Thủ tướng: Xây dựng thể chế, tạo động lực mới để phát triển
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 17/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì, điều hành Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết phiên họp góp phần cụ thể hóa Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của Chính phủ với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021-2025 thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định; trong đó có nội dung đột phá chiến lược về hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, rà soát những vướng mắc về luật pháp, văn bản quy phạm pháp luật, các quy định do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ trưởng, thủ trưởng các ngành, cơ quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực tiếp chủ trì rà soát, hoàn thiện thể chế, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Chính phủ liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả vì nhân dân phục vụ.
Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải rà soát những vướng mắc, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định hoặc có quy định song không còn phù hợp. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá để bổ sung, hoàn thiện dần.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá thời gian qua, nhiều bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã tích cực, song cũng có nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa quan tâm thỏa đáng cho công tác xây dựng thể chế. Do đó cần rút kinh nghiệm để thúc đẩy công tác xây dựng thể chế.
Theo Thủ tướng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là công việc khó, do đó các bộ, ngành, địa phương phải kiên trì, kiên định, xem xét thấu đáo, toàn diện. Để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng xây dựng luật pháp, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường nhân lực, đầu tư thời gian, công sức, điều kiện làm việc, chế độ chính sách cho người thực hiện. Trong đó, cần cân đối nguồn lực thực hiện có trọng tâm, trọng điểm phù hợp tình hình.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe các tờ trình và thảo luận sôi nổi về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Nghị định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần; Báo cáo về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, tập trung, có chất lượng của lãnh đạo các bộ, ngành; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Tư pháp để tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện để Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét.
Riêng về nội dung rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ có liên quan và Bộ Tư pháp gấp rút rà soát, xây dựng theo nguyên tắc bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, xây dựng một luật để sửa nhiều luật, nhằm tháo gỡ những ách tắc mà nhiều năm chưa tháo gỡ được, nhất là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp để tạo động lực mới cho phát triển.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm: Cái gì đã "chín," đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì thực tiễn đặt ra, nhưng cần có kiểm chứng thì thực hiện thí điểm, trên cơ sở đó tổng kết, điều chỉnh, triển khai; không nóng vội, không cầu toàn.
Việc sửa đổi các luật phải tuân thủ quy trình, quy định của pháp luật, trên tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa, gắn với giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực bằng các công cụ pháp lý; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những vấn đề cần thiết, cấp bách nhất nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn lực trong lúc dịch bệnh chưa kiểm soát được, kinh tế còn khó khăn.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu không đưa một số luật vào việc điều chỉnh, bổ sung lần này do chưa thực sự cấp bách hoặc đang được chuẩn bị để trình Quốc hội trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ trưởng, thủ trưởng các ngành phải chịu trách nhiệm, chủ trì rà soát, bổ sung những nội dung của các luật thuộc trách nhiệm của bộ, ngành mình; phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện, đề xuất tháo gỡ, trên nguyên tắc những nội dung thuộc thẩm quyền của bộ thì bộ giải quyết, nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì trình Chính phủ giải quyết, những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì trình Quốc hội xem xét, giải quyết.
Theo TTXVN