Thay đổi tư duy truy xuất nguồn gốc tạo công cụ marketing cho doanh nghiệp

20:13 | 26/08/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là bài học kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại”, ngày 24/8, tại Hà Nội.

Thay đổi tư duy truy xuất nguồn gốc tạo công cụ marketing cho doanh nghiệp - ảnh 1
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại”. (Ảnh: DNVN/Minh Nhật).
Tham gia Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại” do Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Trung tâm thông tin Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được trả lời các câu hỏi:

Ứng dụng truy xuất nguồn gốc nào được coi là đạt chuẩn để doanh nghiệp lựa chọn khi mà việc xây dựng các phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc đang trở thành một ngành dịch vụ?

Các phần mềm ứng dụng truy xuất tại Việt Nam hiện nay đã tạo được thương hiệu trên thị trường châu Âu và châu Mỹ hay chưa, trong tương quan với một thực tế các đối tác nước ngoài chưa tin vào con tem của doanh nghiệp nếu không có sự đảm bảo (đánh giá) của một bên thứ ba có uy tín?

Vai trò của đơn vị giám sát mang tính quốc tế trong đánh giá các phần mềm này tới đâu?

Các cơ quan chức năng sẽ ban hành quy định gì đối với các đơn vị cung cấp phần mềm truy xuất hay nhà nhà làm truy xuất nguồn gốc?

Thay đổi tư duy truy xuất nguồn gốc tạo công cụ marketing cho doanh nghiệp - ảnh 2
Đại diện cho một doanh nghiệp xuất khẩu đặt câu hỏi tại Hội thảo.( Ảnh: DNVN/Minh Nhật).
Những băn khoăn trên xuất phát từ thực tế các khách hàng nhập khẩu lẫn doanh nghiệp trong nước phải tiêu tốn rất nhiều công sức và tài chính để kiểm soát hệ thống truy xuất nguồn gốc truyền thống.

Đồng thời, tính trung thực của rất nhiều dữ liệu truy xuất nguồn gốc chưa được đảm bảo toàn diện trong quá trình vận hành chuỗi hệ thống từ sản xuất tới tiêu dùng.

Thay đổi tư duy - sử dụng truy xuất như công cụ marketing

Giải đáp băn khoăn của doanh nghiệp, các đại biểu tham dự đã nhấn mạnh về yêu cầu phải thay đổi tư duy ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý và người sản xuất.  

“Tư duy đó phải hướng tới xây dựng văn hoá sản xuất kinh doanh mới, trong đó, nhà sản xuất phải tôn trọng thị trường, bảo vệ người tiêu dùng”, bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển nói.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý truy xuất nguồn gốc theo chuỗi thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn, bà Amy Guihot, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Australia cho rằng tại Australia, doanh nghiệp phải tuân thủ mọi khâu trong chuỗi an toàn thực phẩm, thiết lập được văn hóa chia sẻ thông tin cùng gánh vác trách nhiệm của tất cả các bên.

Thay đổi tư duy truy xuất nguồn gốc tạo công cụ marketing cho doanh nghiệp - ảnh 3
Bà Amy Guihot, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Australia chia sẻ tại Hội thảo. ( Ảnh: DNVN/Minh Nhật)
“Mỗi doanh nghiệp bắt buộc phải có một nhân viên giám sát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc phải xác định được tất cả quy trình. Có như vậy, khi xảy ra một biến động nào đó, doanh nghiệp mới đưa được ra phản ứng nhanh nhất để giải quyết”, bà Amy Guihot cho biết.

Điều không kém phần quan trọng được Hội thảo đưa ra là doanh nghiệp phải hiểu rõ để tin vào các ứng dụng truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam hiện nay.

Theo TS. Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM, phần mềm truy xuất nguồn gốc được coi là đảm bảo khi đáp ứng được các tiêu chí xây dựng hệ thống phần mềm này, bao gồm từ khai báo thông tin, nội dung thông tin, hệ thống lưu trữ dữ liệu, hệ thống vận hành truy xuất có khả năng, hệ thống vận hành truy xuất có khả năng và các dịch vụ cung ứng đi kèm.

“Khi đã đáp ứng được các tiêu chí này, dữ liệu truy xuất nguồn gốc sẽ trực tiếp được đưa lên đám mây và bàn tay con người không thể can thiệp được sau đó. Bên cạnh đó, con tem truy xuất nguồn gốc sẽ qua một đơn vị đánh giá, thẩm định độc lập. Bởi vậy, việc giả mạo dữ liệu hầu như không thể diễn ra. Đây có thể coi là thành tựu mà công nghệ 4.0 mang lại, khác với các truy xuất truyền thống thủ công. Điều này sẽ tạo minh bạch cho mọi thông tin trên dữ liệu truy xuất. Doanh nghiệp hãy tự tin sử dụng truy xuất như phương tiện marketing”, ông Trung nói.
Các đại biểu cũng nhấn  mạnh để doanh nghiệp hiểu rõ hơn: Chi phí sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc rất rẻ (chỉ chiếm 0,2 % chi phí sản xuất) và rất tiện sử dụng. Doanh nghiệp có thể quét và chia sẻ thông tin qua Zalo và Facebook. Đây là một công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Thực tế chứng minh, doanh nghiệp nào thay đổi tư duy để áp dụng sớm hệ thống truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp đó đã và đang thành công vượt bậc.

Theo đó, tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm, vải Thanh Hà, nhãn lồng Đại Thành, rau su su Tam Đảo đã và đang khẳng định đường thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế.

Thành công của Công ty COFIDEC (công ty có thế mạnh về xuất khẩu nông sản chế biến như cà tím, đậu bắp và các sản phẩm thuỷ sản đã và đang xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada, Mỹ, EU) được chia sẻ tại Hội thảo là một minh chứng tiếp nối cho tiện ích mà hệ thống truy xuất nguồn gốc mang lại.

Thay đổi tư duy truy xuất nguồn gốc tạo công cụ marketing cho doanh nghiệp - ảnh 4
Chu trình truy xuất nguồn gốc tại Công ty COFIDEC 
“Chúng tôi đã thay đổi tư duy để nghiêm túc thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc đều được COFIDEC thực hiện đối với 100% khách hàng nhập khẩu (với sản lượng hơn 5000 tấn các loại sản phẩm nông - thuỷ sản chế biến trong năm 2018).

Trong tương lai gần, COFIDEC sẽ thực hiện áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho toàn bộ chuỗi cung ứng nhằm phục vụ cho mục đích phát triển bền vững của công ty”, bà Đặng Thị Phương Ninh, Tổng Giám đốc COFIDEC bày tỏ tin tưởng.

Thay đổi tư duy truy xuất nguồn gốc tạo công cụ marketing cho doanh nghiệp - ảnh 5
Lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong khuô khổ Hội thảo. (Ảnh: DNVN/Minh Nhật).
Hy vọng, niềm tin này sẽ ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt thông qua lễ ký kết hợp tác giữa Công ty Hapro và Hội Công nghệ cao TPHCM; Công ty TE-Food và COFIDEC; Fivimart và TE-Food tại Hội thảo, để cộng đồng doanh nghiệp thấy rõ hơn: Ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp cần trung thực và bền vững, đó là con đường duy nhất để phát triển bền vững.