Quảng Ninh quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn
Xử lý "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"
Theo báo cáo của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh, vào lúc 1 giờ 29 phút ngày 13/3, trên Quốc lộ 18 qua địa bàn thành phố Hạ Long, Đội CSGT số 2 đã thực hiện kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe là chị Nguyễn Thị H., trú tại thành phố Uông Bí. Qua kiểm tra, mức đo nồng độ cồn đối với chị H. là 0,469 mg/lít khí thở. Với lỗi vi phạm này, chị H. bị xử phạt 35 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng.
Tiếp đến ngày 19/3, lực lượng CSGT kiểm tra đối với lái xe Nguyễn Thị T.L., trú tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long phát hiện nồng độ cồn là 0,535 mg/lít khí thở. Lỗi vi phạm của lái xe Nguyễn Thị T.L. cũng ở mức cao nhất là bị phạt 35 triệu đồng và giữ giấy phép lái xe 23 tháng.
Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn mà các tổ, đội CSGT tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và ngăn chặn trong thời gian qua. Sau khi lập biên bản, tạm giữ phương tiện, tổ công tác tiến hành xác minh thông tin người vi phạm để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3 cho biết, thông qua định danh điện tử, cơ đơn vị đã xác minh địa chỉ, nơi công tác của người vi phạm, nếu người vi phạm là cán bộ, công chức đang công tác sẽ gửi thông báo. Đồng thời, đơn vị cũng xác định được đối với những trường hợp cố tình khai báo không có giấy phép lái xe để yêu cầu người vi phạm xuất trình, xử lý theo quy định. Ngoài việc liên tục thay đổi vị trí, lập nhiều chốt kiểm tra nồng độ cồn, Đội CSGT đường bộ số 3 cũng phối hợp chặt chẽ với Công an các địa phương, thực hiện kiểm tra nồng độ cồn tại các tuyến đường liên thôn, liên xã.
Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua xử lý vi phạm
Thực tế cho thấy, những vụ tai nạn do lái xe sau khi uống rượu, bia luôn gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Điều đáng nói là dù mức phạt lỗi vi phạm nồng độ cồn đã được tăng cao, nhưng nhiều người vẫn vi phạm, vẫn điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia; thậm chí, nhiều lái xe khi bị lập biên bản xử phạt cho rằng mình mới chỉ uống một, hai lon bia, vẫn đủ tỉnh táo để điều khiển phương tiện tham gia giao thông...
Đáng chú ý, địa bàn miền đông tỉnh Quảng Ninh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thói quen sử dụng rượu, bia của người dân còn phổ biến. Cùng với công tác xử lý vi phạm, các cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tuyên truyền cho người vi phạm về quy định, cũng như mức xử phạt để người dân hiểu và tuyên truyền cho gia đình và bạn bè. Việc tuyên truyền thông qua xử lý vi phạm đã có tác dụng trực tiếp tới người dân tham gia giao thông.
Thượng tá Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin, một số lái xe khi bị lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đã không hợp tác bằng việc bỏ đi, không ký biên bản, hoặc gọi điện thoại nhờ người quen can thiệp... Đối với những trường hợp như vậy chúng tôi nghiêm khắc nhắc nhở và xử phạt theo đúng quy định. Cùng với đó, tình trạng lái xe vi phạm lỗi nồng độ cồn kịch khung đang xuất hiện nhiều hơn, trong đó có cả lái xe là nữ giới.
Một trường hợp sau khi bị lập biên bản do vi phạm nồng độ cồn đã chia sẻ: "Hôm nay, tôi có sử dụng bia và bị xử phạt. Đây là bài học sâu sắc và đắt giá đối với bản thân và tôi sẽ rút kinh nghiệm, đã uống rượu, bia thì tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông".
Với mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân, ngoài việc phối hợp các tổ công tác của Bộ Công an, từ nay đến cuối năm, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh đã thành lập các tổ công tác phối hợp công an các địa phương tăng cường tuần tra, khép kín địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt là vi phạm về cồn và tốc độ với nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Cùng với việc ngăn chặn, xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn theo quy định, Tổ công tác sẽ xác minh các trường hợp vi phạm và gửi thông báo về cơ quan, đơn vị để có hình thức xử lý bổ sung. Nhất là các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm theo Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới và Chỉ thị số 10-CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng chức năng thì mỗi người dân cũng cần chủ động nâng cao ý thức tự giác hình thành thói quen "đã uống rượu, bia không lái xe".
Box:
Từ đầu năm đến nay, tại Quảng Ninh mặc dù TNGT giảm cả 3 tiêu chí, nhưng vẫn làm 42 người chết, 75 người bị thương. Hầu hết các nạn nhân đang ở độ tuổi học sinh, sinh viên, là lao động chính, trụ cột, chỗ dựa của gia đình.
Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh là do người tham gia giao thông điều khiển phương tiện chưa chấp hành nghiêm luật giao thông, với các lỗi vi phạm như: Không đi đúng phần đường, không chú ý quan sát, không giữ khoảng cách an toàn, điều khiển xe tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia, không tuân thủ biển báo giao thông…