Sau Golf, đâu là bộ môn thể thao “quý tộc” đang ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam
Từ bộ môn đậm chất “quý tộc” và đầy kiêu hãnh
Từ thời Trung cổ ở châu Âu, ngựa đã là một trong những biểu tượng của quyền lực, tiền tài và sự sung túc. Từ những năm 1500 trở đi, vua chúa Châu Âu dần xem cưỡi ngựa như một bộ môn tiêu khiển, biểu trưng cho lãnh thổ và tiềm lực kinh tế.
Trong Hoàng gia Anh, tất cả các nghi lễ trang trọng diễu hành bằng ngựa là điều bắt buộc và các thành viên trong hoàng gia luôn được tiếp xúc với ngựa từ nhỏ. Nữ hoàng Elizabeth II ngay từ khi 4 tuổi đã được ông nội, vua George V, tặng cho một con ngựa thuộc dòng Shetland pony mang tên Peggy. Bà bắt đầu cưỡi ngựa khi lên 6 tuổi. Đến năm 18 tuổi, bà trở thành người cưỡi ngựa chuyên nghiệp với mọi thao tác trình diễn như đi chậm, chạy nhanh, vượt chướng ngại, phóng qua hàng rào.
Ngày nay, các bộ môn thể thao với ngựa vẫn là thú vui độc quyền của giới quý tộc, thượng lưu. Thậm chí, bộ môn này còn trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt hãng thời trang siêu xa xỉ như Hermès, Gucci, Salvatore Ferragamo, Ralph Lauren Polo, Longchamps,… Trong tuần lễ thời trang Haute Couture Xuân Hè 2022 ở Paris, nhà mốt “hoa trà trắng” Chanel đã mời Charlotte Casiraghi – cháu gái của công nương Grace Kelly, cưỡi ngựa mở màn cho show diễn bộ sưu tập lấy cảm hứng từ thời trang cưỡi ngựa, đủ thấy cách nhìn của thế giới dành cho bộ môn thể thao đầy kiêu hãnh này.
Không giống các môn thể thao khác, bộ môn cưỡi ngựa đòi hỏi người tham gia tính kiên nhẫn, sự bình tĩnh trong những tình huống bất ngờ. Song song với đó, cưỡi ngựa còn mang lại rất nhiều những lợi ích về sức khỏe tinh thần, loại bỏ căng thẳng trong cuộc sống. Ngoài việc nâng cao thể lực cho người chơi, môn thể thao cưỡi ngựa còn giúp các học viên có thêm tình yêu về động vật, hòa mình với thiên nhiên.
Đến thú chơi đắt đỏ của thế hệ trẻ thượng lưu
Không chỉ dừng lại là bộ môn quý tộc ở trời Âu, thể thao cưỡi ngựa cũng dần “chiếm sóng” ở các nước Châu Á trong những năm gần đây. Tại Trung Quốc, số lượng người tham gia môn thể thao cưỡi ngựa ngày càng gia tăng, tỷ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân.
Người sáng lập Wonder Horse - nơi cung cấp các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến ngựa tại Thượng Hải cho biết, các bậc cha mẹ Trung Quốc coi cưỡi ngựa là môn học dành cho tầng lớp ưu tú, giúp con cái họ nổi bật hơn trong xã hội Trung Quốc cạnh tranh cao. Đối với người lớn, việc tham gia môn thể thao cưỡi ngựa có thể giúp họ mở rộng sang các khía cạnh lớn hơn như sở hữu, đầu tư, du lịch, giải trí và các hoạt động xã hội.
Du nhập về Việt Nam chỉ trong vài năm gần đây, thể thao cưỡi ngựa nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và dần trở thành xu hướng mới của giới trẻ thời thượng. Mức giá cho một buổi học có sự hướng dẫn của huấn luyện viên hiện nay ở mức khá cao, dao động từ 600.000đ đến hàng triệu đồng tùy cơ sở.
Từ năm 2016, 8 trường đua ngựa đã được xây dựng tại Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu… với mức đầu tư kinh phí từ hàng chục triệu USD. Đây là chỉ báo về sự bùng nổ của trào lưu thể thao cưỡi ngựa trong tương lai. Cho đến nay, bên cạnh các trường đua lớn, những trường huấn luyện thể thao cưỡi ngựa vừa và nhỏ cũng xuất hiện ngày một nhiều, đáp ứng nhu cầu của thế hệ trẻ.
Gần đây nhất, Ocean City ở phía Đông Hà Nội của chủ đầu tư Vinhomes cũng có các dịch vụ trải nghiệm tham quan, cho ngựa ăn giữa lòng thành phố được xây dựng và quản lý bởi thương hiệu Vietgangz Farm song song với các hoạt động lều trại, BBQ ngoài trời… Các hoạt động này đã thu hút đông đảo gia đình trẻ và thế hệ Gen Z tham gia trải nghiệm. Được biết, trong thời gian tới, Vinhomes dự kiến sẽ xây dựng Học viện cưỡi ngựa ngay trong một dự án BĐS tại Hải Phòng. Mô hình độc đáo này hứa hẹn sẽ là tiện ích độc nhất vô nhị phục vụ nhu cầu của cư dân tinh hoa.