Thanh toán điện tử sẽ được giảm phí sâu trong đại dịch COVID-19

09:18 | 03/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh dịch COVID-19, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) sẽ giảm từ 50% đến 75% phí dịch vụ.

Theo đó, từ ngày 1/8/2021 đến cuối năm 2021, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) giảm từ 50% đến 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí áp dụng trước thời điểm này. Khi Napas thực hiện giảm phí như trên thì các ngân hàng có thể miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng và người dân.

Đây là chương trình giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử lần thứ hai trong năm 2021 mà Napas thực hiện. Chương trình giảm phí lần này là hành động thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tại Công văn số 5292/NHNN-TT ngày 21/7/2021 về việc tiếp tục giảm phí chuyển mạch tài chính.

Thanh toán điện tử sẽ được giảm phí sâu trong đại dịch COVID-19 - ảnh 1

Thanh toán điện tử đang là xu hướng mới trong mua sắm hiện nay trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Trước đó, ngày 30/7, NHNN đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho biết đã chỉ đạo Napas giảm phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ. Do đó NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện điều chỉnh giảm phí giao dịch trên ATM, POS xử lý qua Napas và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng mức giảm phí mà Napas điều chỉnh giảm và khuyến khích các đơn vị giảm phí lớn hơn mức giảm phí của Napas.

Đối với các trường hợp đang áp dụng chính sách miễn phí thì đề nghị tiếp tục thực hiện. Thời gian thực hiện từ 1/8 đến hết năm nay. Các ngân hàng phải báo cáo về NHNN việc giảm phí này trước 15/8/2021.

Theo Napas,với vai trò là đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ cho nền kinh tế Napas đã triển khai nhiều đợt miễn, giảm phí dịch vụ chuyển mạch cho các ngân hàng và doanh nghiệp trong năm 2020 và năm 2021 với mong muốn chung tay, sát cánh cùng các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, Napas đã thực hiện 3 lần giảm phí dịch vụ (lần 1 vào ngày 25/2/2020, lần 2 vào ngày 25/3/2020 và lần 3 vào ngày 23/11/2020) với tổng số tiền giảm phí lên tới 530 tỉ đồng.

Trong năm 2021, Napas sẽ tiếp tục kéo dài các chương trình giảm phí đã thực hiện trong năm 2020 đồng thời, áp dụng chính sách phí mới từ 1/6/2021 với mức thu thấp hơn trước đây.

Ngoài ra, Napas còn miễn phí cho các giao dịch chuyền tiền đến các tài khoản ngân hàng tiếp nhận ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 của Chính phủ. Tổng số lượng giao dịch ủng hộ quỹ này thực hiện qua hệ thống Napas đến 29/7/2021 đạt 203.545 giao dịch, tương ứng với số tiền ủng hộ là 137,7 tỉ đồng.

Được biết, việc giảm phí trên nhằm mục đích khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 và nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

Được biết việc giảm phí trên nhằm mục đích khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 và nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

Thanh toán điện tử đang là xu hướng mới trong mua sắm hiện nay trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Phương thức thanh toán điện tử bao gồm sử dụng thẻ ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử, điện thoại thông minh…

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, các phương thức này đặc biệt là ví điện tử là được nhiều người sử dụng bên cạnh các giao dịch thực hiện qua Mobile Banking, Internet Banking, cà thẻ, quét QR Code, thanh toán bằng nhận diện gương mặt... góp phần quan trọng, giúp người dân hạn chế đi lại, mua sắm không cần dùng tiền mặt.

 Hùng Dân

Xem thêm: thi-truong-vi-dien-tu-phat-trien-manh-me-trong-dai-dich

ĐỌC NHIỀU