Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand: Điểm nhấn tuyên bố chung và 4 văn kiện hợp tác
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Jacinda Ardern tin tưởng khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand vừa được chính thức tuyên bố nâng cấp tại Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam-New Zealand ngày 22/7 sẽ tạo xung lực thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng của khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương.
Cũng nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-New Zealand và công bố 4 văn kiện hợp tác được ký kết.
Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand nhấn mạnh: Hai nước cam kết tăng cường hơn nữa các mối liên kết song phương, tập trung vào các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, giáo dục, phát triển và hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm, cũng như các sáng kiến có ý nghĩa khác được nêu trong Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược do hai bên phối hợp xây dựng trong vòng 12 tháng tới.
Trong đó, thương mại và đầu tư là thành tố then chốt của quan hệ Đối tác chiến lược vì lợi ích trực tiếp của người dân và doanh nghiệp hai nước. Kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều tăng lên mức kỷ lục 1,3 tỷ USD trong vòng 1 năm từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020.
Nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa hai nước, hai bên cam kết triển khai các biện pháp đơn phương và song phương để mở cửa thị trường và giảm rào cản thương mại hai chiều, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, hải sản và sản phẩm gỗ thông qua tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, thuận lợi hóa thương mại, trao đổi thông tin và hợp tác giữa các cơ quan hải quan, nông nghiệp, an toàn thực phẩm và thú y.
Để thúc đẩy đầu tư hai chiều và khuyến khích tăng trưởng bao trùm, Việt Nam-New Zealand sẽ đẩy mạnh hợp tác phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), doanh nghiệp bản địa hoặc của người dân tộc thiểu số, doanh nhân nữ và các lĩnh vực quan trọng khác.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa hợp tác nông nghiệp song phương, bao gồm các hoạt động nghiên cứu chung, hợp tác và hành động về biến đổi khí hậu trong nông nghiệp và lâm nghiệp, công nghệ nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật về công nhận phòng thí nghiệm sức khỏe cây trồng, nhân giống cây trồng, chứng nhận điện tử và quản lý an toàn thực phẩm, thương mại gỗ hợp pháp, và thương mại hoá nông sản. Hai bên sẽ bắt đầu triển khai cơ chế Đối thoại Nông nghiệp định kỳ.