Trung Quốc cảnh báo về thủy sản đông lạnh của Việt Nam vi phạm chỉ tiêu dịch bệnh

16:25 | 23/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo về việc trong thời gian vừa qua, có tình trạng gia tăng số lô hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc bị phát hiện vi phạm quy định của Trung Quốc.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021 đã có 6/14 lô hàng thủy sản xuất khẩu đi Trung Quốc bị phát hiện vi phạm chỉ tiêu an toàn dịch bệnh, dương tính với bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV) và bệnh đốm trắng do virus (WWSV). Đây là thông tin cảnh báo đối với cả ngành hàng thủy sản của Việt Nam.
 
Tại hội nghị phòng chống dịch bệnh thủy sản dịch bệnh thủy sản khu vực phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, ông Ngô Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) - cho biết, mặc dù chất lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, nhưng ở thị trường xuất khẩu đặc biệt quan trọng là Trung Quốc, vẫn còn nhiều lô hàng bị phát hiện vi phạm chỉ tiêu dịch bệnh. Cụ thể, chỉ trong 3 tháng đầu năm đã có 6/14 lô hàng thủy sản xuất khẩu đi Trung Quốc bị phát hiện vi phạm chỉ tiêu an toàn dịch bệnh, dương tính với IHHNV và WWSV.
 
Liên quan đến các lô hàng thủy sản xuất khẩu đi Trung Quốc bị phát hiện vi phạm chỉ tiêu an toàn dịch bệnh, phía Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng có văn bản gửi cơ quan kiểm dịch Trung Quốc đề nghị cấp cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cảnh báo bệnh IHHNV, WSSV đối với sản phẩm tôm đã xử lý nhiệt và bằng chứng về đánh giá rủi ro đối với các cảnh báo bệnh IHHNV, WSSV đối với sản phẩm tôm đông lạnh chưa bóc vỏ, bỏ đầu.
 
Thủy sản VN xuất khẩu sang Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn
 
Ngoài thị trường Trung Quốc, ông Phong cũng cho biết, một số quốc gia nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam liên tục có những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
 
Cụ thể, tại thị trường Hàn Quốc, các sản phẩm tôm đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) theo quy định của nước này thì sẽ được miễn kiểm dịch. Nhưng theo quy định của Hàn Quốc thì thời gian xử lý nhiệt dài lại gây ảnh hưởng đến cảm quan của sản phẩm như yếu tố màu sắc, mùi vị…
 
“Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã có văn bản đề nghị phía Hàn Quốc điều chỉnh quy định này để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa tiêu diệt được virus gây bệnh”, ông Phong nói.
 
Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã bổ sung 5 chỉ tiêu bệnh (DIV1, TiLV, NHP, SAV, AHPND) đối với một số loài, dạng sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào nước này phải kèm theo chứng thư chứng nhận kiểm dịch đối với 5 bệnh nói trên. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải thực hiện quy định mới về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu này kể từ ngày 1.8 năm nay.
 
Cũng tại hội nghị Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 2/2021 của Việt Nam ước đạt 400 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong tháng 1/2021, chiếm 52,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
 
Việt Nam đang phấn đấu đạt vị trí thứ 3 trong xuất khẩu thủy sản của thế giới. Mặc dù năm 2020 đã xuất khẩu được 8,6 tỷ USD tới trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng nhiều thị trường đang áp dụng rào cản kỹ thuật phòng vệ thương mại nên chúng ta phải đáp ứng theo yêu cầu.
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, những năm qua, chúng ta vẫn còn có những lô hàng bị trả về do chưa kiểm soát chặt chẽ được môi trường nuôi hoặc vấn đề tồn dư kháng sinh, nhiễm bệnh. Vừa qua, thị trường Trung Quốc trả lại một số lô tôm do nhiễm bệnh. Đây là cảnh báo để ngành thủy sản phải thay đổi căn bản các vấn đề này, qua đó mới đạt được giá trị xuất khẩu 14 - 16 tỷ USD như Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
 
 
Nguyễn Dung