Đã từ lâu, ùn ứ nông sản trở thành câu chuyện hàng năm cứ đến hẹn lại lên: hàng ngàn xe tải xếp hàng ở các cửa khẩu phía Bắc chờ thông quan, một số kịp quay đầu chờ thị trường nội địa “giải cứu” với mức giá gần như cho.

 

Trước sự không chắc chắn ở một số thị trường truyền thống, nông dân và doanh nghiệp muốn đa dạng hóa sang nhiều thị trường khác để phân tán rủi ro nhưng thường gặp khó trước các yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt. Ngay cả khi vượt qua được hàng rào kiểm định chất lượng, “ma trận” quy tắc thương mại quốc tế lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà xuất khẩu, tiêu biểu như nghi án lừa đảo xuất khẩu 100 container điều hồi đầu năm nay.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, ông Tạ Đức Minh, tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản đồng tình rằng đa dạng hóa thị trường là giải pháp thiết thực nhất để phân tán rủi ro cho hàng nông sản. Trong đó, Nhật Bản sẽ là “cửa ngõ” tiềm năng, là một ngưỡng tiêu chuẩn mà một khi thành công tiếp cận thị trường 126 triệu dân này, sản phẩm Việt Nam sẽ được công nhận và có cơ hội đi khắp thế giới.

PV: Khi doanh nghiệp Việt Nam tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản, xin cho biết đánh giá của ông về tiềm năng của thị trường Nhật Bản?

“Tiềm năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam là không có giới hạn”, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã khẳng định như vậy tại chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 30/4-1/5 vừa qua. Nhận định này cũng tương tự với đánh giá của thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản.

Nhật Bản hiện là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,1 tỷ USD; với nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhóm hàng chế biến, chế tạo (15,6 tỷ USD) và nhóm hàng được Chính phủ và các cơ quan chức năng ưu tiên thúc đẩy là nông lâm thủy sản (1,8 tỷ USD).

Trong kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Nhật Bản năm 2021, chiếm tỷ trọng chủ yếu là thủy sản (1,33 tỷ USD). Ngoài ra, nhiều mặt hàng đạt tăng trưởng ấn tượng như cà phê (226,5 triệu USD, tăng 25,5% so với năm 2020); hàng rau quả (153,2 triệu USD, tăng 20%); hạt điều (59 triệu USD, tăng 39%); cao su (22,5 triệu USD, tăng 40%); hạt tiêu (12 triệu USD, tăng 56%)…

Tuy nhiên, những mặt hàng này mới chỉ chiếm thị phần rất nhỏ tại Nhật Bản, chẳng hạn hoa quả chiếm 2,7%, thấp hơn nhiều so với Philippines (18,9%), Mỹ (18,7%) hay Trung Quốc (14%). Xuất khẩu cà phê của Việt Nam chiếm 14,7% thị phần, nhưng vẫn thấp hơn Brazil (30,1%) và Columbia (16%). Nói vậy nghĩa là tiềm năng xuất khẩu vẫn rất dồi dào.

 

PV: Việt Nam và Nhật Bản hiện là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương (VJEPA, AJCEP, CPTPP, RCEP). Thương vụ đánh giá ra sao về việc tận dụng lợi thế từ các FTA, nhất là với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản?

Lợi ích cơ bản nhất của một quốc gia khi tham gia các FTA đó là tận dụng các cam kết của đối tác về cắt giảm thuế nhập khẩu. Mà thực tế, với các FTA, thường thì doanh nghiệp cũng chỉ quan tâm đến vấn đề thuế suất thôi.

Hiện nay, thương vụ đang phối hợp tư vấn, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp để tận dụng lợi thế từ các FTA, đặc biệt là thuế suất. Chẳng hạn thời gian qua, các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Nhật Bản thì đều được hưởng thuế ưu đãi rất thấp, mặt hàng nông sản hoa quả là 0%. Nhưng có nhiều doanh nghiệp chưa biết thông tin, vẫn áp dụng mức thuế trước đây là 10%, sau khi được thương vụ tư vấn thì đã xin được miễn thuế và lấy lại được 10%.

Tuy nhiên để được hưởng ưu đãi cắt giảm thuế thì hàng hóa xuất khẩu cần đảm bảo các điều kiện tương ứng về xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý sức ép cạnh tranh và các vụ việc phòng vệ thương mại, bởi nền kinh tế xuất khẩu càng lớn thì càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại.

 

PV: Dưới sức ép cạnh tranh ngày một lớn như vậy, đâu là lối đi để doanh nghiệp định vị thương hiệu nông sản Việt Nam?

Mỗi quốc gia có một đặc thù khác nhau, do đó ngay cả khi xuất khẩu cùng một sản phẩm và được hưởng cùng mức ưu đãi thuế quan như nhau thì nông sản Việt Nam vẫn có chỗ đứng riêng nếu phát huy được đặc thù đó.

Chẳng hạn cùng là quả xoài, nhưng xoài Thái Lan và xoài Việt Nam có vị khác nhau, quy trình sản xuất khác nhau. Trước đây xoài Việt Nam thua xoài Thái Lan do thị trường Nhật ưa loại xoài chín vàng, trong khi đó xoài chín nước ta xuất sang nhanh hỏng hơn do quy trình bảo quản yếu hơn và chi phí vận chuyển lại đắt hơn. Nhưng thời gian gần đây, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản giống xoài xanh Cát Chu và được người Việt tại thị trường này tiêu thụ rất mạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng rất cao. Lúc này, xoài Thái Lan lại “lép vế”.

Hay cùng là quả chuối, trước đây Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu chuối từ Philippines với giá cực rẻ, tại các trang trại quy mô hàng trăm, hàng nghìn héc-ta. Tuy nhiên gần đây, chuối Việt Nam lại được ưa chuộng hơn do vị ngon hơn nhờ chất đất tốt; trong khi đó chất đất ở Philippines đã giảm sau thời gian dài canh tác dẫn đến chất lượng giảm đi.

Hay vải thiều tươi của Việt Nam cũng đang chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản do mẫu mã đẹp, chất lượng đồng đều, hấp dẫn hơn vải của Trung Quốc. Sắp tới, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên xuất khẩu nhãn tươi sang Nhật Bản và chắc chắn sẽ có những ưu thế nhất định.

 

PV: Thương vụ có khuyến nghị gì cho doanh nghiệp Việt Nam để “mở khóa” thị trường 126 triệu dân Nhật Bản và hướng tới những sân chơi quốc tế rộng lớn hơn?

Có 2 điều mà Thương vụ vẫn luôn khuyến cáo với các doanh nghiệp trong nước: phải đảm bảo cả chất lượng và giá cả ổn định.

Ổn định chất lượng sản phẩm là điều mà doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn rất yếu do quy mô sản xuất, chế biến còn nhỏ lẻ. Chẳng hạn lô hàng đầu tiên xuất khẩu, do số lượng đặt hàng ít nên doanh nghiệp đảm bảo chất lượng đồng đều. Đến các lô sau, khi đối tác tăng số lượng hoặc khi đã qua chính vụ, doanh nghiệp phải đi thu mua từ nhiều nông hộ khác nhau, quy trình chế biến khác nhau dẫn đến không đảm bảo tính đồng đều. Hoặc do dư lượng chất bảo vệ thực vật quá yêu cầu, khi thông quan hàng hóa cũng sẽ bị kiểm tra với tần suất cao hơn dẫn tới chi phí lưu kho, kiểm dịch bị đội lên rất nhiều, làm cho sản phẩm khó cạnh tranh…

Một vấn đề khác là áp dụng công nghệ chưa đồng bộ. Nói đơn giản như hoa quả tươi “ngồi máy bay” sang Nhật Bản phải qua nhiều khâu: từ kho lạnh của nhà sản xuất, chuyển sang ô tô lạnh ra sân bay, rồi từ sân bay vào cảng đến…, tất cả đều đòi hỏi đồng bộ công nghệ bảo quản. Nếu không làm tốt, hàng hóa dễ hư hỏng, tiêu thụ kém.

Bên cạnh chất lượng, một yếu tố quan trọng khác là ổn định giá cả. Doanh nghiệp cần lưu ý rằng không giống như Việt Nam, lạm phát tại Nhật Bản rất thấp, mục tiêu lạm phát đặt ra hàng năm chỉ khoảng 2%, thậm chí thường rơi vào giảm phát nên giá cả không đổi. Ngoài ra, đồng Yen Nhật (JPY) hiện đang bị mất giá so với đồng USD. Nếu đầu năm nay, tỷ giá dao động quanh 1 USD đổi 110 JPY thì nay, tỷ giá giảm mạnh xuống quanh mức 1 USD đổi 130 JPY, nghĩa là đồng Yen giảm tới gần 20% giá trị. Như vậy, giá nhập khẩu của Nhật Bản nếu thanh toán bằng đồng USD sẽ bị nâng lên gần 20%. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý không tăng giá quá mạnh, tránh làm mất khả năng cạnh tranh.

 

PV: Xin cảm ơn ông!