Thêm nhiều đại gia dầu mỏ có thể bị Mỹ hủy niêm yết

20:55 | 04/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau 3 đại gia viễn thông, một số hãng dầu lớn của Trung Quốc cũng có thể bị Mỹ hủy niêm yết, trong đó có CNOOC (chủ sở hữu dàn khoan Hải Dương 981).
Theo Bloomberg, Tổng công ty Dầu khí Hải dương (CNOOC) có thể là một trong những công ty năng lượng Trung Quốc đầu tiên bị hủy niêm yết tại Sàn chứng khoán New York. Nguyên nhân là bởi công ty này nằm trong danh sách của Lầu Năm Góc về các công ty thuộc sở hữu hoặc kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc, theo nhà phân tích Henik Fung của Bloomberg Intelligence. 
 
Hồi tháng 8, tập đoàn này cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ. Ngoài ra, còn có hai cái tên khác là PetroChina và China Petroleum & Chemical Corp (Sinopec) cũng có thể gặp nguy hiểm do lĩnh vực năng lượng rất quan trọng với quân đội Trung Quốc.
 
Thêm nhiều đại gia dầu mỏ có thể bị Mỹ hủy niêm yết
Trụ sở CNOOC
 
Trước thông tin này, sáng 4/1, cổ phiếu CNOOC tại Hong Kong mất 5,7%. PetroChina giảm 2,5% và Sinopec mất 1,4%. CNOOC là chủ của giàn khoan Hải Dương 981 từng xâm phạm vùng biển Việt Nam năm 2014. Hành động ngang ngược này đã vấp phải sự bất bình mạnh mẽ của công luận thế giới.

"Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết tại Mỹ và các đại gia ngành dầu mỏ có thể là làn sóng tiếp theo", Bloomberg dẫn lời ông Steven Leung, Giám đốc UOB Kay Hian, nhận định.

NYSE cuối tuần trước đã tuyên bố hủy niêm yết 03 hãng viễn thông Trung Quốc gồm China Mobile, China Telecom và China Unicom Hong Kong để tuân thủ sắc lệnh của Mỹ về việc hạn chế các công ty được cho là có liên quan đến quân đội Trung Quốc. Các mã này sẽ bị ngừng giao dịch từ 7-11/1 để chuẩn bị hủy niêm yết.
 
Trong diễn biến mới nhất sáng 4/1, cả ba hãng cho biết "lấy làm tiếc" về quyết định của NYSE và nói rằng quyết định này có thể ảnh hưởng đến giá cũng như khối lượng giao dịch cổ phiếu. Cả ba khẳng định không nhận được thông báo của NYSE về việc này.
 
China Unicom và China Mobile cho biết đang xem xét các phương án để bảo vệ "quyền lợi hợp pháp" của công ty. China Telecom thì đang cân nhắc "các lựa chọn tương ứng" để "bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công ty".
 
Về phía chính quyền, CNBC đưa tin, theo tuyên bố từ Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 3/1, Bắc Kinh tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của các công ty Trung Quốc.
 
Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc hôm 3/1 cho biết do số cổ phiếu phát hành tại Mỹ ít, chưa huye động được nhiều vốn nên tác động của việc này lên các hãng viễn thông bị hủy hiêm yết sẽ hạn chế. Các công ty này cũng có vị thế tốt để giải quyết ảnh hưởng sau đó. Họ chỉ trích động thái của Mỹ "mang tính chính trị" và "gây sức ép vô căn cứ lên các công ty nước ngoài niêm yết tại Mỹ".
 
 
Hà Ly