Quân đội Myanmar chỉ định 11 quan chức mới sau khi loại bỏ 24 bộ trưởng và thứ trưởng

08:44 | 02/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
11 quan chức mới của quân đội Myanmar nhằm thay thế một phần nội các dân sự dưới quyền tổng thống bị bắt giữ, sau khi 24 bộ trưởng và thứ trưởng của chính quyền dân sự đã bị loại bỏ.
Thông tin mới nhất liên quan đến cuộc 'chính biến ở Myanmar', theo báo The Straits Times đưa tin, quân đội nước này đã chỉ định 11 quan chức mới nhằm thay thế một phần nội các dân sự dưới quyền tổng thống bị bắt giữ - ông Win Myint.
 
Được biết, 11 người mới được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo các bộ gồm Tài chính, Y tế, Thông tin, Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ, Truyền thông và Biên phòng sau khi 24 bộ trưởng và thứ trưởng của chính quyền dân sự đã bị cách chức. 
 
Cụ thể, theo thông báo được phát đi vào tối 1/2 trên truyền hình Myawaddy TV do quân đội Myanmar quản lý, chính quyền quân sự nước này đã loại 24 bộ trưởng và thứ trưởng của chính quyền dân sự để thay thế bằng 11 người mới.
 
Quân đội Myanmar chỉ định 11 cán bộ cấp cao
Ông Myint Swe gặp các tướng lĩnh cấp cao của quân đội Myanmar ngày 1/2. Ảnh: Sky News
 
Động thái này được đưa ra chỉ sau vài giờ khi quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm trên toàn lãnh thổ đất nước, đồng thời chỉ định Phó Tổng thống Myint Swe trở thành quyền Tổng thống Myanmar. 
 
Trong sáng sớm 1/2, quân đội Myanmar đã bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Liên quan đến vụ việc, Reuters dẫn lời đài truyền hình quân đội Myanmar thông tin, việc bắt giữ này là biện pháp phản ứng trước gian lận bầu cử xảy ra vào tháng 11/2020.

Theo quân đội Myanmar, việc ban bố tình trạng khẩn cấp là cần thiết để duy trì ổn định ở nước này, đồng thời tuyên bố sẽ tiến hành tổ chức "một cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng" sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.
 
Cuộc chính biến ở Myanmar được nhiều quốc gia quan tâm. Nhiều nước đã lên tiếng phản đối động thái này, sớm nhất là Mỹ và Úc. 

Tiểu Long