Sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp: Chủ yếu là sửa sai

08:47 | 21/02/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, ngày 20/2.
Sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp: Chủ yếu là sửa sai - ảnh 1
Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. 
Sửa đổi còn luẩn quẩn

Theo luật sư Trương Thanh Đức, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này khá nhiều, với dự kiến sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ tổng cộng 75/289 điều của 2 Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (kể cả việc thay thế cụm từ) và 9 luật khác. Đó là chưa kể năm 2016 đã sửa đổi 3 điều và 1 phụ lục Luật Đầu tư.

Việc sửa đổi chủ yếu nhằm sửa sai. Ví như Điểm b, Khoản 1, Điều 1 của Dự thảo Luật bổ sung giải thích “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” là lấy lại nguyên văn quy định tại Khoản 2, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bị bỏ đi trong Luật năm 2014.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa. Ông dẫn chứng: “Doanh nghiệp nhà nước từ chỗ là 100% vốn nhà nước, sang trên 50% theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, rồi đổi 100% theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và giờ lại định quay về trên 50% (khoản 2, Điều 2 Dự thảo Luật)”.

Đó là lý do tại sao ông Đức khẳng định nội dung sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này không phải đổi mới mà chủ yếu là sửa sai.

Quan điểm về việc duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp trong dự thảo luật là bất bình đẳng, một sự mập mờ về pháp lý của ông Đức được Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đồng tình. Chủ tịch VCCI cũng nhận định các hộ kinh doanh cá thể dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức.

Sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp: Chủ yếu là sửa sai - ảnh 2
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ tại Hội thảo. 
Ông Lộc nhấn mạnh thêm: Nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mặc dù Luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này.

“Với tư cách là đạo luật gốc về doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh”, ông Lộc nói.

Phải thay đổi một cách căn bản về quan điểm

Trên tinh thần đó, luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị cần loại bỏ hộ kinh doanh để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty. Đồng thời, quy định một giai đoạn chuyển tiếp và chế độ quản lý, tài chính, kế toán đơn giản, phù hợp với thực tế.

“Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên, bản chất chính là doanh nghiệp và phải được xem là doanh nghiệp tư nhân”, ông Đức phân tích.

Ông Đức kiến nghị cần phải bắt tay vào chuẩn bị sửa đổi lớn, viết lại Luật Doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản về quan điểm. Cùng với đó, cần bỏ Luật Đầu tư, chuyển mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp.

Đối với Luật Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, cốt lõi của luật này là danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh, gắn với kinh doanh. Trong khi đó, ngành nghề kinh doanh vốn được quy định trong các Luật Doanh nghiệp trước đây.

“Đầu tư của doanh nghiệp là quyền tự chủ của doanh nghiệp, còn đầu tư của Nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công. Do vậy, chuyển những nội dung cần thiết về đầu tư sang Luật Doanh nghiệp, có thể thêm một chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài”, ông Đức đề xuất.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhìn nhận việc loại bỏ hộ kinh doanh để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty là một vấn đề lớn: “Trong khuôn khổ Hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi chỉ được giao sửa đổi một số điều của 2 luật. Nếu hoàn thiện mới hoàn toàn để đáp ứng được nhu cầu, chúng tôi phải báo cáo lại”.

Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp qua thực tiễn hơn hai năm thi hành đang bộc lộ nhiều bất cập, chưa bảo đảm tính khả thi. Theo Dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ KH&ĐT, Luật Đầu tư chưa quy định cụ thể về khái niệm, mục đích, giá trị pháp lý, phạm vi áp dụng của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với từng hình thức đầu tư và nguồn vốn sử dụng.

Đồng thời chưa phân định rõ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; chưa có quy định hợp lý về phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong trong hoạt động đầu tư kinh doanh; thiếu một số nội dung thiếu cụ thể về hình thức đầu tư, thủ tục thành lập tổ kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và thủ tục triển khai dự án đầu tư….

Đối với Luật Doanh nghiệp, quy định về việc áp dụng chuyên ngành liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi có yêu cầu thay đổi hoạt động kinh doanh. Một số quy định về quản trị doanh nghiệp còn thiếu linh hoạt.

Trước thực tế đó, Bộ KH&ĐT Dự thảo trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề trong Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và sửa đổi 23 điều, bổ sung 1 điều của Luật Đầu tư 2014; sửa đổi 19 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 khoản của Luật Doanh nghiệp.