Shark Bình chỉ ra 5 bài học kinh doanh từ Facebook cho các startup
Trên Facebook cá nhân, Shark Bình nhắc về thông tin được nhiều nhà đầu tư quan tâm gần đây là giá cổ phiếu Facebook lần đầu rớt thảm. Nguyên nhân đến từ việc tăng trưởng khách hàng đứng yên, lợi nhuận giảm, khó khăn từ quảng cáo do chính sách mới của Apple và hụt hơi trước những đối thủ như TikTok,…
Từ vụ việc của Facebook, ông chủ của NextTech nghiệm ra rằng "ai rồi cùng có giai đoạn cực thịnh và cực suy". Thật vậy, nếu nhìn vào Facebook giai đoạn 2021, theo hồ sơ công khai trên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ, kể từ ngày 9/11/2020 tháng 7/2021, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Facebook, Mark Zuckerberg, gần như ngày nào cũng bán cổ phiếu của công ty do chính mình sáng lập.
Cụ thể, Zuckerberg đã bán tổng 9,4 triệu cổ phiếu và thu về 2,8 tỷ USD trong 8 tháng qua tính đến ngày 7/7/2021. Theo ước tính của Forbes, một phần nhỏ số tiền thu về, khoảng 200 triệu USD sau thuế, là vào "túi riêng" của Zuckerberg. Nhà đồng sáng lập này đang nắm giữ 14% cổ phần tại Facebook, giảm từ mức 28% vào thời điểm IPO.
Tại thời điểm tháng 7/2021, giá cổ phiếu của Facebook tăng hơn 800% so với lần đầu tiên IPO vào 9 năm trước. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, sang đầu năm 2022, giá cổ phiếu Facebook đã giảm đến 27% trong ngày 3/2 khiến vốn hoá công ty này bốc hơi 230 tỷ USD - mức chưa từng có tại phố Wall hay Thung lũng Silicon.
Điều này đã khiến nhà đầu tư đặt ra một câu hỏi mà trước đây dường như không thể tưởng tượng được là những ngày tươi đẹp đã qua với Facebook - một trong những cổ phiếu công nghệ được nắm giữ rộng rãi nhất thế giới. Dự báo doanh thu quý I/2022 cũng khiến phố Wall thất vọng. Tài sản cá nhân của CEO Mark Zuckerberg có khả năng giảm khoảng 24 tỷ USD.
Trước hai case sát nhau của Facebook, Shark Bình đưa ra 5 bài học trong kinh doanh dành tặng các startup trong ngày đầu năm mới:
1. Công ty nào cũng đã/sẽ phải đi vào chu kỳ khó khăn & gặp các thách thức nghiêm trọng sau mỗi 3-5 năm, Microsoft trước kia cũng như Facebook ngày nay đều có những chu kỳ như vậy!
2. Vậy nên cách duy nhất để tồn tại là phải liên tục xoay chuyển & sáng tạo, thường xuyên thử nghiệm các hướng đi mới (trong ngành chứ nên tránh trái ngành, trừ khi đó là ngành mình đang suy).
3. Phải liên tục duy trì tinh thần dám thay đổi đó ngay khi đang trên đỉnh cao, chứ đến khi vận khí đã suy rồi mới cuống lên đổi mới thì đã muộn (bài học Nokia, Yahoo).
4. Thậm chí trong một số trường hợp còn phải thay cả dàn lãnh đạo cao nhất để "thay máu - đổi gen". Ví dụ như Microsoft thay Bill Gates & Steve Baller bằng Satya Nadella thì mới cứu vãn được như hôm nay.
5. Lãnh đạo cấp độ 5 (vĩ đại) không phải là người làm công ty to nhất, mà là người xây dựng được cơ chế, văn hoá & chuyển giao cho (nhiều) thế hệ kế cận tiếp theo, kéo dài vòng đời công ty mà không phụ thuộc cá nhân nào.
Cuối cùng, vị cá mập nhắn nhủ tới các startup: "Năm mới chúc các startup lâu chết, và tặng các bạn câu này: thay đổi hoặc bị thay đổi".