Quý lỗ kỷ lục của Sợi Thế Kỷ và gánh nặng đeo bám từ khoản vay chục triệu USD đổ vào dự án Unitex

Diên Vỹ 16:41 | 29/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Do tỷ trọng nợ vay bằng USD rất lớn - chiếm tới 87% tổng nợ vay - mà chủ yếu là khoản huy động cho dự án Unitex; chi phí tài chính tại STK sẽ rất nhạy cảm với rủi ro thay đổi lãi suất cũng như diễn biến của tỷ giá USD/VND.

 

Lợi nhuận âm kỷ lục trong quý II: một phần do lỗ chênh lệch tỷ giá

Là một trong nhiều doanh nghiệp dệt may được đánh giá triển vọng tích cực khi đơn hàng quay trở lại khả quan, nhưng kết quả kinh doanh quý II của  Sợi Thế Kỷ (mã: STK) lại gây thất vọng khi ghi nhận lỗ ròng gần 56 tỷ đồng. 

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý II/2024, STK ghi nhận doanh thu thuần 303 tỷ đồng, giảm gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt gần 10 tỷ đồng, chỉ bằng 1/6  cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 3,23%, giảm mạnh từ mức 14,79% cùng kỳ 2023.

 Biên lợi nhuận gộp của STK giảm mạnh trong quý II. Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp từ BCTC.

Theo Chứng khoán DSC, trong quý II, số lượng đơn hàng của STK đã có sự hồi phục lên mức 9.000 tấn, tăng 69% so với quý I và tăng 13% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, với việc không thể hoàn thành lượng đơn hàng này dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. 

Cụ thể, hệ thống kiểm soát chất lượng tự động của STK đã gặp lỗi dẫn đến loại bỏ một lượng lớn sản phẩm đạt chất lượng đã buộc doanh nghiệp phải quay trở lại sử dụng hệ thống thủ công cũ gây mất rất nhiều thời gian. Sản lượng bán thực tế vì vậy chỉ còn ở mức 5.900 tấn.

Bên cạnh đó, trong quý II, STK ghi nhận chi phí tài chính tăng vọt gần 5 lần so với cùng kỳ, đạt gần 58 tỷ đồng, chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá khi doanh nghiệp vay nợ bằng đồng USD để tài trợ cho dự án Unitex. Khoản chi phí tài chính tăng vọt này đã góp phần làm cho STK báo lỗ ròng gần 56 tỷ đồng trong quý II trong khi cùng kỳ lãi ròng 37 tỷ đồng. 

Ngoài yếu tố doanh số thấp và lỗ chênh lệch tỷ giá, STK cũng lý giải thêm một nguyên nhân khác dẫn đến mức lỗ ròng kỷ lục trong quý II vừa qua là do ghi nhận chi phí ngưng máy vào giá vốn hàng bán vì trong kỳ, doanh nghiệp ngưng nhiều máy nhằm hạn chế gia tăng thêm thành phẩm tồn kho trong bối cảnh nhu cầu thị trường yếu. Tính đến hết quý II, lượng hàng tồn kho của STK ở mức gần  515 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm (doanh nghiệp dự phòng giảm giá gần 7 tỷ đồng). 

Với kết quả kinh doanh kém lạc quan của quý II, lũy kế 6 tháng đầu năm, STK lỗ ròng 55 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng 39 tỷ đồng).

Nợ vay xấp xỉ 97% vốn chủ, 'gánh nặng' từ món nợ tiền USD

Tính đến hết quý II/2024, tổng nợ vay (cả ngắn và dài hạn) của STK đạt 1.601 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu năm, trong đó chủ yếu là tăng nợ vay dài hạn. Tỷ lệ nợ vay/ vốn chủ sở hữu do đó đã lên đến xấp xỉ 97% từ mức chỉ khoảng 63% vào đầu năm.

 Nợ vay của STK đã tăng mạnh trong 4 quý gần nhất. Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp từ BCTC.

Đáng chú ý, tỷ trọng nợ vay bằng USD lớn đã tạo áp lực về mặt tỷ giá căng thẳng lên doanh nghiệp. STK hiện đang có khoản vay 52,32 triệu USD (~1.321 tỷ đồng) với ngân hàng TNHH CTBC để tài trợ cho dự án Unitex. Ngoài ra là khoản vay 2,91 triệu USD (~73,5 tỷ đồng) tại ngân hàng Eximbank. Riêng các khoản vay bằng đồng USD này đã chiếm tới 87% tổng nợ vay của STK. 

Do tỷ trọng nợ vay bằng USD rất lớn, chi phí tài chính tại STK sẽ cực kỳ nhạy cảm với rủi ro thay đổi lãi suất cũng như diễn biến của tỷ giá USD/VND. Thực tế, 6 tháng đầu năm, chi phí tài chính của doanh nghiệp đã tăng vọt hơn 3 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 75 tỷ đồng, bao gồm 47,3 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện và 19,5 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện.

Mặc dù đa số các nhận định cho rằng tỷ giá sẽ hạ nhiệt về cuối năm trước triển vọng Fed cắt giảm lãi suất, nhưng nhiều ý kiến cho rằng không loại trừ khả năng áp lực tỷ giá sẽ tăng ở một số thời điểm. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), áp lực tỷ giá có thể tăng trở lại trong khoảng cuối quý III và đầu quý IV. Tương tự, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng bước sang quý III, tỷ giá có thể còn có các biến động trồi sụt do nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp dự báo vẫn ở mức cao, trước khi xu hướng hạ nhiệt sẽ rõ ràng hơn trong quý IV nhờ kỳ vọng nguồn ngoại tệ sẽ cải thiện khi mà xuất khẩu được đẩy mạnh, kiều hối đổ về song song với dòng tiền FDI. 

Với những diễn biến tỷ giá dự kiến như vậy, mặc dù nhìn chung kỳ vọng áp lực tỷ giá của STK sẽ được giảm bớt về cuối năm, tuy nhiên nhiều khả năng gánh nặng về chi phí tài chính vẫn còn hiện hữu, phần nào gây sức ép lên kết quả kinh doanh của STK trong tương lai. Nhất là khi tỷ trọng vay dài hạn của STK lên đến hơn 60% và toàn bộ bằng USD.

Nhà máy Unitex về cơ bản đã hoàn thành công đoạn xây dựng và đang bắt đầu hoàn thiện nốt công đoạn lắp đặt máy móc, kỳ vọng sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào quý III năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vẫn yếu và thực tế STK đã phải ngưng nhiều máy nhằm hạn chế gia tăng thêm thành phẩm tồn kho như quý II vừa qua, Chứng khoán DSC dự kiến nhà máy này chỉ có thể góp được tối đa 25% doanh thu trong năm nay cho STK cũng như chỉ hoạt động được tối đa 50% công suất.