Tăng trưởng xanh - vũ khí mềm để thương hiệu chiến thắng
Bức tranh chuyển dịch về tiêu dùng xanh
Khái niệm “người tiêu dùng xanh” (green consumer) đã được ông Trần Nhật Tân, Phó phòng nghiên cứu, Trung tâm thông tin Vibiz đưa ra với ý nghĩa là người mua những sản phẩm thân thiện với môi trường hay thân thiện với tự nhiên như các sản phẩm từ vật liệu tái chế.
Bức tranh chuyển dịch về tiêu dùng xanh đã thể hiện rất rõ nét qua nghiên cứu của Trung tâm thông tin Vibiz. Sau 2 tháng khảo sát vào cuối năm 2017, phỏng vấn 12.000 người tiêu dùng độ tuổi trên 20 tại các thành phố lớn, kết quả cho thấy: 74,5% nữ giới tin tưởng hơn về sản phẩm có chữ “organic” (sản phẩm hữu cơ), còn đối với nam, con số này là 52,1 %.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam mới chỉ hiểu đúng chứ chưa đủ về tiêu dùng xanh.
95% người tiêu dùng tin rằng tiêu dùng xanh là sử dụng các sản phẩm organic. 72,5% người tiêu dùng cho rằng không có thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm organic. 66% người tin rằng thực phẩm organic nhìn tươi hơn. Họ chưa quan tâm tới sản phẩm từ vật liệu tái chế.
Doanh nghiệp cần chuyển đổi mô hình để đáp ứng
McDonald’s chủ trương bọc sản phẩm của mình trong một túi giấy cho khách hàng thay vì túi polythene, qua đó làm cho "tiếp thị xanh" với chi phí thấp hơn. Chiến dịch này mang lại tiếng vang lớn cho McDonald’s.
Qua 8 năm nghiên cứu thử nghiệm, Coca-Cola Life ở Bắc Mỹ đã đột phá vào thị trường khu vực này bằng cách sử dụng lá cây Stevia (Paraguay), ngọt hơn gấp 30 lần. Cola Life hoàn toàn có thể gọi là sản phẩm "vegetable".
Nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho mình thông qua việc theo đuổi xu hướng "xanh hoá" - thương hiệu mà người tiêu dùng được kết nối với việc bảo vệ môi trường và thực tiễn kinh doanh bền vững của doanh nghiệp.
Vinamilk, Viettel, Traphaco, Unilever là những doanh nghiệp tiêu biểu cho việc làm tốt vấn đề tăng trưởng xanh. Chuỗi “bách hóa Xanh” của Thế giới di động, Thế giới rau sạch, Khu đô thị Ecopark, Bóng đèn Điện Quang, Cam Kỳ Yến và các cửa hàng tiện lợi xanh, các chuỗi nhà hàng café, nước giải khát, thức ăn với phương châm “cửa hàng thân thiện với môi trường” cũng là minh chứng cho sự theo đuổi xu hướng "xanh hoá" để thành công tại Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của các cửa hàng tiện lợi xanh tại Việt Nam rất cao. Việt Nam có khoảng 1600 cửa hàng tiện lợi xanh, theo thống kê của Vibiz.
Doanh nghiệp không nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh, trong khi chi phí chuyển đổi mô hình sản xuất sản phẩm sạch rất cao.
Chưa kể tới việc doanh nghiệp đang thiếu công nghệ, nhân lực và Chính phủ chưa có chính sách khuyến khích mua sắm các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Để doanh nghiệp dần vượt qua thách thức trên, các chuyên gia tại Hội thảo khuyến nghị doanh nghiệp cần coi chất lượng xanh là vũ khí chiến lược để cạnh tranh tốt hơn, khác biệt tốt hơn, bảo vệ tốt hơn và chiếm thị phần tốt hơn. Tăng trưởng xanh không còn gọi là "mốt", mà chính là con đường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp trong tương lai.
"Doanh nghiệp cần hướng tới một nền "kinh tế tuần hoàn" tăng trưởng xanh, sử dụng thiên nhiên hữu hiệu nhất để không ảnh hưởng tới môi trường. Ví dụ, vỏ nhựa của chai nước không chỉ đem tái chế mà là tái sử dụng thông qua công nghệ hiện đại. Chất thải sẽ biến thành nguyên vật liệu thứ cấp chính là hướng đi của bất kỳ nền kinh tế tuần hoàn nào trên thế giới hiện nay", ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu khuyến nghị: Điều quan trọng là thái độ của doanh nghiệp đối với tăng trưởng xanh. Nếu doanh nghiệp coi chi phí cho tăng trưởng xanh là đầu tư thì thái độ của doanh nghiệp sẽ khác khi coi đó chỉ đơn thuần là chi phí.
"Tôi khuyên các doanh nghiệp khởi nghiệp hãy bắt đầu ngay từ việc hướng tới tăng trưởng xanh, cho dù là những việc đơn giản nhất. Hãy coi đó là đầu tư, là lợi ích của mình cùng với những cam kết về mặt uy tín và lâu dài", theo ông Phan Đức Hiếu.
Để doanh nghiệp có thể chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng xanh, ThS.Vũ Xuân Trường đưa ra những giải pháp rất thú vị. Đó là, doanh nghiệp cần thực thi một loạt yếu tố "xanh": Thiết kế xanh, chiến lược định vị xanh, chiến lược giá xanh, chiến lược logistics xanh, chiến lược quảng bá xanh và liên minh xanh.