Những vấn đề pháp lý trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Phát biểu tại chương trình hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay: Hội thảo là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đầy đủ về những cơ hội, thách thức của cuộc CMCN 4.0 đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng bày tỏ trăn trở trước những ý kiến cho rằng các doanh nghiệp công nghệ, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam hoàn toàn có thực lực và sức mạnh để cạnh tranh trong nền kinh tế mới nhưng chưa dám dấn thân sáng tạo hết mình, chưa dám chạy hết tốc độ do thiếu hành lang và những bảo đảm an toàn pháp lý cần thiết hoặc do những hạn chế, bất cập trong chính sách quản lý hoặc trong pháp luật hiện hành.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban chiến lược, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cho rằng: Để phát triển CMCN 4.0 thì hạ tầng số đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng của pháp luật hiện hành về hạ tầng số hiện nay ở Việt Nam mới dừng ở mức độ xây dựng và ban hành một số luật, nghị định, thông tư tạo môi trường pháp lý thuận lợi, quy chuẩn cho việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng CPĐT.
Do đó, vẫn còn nhiều hạn chế bất cập như: Pháp luật về hạ tầng số thiếu khung pháp lý và các cơ chế, chính sách nền tảng để phát triển CPĐT; Thiếu một số cơ chế chính sách nền tảng để phát triển hạ tầng số tương xứng với yêu cầu của CMCN lần thứ 4; Thiếu các thiết chế và quy trình về giải quyết công việc trên nền tảng CPĐT tại các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ công; Đồng thời, vẫn thiếu cơ sở pháp lý về xác thực cá nhân, tổ chức, chứng thư số cho các giao dịch trên môi trường mạng, đặc biệt là cung cấp dịch vụ hành chính công, các dịch vụ do ngân hàng ủy thác, trung gian thanh toán; Thiếu các quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, thanh toán.
Từ đó, đại diện Viettel đưa ra kiến nghị: Đầu tiên Nhà nước cần thiết lập và tăng cường các thể chế, chính sách nền tảng cho CPĐT, Chính phủ số. Điều cần thiết là phải ban hành các quy định pháp luật liên quan đến chia sẻ dữ liệu và thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, xác thực điện tử, chữ ký số…
Ngoài ra, hiện một số tổ chức dịch vụ trung gian thanh toán đã bắt đầu triển khai nghiên cứu áp dụng dữ liệu lớn (big data) vào hoạt động của mình. Tuy nhiên, việc xây dựng dữ liệu quốc gia mới chỉ dừng lại ở một số bộ, ngành lớn mà chưa chú trọng đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ các ngành viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng… Do đó cần có hành lang pháp lý quy định về việc ứng dụng về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của tất cả các ngành, lĩnh vực và kết nối thông tin với nhau nhằm khai thác một cách hiệu quả.
Cần có hành lang pháp lý về việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý của các cơ quan hanh chính nhà nước, doanh nghiệp. Đặc biệt cần đẩy mạnh ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin trong xây dựng CPĐT, dữ liệu khách hàng trung gian thanh toán, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 như Điện toán đám mây, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, các ứn dụng….