Petrolimex điều chỉnh phương án thoái vốn toàn bộ tại BMF
HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) vừa ra nghị quyết về việc điều chỉnh phương án thoái vốn đầu tư của Tập đoàn tại Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng và Chất đốt Đồng Nai (Công ty BMF, mã chứng khoán BMF).
Cụ thể, HĐQT phê duyệt điều chỉnh phương án thoái vốn đầu tư của Tập đoàn tại Công ty BMF theo phương thức khớp lệnh trên sàn chứng khoán UpCom. Theo đó, Petrolimex sẽ thoái toàn bộ 443.500 cổ phiếu BMF (chiếm 10,66% số lượng cổ phiếu BMF đang lưu hành) do Tập đoàn sở hữu vào thời điểm hiện tại. Mức giá khớp lệnh không thấp hơn giá trị được xác định bởi tổ chức thẩm định giá độc lập. Thời gian thực hiện là trong năm 2023.
Trước đó, hồi cuối tháng 1/2023, Petrolimex có thông báo về việc chào bán toàn bộ 443.500 cổ phiếu BMF thông qua đấu giá công khai với giá chào bán khởi điểm 40.900 đồng/cổ phiếu tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào ngày 8/3/2023.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 3 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ra thông báo không tổ chức phiên đấu giá cổ phần của CTCP Vật liệu xây dựng và Chất đốt Đồng Nai do Petrolimex sở hữu vào ngày 8/3/2023 do kết thúc thời hạn đăng ký và đặt cọc nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu giá. Căn cứ theo Điều 14 Quy chế bán đấu giá cổ phần kèm Quyết định số 8/QĐ-SGDHN, phiên đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch cuối tuần trước vào ngày 30/6, cổ phiếu BMF giảm 0,55% và đóng cửa giao dịch ở mức 53.900 đồng/cổ phiếu. Trước đó, ông Nguyễn Hoàng Linh-Giám đốc CTCP Vật liệu Xây dựng và Chất đốt Đồng Nai đã có công văn giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội do cổ phiếu BMF tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 21-27/6. Tính chung 6 tháng qua, thị giá BMF đã tăng 60,9%; trong đó giá đóng cửa cao nhất là 60.800 đồng/cổ phiếu (ngày 28/6) và giá đóng cửa thấp nhất là 22.000 đồng/cổ phiếu (ngày 7/6).
Thực hiện Chiến lược tái cấu trúc, thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025 đã được phê duyệt, Petrolimex đã thoái vốn toàn bộ và thành công khỏi PG Bank vào ngày 7/4 vừa qua.
Petrolimex sẽ đảm bảo nắm quyền sở hữu chi phối trong giai đoạn 2021 - 2025 với các công ty thành viên. Theo đó, Petrolimex sẽ tiếp tục nắm giữ tỷ lệ sở hữu 100% với 43 công ty trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trực thuộc; giữ tỷ lệ 100% sở hữu tại Công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore. Riêng Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào sẽ có lộ trình thoái vốn trực tiếp hoặc gián tiếp 100% cổ phần.
Đối với các công ty thuộc ngành nghề kinh doanh có liên quan phục vụ trực tiếp ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và ngành nghề kinh doanh khác, Tập đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và xây dựng các phương án tái cơ cấu cụ thể, phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh thực tiễn và điều kiện phát triển của Tập đoàn để đáp ứng sự thay đổi của nền kinh tế.
Đối với các công ty thuộc ngành nghề kinh doanh phục vụ trực tiếp mảng xăng dầu, Petrolimex sẽ tiếp tục nắm giữ tỷ lệ trên 50% với Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (mã chứng khoán PLC), Tổng công ty Gas Petrolimex (mã chứng khoán PGC), CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex, Công ty TNHH Liên doanh kho ngoại quan Vân Phong. Ngoài ra, Tập đoàn sẽ giữ tỷ lệ sở hữu 35% tại Công ty TNHH BP Petco.
Riêng các công ty thuộc ngành nghề khác, Petrolimex dự kiến thoái 100% vốn tại Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex và duy trì nắm giữ 40,95% tỷ lệ sở hữu tại Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (mã chứng khoán PGI)./.