Thu hút vốn các dự án đầu tư chưa đạt như kỳ vọng

20:19 | 08/11/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong gần một thập kỷ qua, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo nên bước đột phá đó. Phương thức đối tác công tư đã mở ra cơ hội và tạo điều kiện để huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Nhằm thúc đẩy các dự án PPP, nhất là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông vận tải, sáng 8/11, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu tư cho biết: Chỉ tính riêng lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), đến nay đã thu hút được 220 dự án theo phương thức PPP với tổng vốn đầu tư 387 ngàn tỷ đồng, trong đó nhiều dự án đã được hoàn thành góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống KCHT giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thu hút vốn các dự án đầu tư chưa đạt như kỳ vọng - ảnh 1
 Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy việc hiện thực chủ trương khuyến khích đầu tư theo phương thức PPP nói chung và đầu tư theo phương thức PPP vào lĩnh vực GTVT nói riêng còn bộc lộ không ít bất cập, hạn chế; kết quả thu hút vốn và chất lượng các dự án đầu tư chưa đạt như kỳ vọng, nhất là nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào KCHT GTVT chưa đáng kể.
Nhiều dự án PPP gặp không ít vướng mắc về cơ chế, chính sách, dẫn đến tình trạng triển khai chậm, kém hiệu quả và xung đột lợi ích giữa các nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ công, tạo dư luận tiêu cực về dự án PPP, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Theo đánh giá của cả các chuyên gia và các nhà đầu tư, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nói trên là do cho đến nay chưa có một khung khổ pháp lý cao nhất và rõ ràng, đầy đủ cho nhà đầu tư theo phương thức PPP. Cụ thể, hoạt động đầu tư theo phương thức PPP chịu sự điều chỉnh của Nghị định Chính phủ và quy định của các luật khác, mà chưa có một luật riêng về PPP.
Cũng chính vì vậy, các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng rất lớn vào dự Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến trong vài ngày tới, đồng thời mong muốn được tiếp tục góp ý kiến để dự luật phù hợp với điều kiện và đòi hỏi thực tiễn của nước ta, thực sự tháo gỡ được các vướng mắc, pháp lý diễn ra trong thời gian qua.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho biết sau nhiều năm triển khai, hình thức đầu tư PPP nói chung và BOT nói riêng đã có sự đóng góp quan trọng, nhất là với quá trình xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông trên cả nước. Tổng vốn đầu tư các dự án BOT đến nay vào khoảng 210.000 tỷ đồng, bổ trợ đáng kể cho ngân sách đang rất hạn hẹp.
Dù vậy, việc áp dụng hình thức BOT cũng đã phát sinh nhiều cái chưa được, một phần không nhỏ do khung pháp lý cho hình thức này trước này chỉ qua các nghị định, thông tư, quyết định mà chưa có một văn bản cấp luật đủ mạnh, đảm bảo để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn, khi mà các dự án thường kéo dài từ 15-20 năm, là một thời gian rất dài đi kèm với mức độ rủi ro cao.
Thu hút vốn các dự án đầu tư chưa đạt như kỳ vọng - ảnh 2
 Thu hút vốn các dự án đầu tư chưa đạt như kỳ vọng.
Bình luận thêm về việc nhà đầu tư nước ngoài không vào được Việt Nam để đầu tư trong lĩnh vực này, ông Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch vàĐầu tư, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Không phải vì nhà đầu tư nước ngoài không có đủ tiền, mà do Việt Nam vẫn chưa có cơ chế chuyển đổi đồng tiền cho các nhà đầu tư.
Theo ông Sinh, nhiều luật chỉ mới đưa ra một thời gian ngắn đã phải sửa đổi rất nhiều lần, do đó cần phải có biện pháp để một luật có thời gian “sống” dài hơn, ít nhất tồn tại trên 5 năm. Tiếp là, việc xử lý những vướng mắc vừa qua, nên phân thành hai loại là tích cực và tiêu cực, cái nào cần xử lý và không cần xử lý.
Bên cạnh đó, đa phần các luật tại Việt Nam đều do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, điều kiện thực tiễn thay đổi liên tục, nếu giữ quy định cứng sẽ rất khó thực hiện, do đó cần phải có những điều luật quy định chi tiết và linh hoạt hơn.
Ngoài ra, ông Sinh cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn nhận thức chưa đúng về đầu tư. Thực chất, hợp tác công tư có hai khía cạnh, một là nguồn lực và hai là hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
“Luật quy định hạn mức quy mô thấp nhất là 200 tỷ, tôi cho rằng việc này sẽ gây ra thắc mắc. Đối với lĩnh vực y tế, giáo dục thì chỉ cần 100 tỷ là đủ, cho nên việc soạn thảo luật cần phải viết sao cho mềm dẻo”, ông Sinh nhận định.
Do đó, ông Cao Viết Sinh kiến nghị, việc công khai minh bạch dự án là chính đáng, tuy nhiên hiện mới chỉ công khai trong đầu tư, chứ chưa công khai trong việc vận hành. Luật cũng cần phải quy định vai trò của ngân hàng phát triển để làm rõ nguồn vốn. Ngoài ra, cần phải có ban quản lý theo dõi quá trình vận hành của dự án, đứng ra chịu trách nhiệm từ quá trình đầu tư đến quá trình vận hành.