Tiếp cận gói vay 16.000 tỉ: Doanh nhân tư nhân kêu `rất khó`
Trưởng Văn phòng Đại diện TW Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (DNTNVN) tại Miền Nam và Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM khẳng định "rất khó" tiếp cận gói vay 16.000 tỉ.
Dây chuyền hiện đại của Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJeans)
Gói vay 16.000 tỉ đồng đã có hành lang pháp lý cụ thể sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 05, dựa trên Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ, cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) vay tái cấp vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp không đảm bảo hoạt động liên tục, thậm chí không có doanh thu do mất đơn hàng.
Ngày 22/9, tại buổi họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng quý III/2020, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết NHNN đã ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện và đã sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho NHCSX.
Tuy nhiên, chia sẻ với Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam, ông Phan Hoàng Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Gia Thy, Trưởng Văn phòng Đại diện TW Hội DNTNVN tại Miền Nam và ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJeans), Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, đồng thời là ủy viên BCH TW Hội DNTNVN đều khẳng định hiện vẫn "rất khó" tiếp cận gói vay 16.000 tỉ này.
Ông Phan Hoàng Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Gia Thy, Trưởng Văn phòng Đại diện TW Hội DNTNVN tại Miền Nam.
Theo đó, ông Phan Hoàng Tuấn cho biết, hầu như các doanh nghiệp phía Nam trực thuộc Hội đều không quan tâm nhiều tới gói vay hỗ trợ này.
“Doanh nghiệp trong này không sử dụng gói đó, mà sử dụng các gói vay vốn bình thường bởi thường câu chuyện vướng vào chính sách là nhiêu khê, dính nhiều hệ lụy về thủ tục pháp lý, trong đó có việc kiểm toán. Doanh nghiệp muốn vay vốn phải chứng minh nhiều vấn đề, những gói hỗ trợ kiểu này rất khó vay”, ông Tuấn nói.
Mong muốn mà ông Phan Hoàng Tuấn đưa ra là doanh nghiệp cần bài toán vốn vay tạo khả năng đột phá cho doanh nghiệp. Về mặt chính sách phải làm sao cho chính sách đơn giản, dễ dàng. Văn từ trong thủ tục yêu cầu cho doanh nghiệp vay vốn phải rõ ràng, tránh những câu chung chung khiến doanh nghiệp nghĩ A sang B. Cùng với đó, chính sách đưa ra cho gói vay vốn hỗ trợ phải nêu rõ tiêu chí nào được vay, tránh việc doanh nghiệp phải đợi chờ các văn bản hướng dẫn, các chỉ thị, quyết định cụ thể liên quan, khiến doanh nghiệp mất thời gian mà không vay được.
Chia sẻ về nhu cầu cần thiết từ gói vốn vay hỗ trợ 16.000 tỉ đồng cho khối doanh nghiệp dệt may trong thời điểm cuối năm, ông Phạm Văn Việt khẳng định chưa có doanh nghiệp dệt may nào có thể tiếp cận được.
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJeans), Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM.
“Nếu đưa ra tiêu chí cao như thế cho gói vay, không có doanh nghiệp dệt may nào tiếp cận được. Đối với gói vay này, tôi đề xuất giao cho ngân hàng thương mại (NHTM) phối hợp với NHCSXH hỗ trợ lãi, sau đó hậu kiểm về thuế, về hải quan, có như vậy mới hy vọng tính khả thi. Bởi vì, các doanh nghiệp đang hợp tác với NHTM thì nên giao cho NHTM cho vay, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ tiền lãi, với điều kiện là phải hậu kiểm. Có vậy ngân hàng mới giải cứu được doanh nghiệp lúc khó khăn”, ông Việt đề xuất.
Minh Hoa