Sau EVFTA, nông sản Việt Nam xuất khẩu đạt 766 triệu USD

06:06 | 07/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ NN-PTNT cho biết, sau khi EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang châu Âu ghi nhận tăng trưởng rõ rệt.
Sau EVFTA, nông sản Việt Nam xuất khẩu đạt 766 triệu USD - ảnh 1
Nông sản Việt Nam thông đường sang Châu Âu sau EVFTA
 
Theo Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến, 9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt 13,7 tỷ USD, giảm 1,1%; chăn nuôi ước đạt 231 triệu USD, giảm 19,7%; thủy sản ước đạt 6 tỷ USD, giảm 3%; lâm sản chính đạt khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 13,2%.
 
Trong 9 tháng năm 2020, mặc dù một số mặt hàng xuất khẩu giảm nhưng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre... vẫn duy trì giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước. Hiện đã có 8 nhóm, mặt hàng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD và 6 nhóm mặt hàng có trị giá xuất khẩu hơn 2 tỷ USD.
 
Đặc biệt, từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực ngày 1/8/2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang châu Âu ghi nhận tăng trưởng rõ rệt. Tổng trị giá xuất khẩu từ ngày 1/8 đến nay đạt hơn 766 triệu USD.
 
Để tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các ngành hàng phải chuẩn hóa từ giống, quy trình sản xuất, vận chuyển, chế biến… Từng ngành hàng với các giải pháp chủ động trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu để đạt các mục tiêu của năm 2020.
 
Những tháng cuối năm 2020, Bộ NN-PTNT dự báo, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến khó lường. Việc tiêu thụ nông sản (nhất là xuất khẩu) sẽ tốt hơn nhưng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong quý IV/2020, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu mục tiêu xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD, đưa tổng trị giá xuất khẩu cả năm nay đạt hơn 40 tỷ USD.
 
Để đạt mục tiêu này, Thứ trưởng Tiến cho rằng, ngành NN-PTNT cần phải tiếp tục phối hợp với địa phương nắm bắt tình hình sản xuất và khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ nông sản. Đồng thời kịp thời thông tin, cảnh báo các quy định mới của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
 
Tiếp tục theo dõi, báo cáo thường xuyên biến động giá cả, tình hình cung cầu một số mặt hàng nông sản thiết yếu, kịp thời có những giải pháp cân đối cung cầu, tránh để xảy ra tình trạng bất thường về giá.
KẾ TOẠI