Sẽ có nghị quyết về phát triển bền vững sát với cuộc CMCN lần thứ 4

17:31 | 13/09/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chủ trì và phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Sẽ có một nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững với nhiều nội dung mới sát với bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4.

Sẽ có nghị quyết về phát triển bền vững sát với cuộc CMCN lần thứ 4 - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019. Ảnh: Minh Nhật/DNVN.
Kết quả chưa tương xứng với tiềm năng

Chủ trì phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, hướng đến cột mốc năm 2030, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những thành tựu mọi mặt của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới.

Theo đó, trước đổi mới, tỉ lệ nghèo của Việt Nam là trên 60%, nhưng hiện nay tỉ lệ này chỉ là trên 5%. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2017 là 0,694 thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia. Việt Nam tích cực tham gia có hiệu quả vào các sáng kiến bảo vệ môi trường toàn cầu.

Báo cáo đánh giá thường niên lần thứ tư về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2019 chỉ rõ Việt Nam xếp thứ 54, tăng 3 bậc so với năm 2018 và chỉ số phát triển bền vững đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, các kết quả nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cần được cải thiện.

 “Trong xây dựng dự thảo văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 lần này, phát triển bền vững cũng là vấn đề quan trọng được đặt ra. Đó là phát triển nhanh, tốc độ cao nhưng phải bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu cần tập trung cả ý chí, chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị và mọi thành phần trong xã hội.

“Xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là nguyên tắc nhất quán trong mọi giai đoạn phát triển. Chúng ta đã có quá nhiều chiến lược phát triển cho các mục tiêu khác nhau trong cùng thời kỳ. Vì thế việc thực hiện còn kém hiệu quả, không thể tập trung nguồn lực, kể cả con người. Tại hội nghị này, tôi đề nghị các bộ, ngành, các địa phương nghiên cứu để đưa ra chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững là trọng tâm, nội dung xuyên suốt của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030", Thủ tướng nói.

Thống nhất về nhận thức và hành động

Sẽ có nghị quyết về phát triển bền vững sát với cuộc CMCN lần thứ 4 - ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận Hội nghị. Ảnh: Minh Nhật/DNVN.  
Trước những yêu cầu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 6 đề nghị cụ thể. Đó là:

Thống nhất về nhận thức và hành động các cấp, ngành về phát triển bền vững. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Cần tập trung cả ý chí, chính sách và nguồn lực. Mục tiêu duy nhất đưa con người vào trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững.

Tăng tốc quá trình hoàn thiện thể chế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giảm nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Chính phủ khuyến khích các mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng. Thúc đẩy các dự án năng lượng sạch, dự án nước…

Tiếp đến là nghiên cứu phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Khi có sự thay đổi công nghệ lớn thì nguồn nhân lực đáp ứng được công nghệ là yêu cầu tất yếu.

Cùng với đó là đẩy nhanh tính hiệu quả của các cơ quan, thúc đẩy sáng tạo đổi mới hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Xây dựng cơ chế khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn, tiến tới mô hình kinh tế không rác thải. Cần có các chính sách khuyến khích hoạt động sản xuất, tái sản xuất theo mục tiêu phát triển bền vững.

Cuối cùng là, toàn cầu hoá với công nghệ làm thay đổi tư duy và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, những giá trị văn hoá phải là giá đỡ cho sự phát triển lâu dài.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các đơn vị liên quan trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững trong tháng 10/2019.

Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành căn cứ chương trình hành động quốc gia và lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng và ban hành các chỉ tiêu kế hoạch hành động cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực. Những cái tiêu chí này phải mang tính định lượng, đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác, có biện pháp theo dõi, đánh giá, giám sát.

"Sau hội nghị này, sản phẩm là sẽ có một Nghị quyết của Chính phủ với nhiều nội dung mới sát với bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4, kinh tế số hiện nay. Chúng ta rất vui mừng sự phối hợp tốt giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các tổ chức nhân dân, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp", Thủ tướng kết luận Hội nghị.