Thống đốc NHNN: Lạm phát cao chính là một loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập, ảnh hưởng đời sống người lao động
Tại hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” sáng 20/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lẽ lao động và phát triển thị trường lao động đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định đối với việc phát triển kinh tế của một quốc gia. Ngược lại, phát triển kinh tế tốt cũng là điều kiện để phát triển thị trường lao động bền vững.
Theo Thống đốc NHNN, để phát triển thị trường lao động cần đồng bộ nhiều chính sách, tiếp cận trên nhiều góc độ chứ không phải riêng lẻ của một bộ ngành nào. Ví dụ, từ phía giáo dục là đào tạo nghề; đảm bảo các điều kiện để người lao động yên tâm làm việc; giải pháp chính sách về nhà ở; cân đối cung cầu lao động,… là những giải pháp toàn diện để phát triển thị trường lao động.
Từ góc độ hoạt động ngân hàng, NHNN cũng triển khai một số khía cạnh.
Thứ nhất, bảo đảm thu nhập thực tế của người lao động rất quan trọng. Với vai trò điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã triển khai rất nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
"Chúng tôi cho rằng, lạm phát cao chính là một loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập của người lao động, làm ảnh hưởng đến đời sống của họ", bà Nguyễn Thị Hồng nói.
Thống đốc thông tin, vừa qua, tại Hội nghị gồm 63 ngân hàng lớn trên thế giới, các Thống đốc của các ngân hàng trung ương rất quan tâm đến những khó khăn trên thị trường lao động trong bối cảnh lạm phát cao; đánh giá nhu cầu tăng lương của người lao động trong bối cảnh lạm phát cao sẽ là một khó khăn không nhỏ của thị trường lao động.
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, NHNN đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, tín dụng tính đến ngày 15/8 tăng 9,62 %, đóng góp rất nhiều cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. NHNN cũng hỗ trợ tái cấp vốn cho doanh nghiệp để trả lương cho người lao động, giúp cả doanh nghiệp và người lao động vượt qua thời điểm khó khăn.
Ngân hàng chính sách xã hội cũng triển khai 23 chương trình cho vay đối với hộ cận ngheo, thoát nghèo, nhà ở, xuất khẩu lao động,… mang lại hiệu quả cao.
Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với công nhân tại Bắc Giang vừa qua, 2 công ty tài chính đã cam kết mỗi công ty giành 10.000 tỷ đồng cho công nhân trong các KCN vay tiêu dùng. NHNN đang phối hợp với các cơ quan liên qua để triển khai, nếu làm được sẽ tiến hành nhân rộng hình thức cho vay này.
NHNH cho rằng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc đẩy mạnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phát triển nguồn nhân lực, cơ cấu theo từng khu vực phù hợp. Với ngành ngân hàng, lực lượng lao động chắc chắn không sử dụng rộng rãi, phổ thông mà đòi hỏi chất lượng rất cao, rất "tinh".
Thời gian tới, các Nghị quyết của Chính phủ, các chiến lược phát triển thị trường lao động cần làm rõ cơ cấu thị trường lao động theo khu vực, khu vực nào cần lao động chất lượng cao, khu vực nào cần lao động giản đơn.