạo ra một lời nhắn gửi thống nhất đến thị trường mục tiêu của bạn.
Phạm Phong (theo Business News Daily)