Thanh toán điện tử tăng trưởng nóng khiến tội phạm công nghệ cao nở rộ
Trong 5 năm trở lại đây, thanh toán điện tử tử tại Việt Nam tăng trưởng hàng trăm trên dưới 50% khiến cho tội phạm công nghệ cao cũng xuất hiện rất nhiều, ghi nhận hàng trăm ngàn cuộc tấn công mỗi năm.
Thanh toán điện tử trưởng nóng
Xu thế thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với sự phát triển chung của thế giới và đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế của Việt Nam. Các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử được phát triển đa dạng. Số lượng các giao dịch được thực hiện qua thanh toán không dùng tiền mặt có sự tăng trưởng nhanh, nhất là thanh toán qua điện thoại di động và internet.
Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh tại Việt Nam. Ảnh minh họa .
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 08 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt trên 239 triệu giao dịch với giá trị đạt 547 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 28,9% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019). Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh tương ứng gần 125% và 130% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo báo cáo của PGS, TS. Đào Minh Phúc - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng và ThS. Nguyễn Trọng Chung - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong 5 năm qua đạt được những thành tựu nhất định về nhiều mặt. Theo đó, hiện Việt Nam có khoảng 89 triệu tài khoản cá nhân. Khoảng 61,2% người trên 15 tuổi có tài khoản, dự kiến đến cuối năm 2020 con số này sẽ tăng lên khoảng 70%.
Trong 5 năm qua, số lượng và giá trị giao dịch qua internet tăng trung bình tương ứng 50,2%/năm và 46,8%/năm. Số lượng và giá trị thanh toán qua điện thoại di động tăng trung bình tương ứng 84,8% và 158,5%. Xét về hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động thanh toán, đến nay thị trường có 19,5 nghìn máy ATM và 266,3 nghìn POS; 78 ngân hàng triển khai internet banking và 49 ngân hàng có ứng dụng mobile banking.
Việc triển khai giải pháp thanh toán qua mã QR cũng được đẩy mạnh. Đến nay, có khoảng 30 ngân hàng và 6 tổ chức trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán QR code, toàn thị trường có hơn 80.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Có 37 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gồm ví điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ chuyển tiền điện tử.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết: Thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm chi phí xã hội, góp phần năng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, phòng chống tội phạm tham nhũng, các vấn đề về gian lận lợi ích. Người dân, doanh nghiệp có thêm kênh giao dịch tiện ích, thuận lợi. Các nguồn vốn trong xã hội luân chuyển một cách an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Ghi nhận 100 ngàn cuộc tấn công mỗi năm
Bên cạnh những tiện ích, thuận lợi, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng nhanh như những tiện ích mà nó đem lại.
Theo TS. Phan Thanh Đức - Học viện Ngân hàng, chỉ tính riêng trong năm vừa qua có hàng nghìn cuộc tấn công trên mạng. Có nhiều khách hàng bị lừa rút tiền qua tài khoản, chuyển tiền cho nhân viên ngân hàng, gửi link giả mạo… Tổng thiệt hại của các cuộc tấn công có thể đến trăm tỷ đồng. Trong đó có vụ ngân hàng bị hacker tấn công có chủ đích, thiệt hại đến 44 tỷ đồng.
Những thủ đoạn của loại tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và khó phát hiện, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhân dân cũng như nền kinh tế.
Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cảnh báo rất nhiều các chiêu thức, thủ đoạn mà bọn tội phạm công nghệ cao thường dùng. Đó là, tấn công gián điệp mạnh vào các cơ sở hạ tầng thông tin để đánh cắp thông tin dữ liệu của các cơ sở; Truy cập, khai thác dữ liệu của khách hàng.
Các đối tượng tội phạm lắp đặt các thiết bị đánh cắp thông tin khách hàng từ các thẻ ATM, hay sử dụng trái phép các thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài khoản của khách hàng; Thanh toán khống các dịch vụ hàng hóa qua máy POS; Lập các trang website giả mạo các ngân hàng rồi gửi link đến khách hàng, yêu cầu, dẫn dắt nạn nhân khai báo thông tin về thẻ rồi qua đó đánh cắp thông tin khách hàng rồi thực hiện hành vi truy cập vào tài khoản của khách hàng để phạm tội.
Một hình thức lừa đảo khác là giả danh các cơ quan thực thi pháp luật, kể cả Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nói đang liên quan đến vụ án; Hoặc giả danh nhân viên bưu điện, nhân viên ngân hàng nói tên và tài khoản rồi đề nghị xác nhận.
Ngoài ra, rất nhiều tài khoản khác lợi dụng ngân hàng. Ví dụ, huy động kinh doanh đa cấp, tín dụng đen, hoạt động xã hội đen rất nhiều. Lập các app giả ngân hàng, các app cho vay tiền, cho vay rồi kéo theo rất nhiều hệ lụy. Khi người vay trả không đúng hạn vì lãi suất quá cao, các đối tượng gọi điện cho người thân để khống chế, đe dọa, xúc phạm, gây bức xúc.
Đại tá Trương Sơn Lâm khẳng định, 100% các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng để phạm tội. Đối tượng sử dụng rất nhiều các tài khoản, tài khoản rác. Nhiều tài khoản do người mở ra đúng người nhưng do tội phạm thuê một số như thuê sinh viên rồi chuyển cho họ để họ sử dụng. Hoặc các đối tượng giả các giấy tờ để mở tài khoản.
Đại tá Trương Sơn Lâm cho biết thêm: Trong năm 2019 có gần 100.000 cuộc tấn công vào các cơ quan nhà nước, các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp của Việt Nam, kể cả ngân hàng. "Vừa rồi, chúng tôi phá vụ án, đối tượng sử dụng hàng nghìn tài khoản cá nhân và thậm chí sử dụng 500 - 700 thẻ ATM. Những tài khoản đó phục vụ cho các mục đích là vi phạm pháp luật", Đại tá Lâm kể.
Những rủi ro trong thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử như đã nói trên đặt các ngân hàng, doanh nghiệp, người dân cũng như các cơ quan quản lý nhà nước trước những thách thức không nhỏ về an toàn và bảo mật thông tin cho các tổ chức và cá nhân sử dụng dịch vụ.
Thiên Kim