Thủ tướng: Thiết kế chính sách để đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân 'không có giới hạn'

Theo Báo Chính phủ 20:10 | 08/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Thủ tướng Phạm MInh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là cuộc làm việc thứ hai của Thủ tướng Chính phủ trong hai ngày liên tiếp về nội dung quan trọng này. Cùng dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết 68 cần được thể chế hóa gồm 3 nhóm.

Nhóm 1, các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đã có trong nội dung kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Với nhóm này, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội, với các nhóm chính sách cụ thể.

Nhóm 2, các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, cần được thể chế hóa, hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đang được sửa đổi, bổ sung, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 khóa XV.

Các dự án luật này gồm: Luật Cán bộ, công chức; Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư, Luật Đầu tư Công; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Các tổ chức tín dụng.

Nhóm 3, các nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng, chưa cấp bách và cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua.

Thủ tướng nhấn mạnh:

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý vào nội dung, đặc biệt là các nhóm chính sách cụ thể trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân: Một số nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh; rút gọn thủ tục phá sản doanh nghiệp; nguyên tắc xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ;... 

Các đại biểu cũng cho ý kiến đối với các chính sách: Hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng, không sử dụng tại địa phương; tăng cường nguồn vốn cho kinh tế tư nhân trông qua mở rộng đối tượng và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tài chính chuyển đổi xanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; đặt hàng doanh nghiệp thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; ưu đãi thuế, lệ phí thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; chính sách thuế với hộ kinh doanh; hỗ trợ xây dựng nền tảng số, phần mềm dùng chung, dịch vụ tư vấn, đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó THủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn dự và phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để mọi người, mọi nhà thi đua khởi nghiệp, thi đua làm giàu chính đáng

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Hội đồng Tư vấn chính sách tuy mới thành lập nhưng đã phát huy tốt kinh nghiệm phong phú, kiến thức sâu rộng, tinh thần làm việc cống hiến của các thành viên và đóng góp rất tích cực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nhiều ý kiến sâu sắc, sát thực tiễn, giá trị cao cho việc hoàn thiện, trình Bộ Chính trị Đề án, Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đòi hỏi phải nhanh nhạy, linh hoạt, kịp thời, phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. Ở trong nước, chúng ta đã tổ chức Hội nghị Trung ương lịch sử bàn về những vấn đề lịch sử; triển khai quyết liệt, triệt để cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy; phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo.

Chính phủ đã trình Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về "bộ tứ chiến lược", gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, trong đó trình kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV 44 dự án luật, nghị quyết (số lượng nhiều nhất trong một kỳ họp); hoàn thiện các văn kiện, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững. Các nội dung trong "bộ tứ chiến lược" theo các Nghị quyết của được triển khai đồng bộ, bài bản sẽ có tác động cộng hưởng tích cực với nhau.

Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần tập trung vào những vấn đề cấp thiết nhất cần giải quyết ngay, được người dân và doanh nghiệp quan tâm nhất, vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài, nhưng chưa có trong các dự án luật.

Theo Thủ tướng, các cơ chế, chính sách phải mang tính "đòn bẩy, điểm tựa", sát tình hình, phù hợp với điều kiện hiện nay, tạo tâm lý hứng khởi, phát huy tinh thần tự tin, tự lực, tự cường, tự hào trong vươn lên phát triển; khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy tối đa đổi mới sáng tạo; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

"Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của đất nước ta trong kỷ nguyên mới", Thủ tướng nhấn mạnh. Để phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, Nhà nước phải kiến tạo, con người là nền tảng, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và thể chế, cơ chế, chính sách là động lực.

Các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý vào nội dung, đặc biệt là các nhóm chính sách cụ thể trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phân tích, nhấn mạnh thêm một số nội dung để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Thủ tướng chỉ rõ, phải có cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân; tạo xu thế, phong trào phát triển doanh nghiệp tư nhân, mọi người, mọi nhà thi đua khởi nghiệp, thi đua làm giàu chính đáng.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để các tập đoàn kinh tế lớn tham gia các chuỗi cung ứng toàn đầu, trở thành các tập đoàn đa quốc gia; khuyến khích, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ thành doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp lớn trở thành doanh nghiệp lớn hơn.

Rà soát, bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tiếp cận bình đẳng về nguồn lực, vốn, đất đai, tài sản công; đẩy mạnh hợp tác công tư. Chính sách đào tạo nhân lực phải xuất phát từ nhu cầu thị trường, yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường, cơ sở đào tạo.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần làm rõ hơn nội dung về giao nhiệm vụ, đặt hàng doanh nghiệp, tinh thần là phải "đúng vai, thuộc bài" trên cơ sở Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Chính phủ điều hành, Nhân dân làm chủ, phát huy sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh phân cấp rõ ràng; thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra. Việc đặt hàng, giao nhiệm vụ là không giới hạn về lĩnh vực hay quy mô công trình, dự án.

Dự thảo Nghị quyết cũng cần làm rõ hơn, nhấn mạnh hơn cơ chế, thể chế liên quan tới tài sản vô hình, thương hiệu, sở hữu trí tuệ.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trình Quốc hội thông qua trước ngày 18/5 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cần cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết 68 về "tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm".

Thủ tướng cũng lưu ý tính toán thêm nội dung về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích Quỹ đầu tư tư nhân; các thủ tục đăng ký, giải thể doanh nghiệp đơn giản nhất, nhanh nhất, chi phí rẻ nhất và đặc biệt là xóa bỏ cơ chế xin cho; làm rõ hơn chính sách thuế theo hướng đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích phát triển doanh nghiệp; doanh nghiệp vừa có trách nhiệm, vừa có nghĩa vụ; đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Về tiến độ, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trình Quốc hội thông qua trước ngày 18/5.

Hà Văn