Quản trị doanh nghiệp theo góc nhìn của những nữ doanh nhân tự tin, xinh đẹp
Phụ nữ kinh doanh giỏi nhờ đức tính thiên bẩm
Trẻ trung, xinh đẹp và năng động, doanh nhân Phan Thị Thắm khẳng định: Phụ nữ hoàn toàn có thể kinh doanh giỏi và thậm chí có thể là một nhà quản trị doanh nghiệp giỏi.
Doanh nhân Phan Thị Thắm tâm niệm, phụ nữ phải là một người vợ, một người mẹ, một người con chu toàn trong gia đình nhưng cũng rất cần tự chủ, không nên sống phụ thuộc vào chồng, cố gắng làm tốt công việc mình yêu thích, biết cách thư giãn nghỉ ngơi.
“Nếu so với đàn ông, phụ nữ làm kinh doanh vất vả hơn nhiều thì mới “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Đảm việc nhà thời nay không còn có nghĩa là lau nhà, rửa chén, giặt đồ… mà theo tôi là cùng chồng xây dựng một gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học hành thành đạt, gia đình đủ đầy. Vì vậy, tôi luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh và cả nhiệm vụ xây dựng một gia đình hạnh phúc”, doanh nhân Thắm chia sẻ.
“Theo như dự đoán của thế giới, kế toán là một nghề có thể bị mất đi trong thời đại công nghệ 4.0. Như vậy, nghề kế toán sẽ có thể được gọi là nghề “phân tích dữ liệu” và thực hiện quản trị doanh nghiệp thông qua các con số, gắn liền với sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn. Quản trị cái khác còn có thể cho phép có độ “phiêu” nhưng quản trị số liệu là một môn khoa học và luôn cần sự chính xác. Chính vì thế, người nào có tính “động” thì khó có thể ngồi hàng giờ để “ngắm” và phân tích các con số được. Và may mắn thay, đó chính là đức tính thiên bẩm của phái nữ”, doanh nhân Hướng Dương nói với vẻ đầy tự hào về giới mình.
Cũng theo doanh nhân Hướng Dương, nghề kế toán thường cần giác quan về sự “thu vén”. Trong một công ty, nhà quản trị về tài chính bản chất là biết thu vén tiền nong cho công ty. Đó cũng chính là bản năng của người phụ nữ trong gia đình. Và nghề này thường có tính ổn định, phù hợp với mong muốn của chị em và đặc biệt phù hợp với sự nhẹ nhàng, khéo léo của người phụ nữ.
Phải giỏi về chuyên môn, kiên trì và quyết tâm với nghề
Chia sẻ về yếu tố tạo nên sự thành công của mình, doanh nhân Thắm tâm đắc nhất câu “Trên con đường đi đến thành công không có dấu chân của kẻ lường biếng”. Đây chính là động lực để chị luôn cố gắng và đạt được thành quả như ngày hôm nay. Một mình trên hai vai Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc của hai công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực như quản lý và khai thác chợ, khu vui chơi giải trí, đại lý vé máy bay tại Di Linh (Lâm Đồng), chị đã phải nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua những khó khăn, thử thách.
Mỗi lần ngồi nghĩ lại, chị mỉm cười hạnh phúc, thậm chí, chị khâm phục chính bản thân mình. Kinh doanh không phải là một công việc đơn giản, nhất là đối với người phụ nữ có gia đình và con nhỏ như chị. Do đặc thù công việc nên chị thường xuyên công tác xa nhà, xa chồng, xa con, đây có lẽ là khó khăn lớn nhất mà các nữ doanh nhân phải vượt qua. Sự di chuyển thường xuyên trên nhiều tỉnh thành đòi hỏi sức khỏe hơn những gì họ đang có.
“Từ ngày làm kinh doanh, tôi không còn được sinh hoạt theo ý mình. Tôi buộc phải tập thói quen thích nghi với bất cứ điều kiện sinh hoạt nào, bất cứ điều kiện thời tiết nào. Tôi còn nhớ như in những ngày đầu thực hiện dự án, trong đó có việc di dời chợ Di Linh. Việc giải tỏa mặt bằng luôn là giai đoạn khó khăn nhất của các dự án. Đó là quãng thời gian khó khăn chồng chất khó khăn, tôi thậm chí đã có những ngày khủng hoảng tinh thần vì bị dọa dẫm, chửi bới. Nhiều khi, tôi tưởng chừng mình đã không thể vượt qua mà bỏ cuộc. Tôi cũng đã từng thất bại nhiều lần. Để đạt được thành công, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để không ngừng củng cố kiến thức, xây dựng kỹ năng, cập nhật xu thế”, chị Thắm tâm sự.
Theo doanh nhân Thắm, đứng trước muôn vàn khó khăn, các bạn trẻ khởi nghiệp cần xác định rõ đam mê, nhiệt huyết và chuẩn bị vững vàng về kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho ngành nghề mà mình lựa chọn.
Đồng quan điểm này, doanh nhân Hướng Dương cho rằng, để giải quyết khối lượng công việc rất nhiều của lĩnh vực tài chính-kế toán, nữ doanh nhân phải có sức khoẻ, đồng thời, phải hiểu và song hành với mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Không được phép vì sự cẩn thận rất cần thiết phải có của nghề mà làm chậm lại tốc độ kinh doanh của các bộ phận khác.
“Làm “kế toán” khác với làm “quản trị Tài chính - kế toán” trong doanh nghiệp. Bởi vậy, bắt tay vào nghề kế toán, các bạn trẻ phải có một lượng kiến thức và kinh nghiệm thực tế nhất định. Bạn nào muốn theo nghề này thì nên có kế hoạch bổ sung kiến thức thực tế của mình liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, kế toán, quản trị doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ, nhân sự…”, doanh nhân Hướng Dương đưa ra lời khuyên.
Với doanh nhân Anh Đào, chia sẻ trên kinh nghiệm của một doanh nhân thành công ở lĩnh vực tài chính và giáo dục tại Vương quốc Anh, chị đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp tại nước ngoài: Cần có quyết tâm, phải có một nghề và vững nghề để được cấp phép và mở rộng, phát triển hoạt động của mình.
“Người Việt tại Anh muốn mở công ty kế toán cần phải có bằng cấp về kế toán được đào tạo bài bản và phải thông thạo tiếng Anh. Điều này đòi hỏi sự kiên trì vì muốn thành công tại đây, mình phải làm việc nhiều hơn người chính quốc. Muốn được các công ty kế toán mời làm đối tác kinh doanh, mình phải chứng minh được sự chăm chỉ và có khả năng”, doanh nhân Anh Đào chia sẻ.
Chị nhớ lại thời gian đầu nộp đơn xin việc tại Vương quốc Anh, đối tác hiện nay của chị ban đầu không tuyển chị nhưng ban ngày đi làm ở công ty khác, doanh nhân Anh Đào vẫn xin được làm việc tại nơi mình không trúng tuyển kia, làm không lấy tiền công. Sự nỗ lực, kiên trì và luôn trau dồi kiến thức vững vàng của chị đã khiến các đối tác rất tin tưởng khi mời chị làm đối tác kinh doanh sau đó.
Đây là khát khao mong muốn của cả ba nữ doanh nhân xinh đẹp, tài ba và cũng là mong muốn của tất cả các hội viên Hội DNTNVN.
Vinh dự là một trong những doanh nhân trẻ đại diện cho khu vực miền Trung, trên cương vị là Ủy viên BCH Trung ương Hội DNTNVN, doanh nhân Phan Thị Thắm mong muốn mở rộng phạm vi giao lưu, kết nối thông tin, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, tạo lập môi trường giao thương cho các hội viên, trao đổi thông tin về sản phẩm, dịch vụ, liên kết cùng phát triển không chỉ trong phạm vi miền Trung mà lan rộng ra toàn quốc.
Chị đã đưa ra những dự định để đón nhận các cơ hội kết nối và hợp tác như: Tổ chức thường xuyên các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh giữa các doanh nhân khu vực miền Trung và doanh nhân các khu vực miền Nam, miền Bắc. Tổ chức hội chợ triển lãm, giao lưu các sản phẩm của các doanh nghiệp khu vực miền Trung và có thể đi xa hơn mời các doanh nghiệp khu vực miền Nam, miền Bắc.
Tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nhân thành đạt, nhất là doanh nhân nữ cho sinh viên chuẩn bị ra trường, sinh viên khởi nghiệp. Tổ chức các buổi đi thăm các công trình, dự án của các công ty của các doanh nhân là thành viên Hội DNTVN.
Cùng với đó là tổ chức hội thao thể dục thể thao, văn nghệ giữa các doanh nhân khu vực miền Trung, mở rộng ra miền Nam và miền Bắc để cải thiện sức khỏe, giải tỏa căng thẳng để làm việc hiệu quả hơn nữa. Chị mong muốn đóng góp sức mình để xây dựng Hội DNTVN ngày càng vững mạnh hơn nữa.
Đối với doanh nhân Hướng Dương, chị sẵn sàng mời thêm các chuyên gia đầu ngành để tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức với các kế toán của các doanh nghiệp trong Hội một cách thường xuyên. Công ty của chị có cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo, bởi vậy, chị sẵn sàng tổ chức các buổi offline với các chủ đề khác nhau nhằm mang đến các giá trị khác nhau cho hội viên.
Với công tác tư vấn tài chính, chị có cơ hội hiểu nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính vì thế, chị có thể thể kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp với nhau trong Hội và giữa doanh nhân trong và ngoài Hội.
Còn doanh nhân Anh Đào mong muốn các nữ doanh nhân trong Hội sẽ có sự kết nối, hợp tác, cùng giúp đỡ nhau thành công: “Em mong muốn sẽ có cơ hội được giao lưu nhiều hơn, biết nhiều về các lĩnh vực kinh doanh của nhau, tạo thành mạng lưới đoàn kết cùng hỗ trợ nhau phát triển”.