Tập đoàn Dệt May Việt Nam trả được hơn 1000 tỷ đồng nợ vay dù lợi nhuận suy giảm sau 9 tháng

09:28 | 04/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo tài chính quý III/2020 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) với doanh thu đạt 3.307,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 137,1 tỷ đồng, lần lượt bằng 79,7% và 73,8% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận từ 7,9% lên 8,3%.
Lý giải về hoạt động kinh doanh suy giảm, doanh nghiệp cho biết đại dịch COVID-19 đã gây ra tổn thất với toàn nền kinh tế và ngành dệt may cũng không phải ngoại lệ.
 
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 10.335,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 409,3 tỷ đồng, lần lượt bằng 76,7% và 76,6% so với thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2019.
 
Bên cạnh đó, điểm sáng đến từ dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tạo ra dương 1.249,9 tỷ đồng, so với cùng kỳ dương 978,8 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã dùng dòng tiền hoạt động kinh doanh tạo ra để trả bớt nợ vay và trả cổ tức cho cổ đông.
 
Trong kỳ, doanh nghiệp đã giảm được 1.489 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, tương ứng giảm 17,4% so với đầu năm về 7.064,3 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ vay ngắn hạn và dài hạn trên tổng ngồn vốn đã giảm từ 43,2% về còn 40% trong kỳ.
 
Tập đoàn Dệt May Việt Nam trả được hơn 1000 tỷ đồng nợ vay dù lợi nhuận suy giảm sau 9 tháng - ảnh 1
COVID-19 đã gây ra tổn thất với toàn nền kinh tế và ngành dệt may cũng không phải ngoại lệ
 
Tính tới 30/09, tổng tài sản của doanh nghiệp giảm 10,8% về 17.675,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định đạt 6.485,1 tỷ đồng, chiếm 36,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.792,4 tỷ đồng, chiếm 15,8% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.773,4 tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 2.593,3 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.558 tỷ đồng, chiếm 8,8% tổng tài sản.
 
Được biết, trong năm 2020 doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu là 14.640,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 381,6 tỷ đồng, lần lượt bằng 73% và 50% so với năm 2019. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm doanh nghiệp hoàn thành được 112,2% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Và mặc dù lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm nhưng doanh nghiệp đã có dòng tiền về tương đối tốt, ngoài ra còn trả bớt nợ vay.
 
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 03/11, cổ phiếu VGT tăng 100 đồng lên 8.700 đồng/cổ phiếu.
 
Trước đó, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT VGT cho biết, xét về mức độ suy giảm chung của ngành dệt may trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn là điểm sáng khi ghi nhận giảm 14%, trong khi Bangladesh và Ấn Độ đều giảm 23% trong 6 tháng đầu năm.
 
Hiện nay, đơn hàng cho quý 4 hầu như chưa có và là một thách thức vô cùng lớn cho kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn. Những đơn hàng khẩu trang cũng đã đảo chiều, số lượng không nhiều trong khi giá lại giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất.
 
Tuy nhiên, Tập đoàn sẽ nỗ lực tối đa, bám chặt mọi cơ hội kinh doanh dù nhỏ nhất, chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, sản xuất cả những mặt hàng chưa từng làm để hạn chế suy giảm cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động.
 
Hải Yến