Tiki liên tục gọi vốn "khủng", Việt Nam sắp thoát cảnh không có kỳ lân công nghệ trong 1 năm qua?
Theo thông tin từ DealStreetAsia thì tính đến ngày 12/10, khu vực ASEAN có thêm 15 công ty khởi nghiệp đã bơm vốn mạo hiểm để trở thành kỳ lân. Mặc dù vậy, không ai trong số họ đến từ Việt Nam.
Đây được coi là một nghịch lý tương phản số lượng doanh nghiệp mới đang ngày một tăng cao.
Trong bảy năm gần đây, Việt Nam mới chỉ có hai kỳ lân, gồm VNG năm 2014 và VNLife năm 2020. Sky Mavis - một startup về game blockchain hồi tháng 10 đã thành công với đợt huy động vốn Series B trị giá 152 triệu USD, nâng giá trị tài sản lên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thể là kỳ lân tại Việt Nam do đăng ký kinh doanh tại Singapore.
Các nhà đầu tư cho rằng quốc gia càng có nhiều kỳ lân thì càng thu hút đầu tư tốt hơn. Đó cũng là lý do khiến Đông Nam Á và Ấn Độ dẫn đầu châu Á về huy động vốn vào các công ty khởi nghiệp trong nhiều năm. Đến nay, Đông Nam Á có 17 kỳ lân, trong khi con số này ở Ấn Độ là 30.
Tuy nhiên, tình trạng vắng bóng doanh nghiệp Việt Nam được rót vốn đầu tư và định giá khủng sắp kết thúc với những động thái huy động với mới đây từ Tiki.
Cụ thể, theo dữ liệu từ VentureCap Insights cho thấy công ty thương mại điện tử Tiki vừa huy động thành công 240 triệu USD trong vòng Series E, nâng mức định giá của start-up này lên khoảng 832 triệu USD, trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ có giá trị nhất tại quê nhà, và đặc biệt là tiến gần đến ngưỡng kỳ lân (định giá từ 1 tỷ USD).
Công ty bảo hiểm AIA vừa trở thành cổ đông lớn nhất trong vòng gọi vốn lần này với 60 triệu USD. Vào hồi tháng 7/2021, AIA Vietnam đã ký hợp đồng hợp tác kéo dài 10 năm với Tiki, qua đó Tiki trở thành sàn thương mại điện tử độc quyền phân phối bảo hiểm của hãng tại Việt Nam.
Do đó, khi truy cập Tiki có thể dễ dàng nhận ra các sản phẩm bảo hiểm AIA Vietnam. Ngoài AIA, một vài nhà đầu tư đáng chú ý khác có thể kể đến là UBS AG London Branch, Taiwan Mobile, và Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund.
Cũng trong năm 2021, Taiwan Mobile thông báo rằng doanh nghiệp đã rót 20 triệu USD vào Tiki. Khoản đầu tư này được kỳ vọng sẽ giúp Tiki và nền tảng thương mại điện tử Momo của Taiwan Mobile khám phá các cơ hội tăng trưởng mới bên ngoài Việt Nam. (Momo khác với Ví điện tử MoMo).
Trước đó vào đầu tháng 7/2021, tờ Deal Street Asia cũng đưa tin, Tiki được cho là đã chốt được 100 triệu USD vốn đầu tư trong vòng Series E do một nhà đầu tư chiến lược quy mô toàn cầu dẫn dắt, nhưng lúc đó Tiki từ chối bình luận về vấn đề này.
Trước khi đạt trạng thái gần đạt ngưỡng kỳ lân thì vào năm 2019, ông Trần Ngọc Thái Sơn - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tiki từng khẳng định, các founder tại các công ty startup Việt ngày càng giỏi về chuyên môn, và có nhiều tham vọng lớn. Điển hình là chỉ trong năm 2018, startup Việt đã có nhiều khởi sắc với 70 co-working space, 40 quỹ đầu tư, thu hút 890 triệu USD.
Ông cũng từng chia sẻ tại chương trình Café Khởi nghiệp, yếu tố giúp Tiki chinh phục các nhà đầu tư là đam mê, kinh nghiệm và quy mô thị trường. Nhà đầu tư sẽ không tin tưởng những người thiếu am hiểu lĩnh vực mà họ kinh doanh. Họ cũng lắc đầu nếu người chủ doanh nghiệp có đam mê, kiến thức nhưng thị trường quá nhỏ. Ông Sơn cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Doanh nghiệp chỉ kêu gọi đầu tư khi cần nguồn vốn thực hiện ước mơ lớn. Khi đó, công ty muốn mở rộng quy mô cho nhiều người tham gia, có thể gấp 10 lần, thậm chí gấp 100 lần”.
Tính đến quý 2/2019, theo iprice.vn từ vốn dắt lưng 5.000 USD, Tiki đã vươn lên mạnh mẽ trở thành doanh nghiệp có lượng truy cập web đứng thứ hai mỗi tháng với hơn 33 triệu lượt, đứng thứ 4 từ nguồn các thiết bị Android.
Trong đợt đại dịch, Tiki vẫn lọt top 3 website có lượng truy cập cao nhất tại thị trường Việt Nam. Kết thúc quý 1/2021, Tiki vẫn giữ vững vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng lượng truy cập website tại thị trường Việt Nam với hơn 19 triệu lượt xem mỗi tháng.
Tính đến đầu tháng 6, Công ty Cổ phần Tiki - doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử cùng tên thông báo phát riêng lẻ lô trái phiếu với tổng khối lượng 1.000 tỷ đồng thành công. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng cùng kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 13%/năm. Tài sản bảo đảm của số trái phiếu này gồm hơn 2,1 triệu cổ phần của Tiki, mang về cho Tiki khoảng 43,5 triệu USD.
Trong tương lai, tham vọng của Tiki sẽ là trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng hàng đầu không chỉ cho lĩnh vực thương mại điện tử, mà còn cho ngành logistics của Việt Nam.
Với xu hướng bùng nổ của Internet như hiện tại, thị trường Thương mại Điện tử Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục phát triển những bước nhảy vọt. Là một trong ba nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của quốc gia, Tiki đang có những bước chuẩn bị vững chắc nhằm đáp ứng kỳ vọng để trở thành kỳ lân tiếp theo của khu vực Đông Nam Á trong thời gian sớm nhất.
Thuật ngữ “startup kỳ lân” được sử dụng lần đầu tiên bởi Aileen
Lee – đồng sáng lập quỹ đầu tư Cowboy Venture – trong bài viết
đăng trên TechCrunch năm 2013.
Hiện tại, các công ty khởi nghiệp kỳ lân (unicorn startup) là thuật ngữ chỉ những startup được định giá trên 1 tỷ USD.
Được biết, số doanh nghiệp mới đạt được mốc trên không nhiều. Các startup kỳ lân đạt được mức định giá 1 tỷ USD trong 10 năm cũng chỉ chiếm 0,07% trên tổng số các công ty khởi nghiệp.